Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia hưởng lợi khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris?

04/06/2017 17:36 GMT+7

Quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khiến nhiều người bất bình, song một số nước, trong đó có Việt Nam, đang trên đà nhận tác động tích cực từ việc này.

Viện trưởng Viện thay đổi khí hậu quốc gia Úc Mark Howden mới đây cho hay: “Việc này mở ra cơ hội cho các nước khác chiếm lấy ''khoảng không quyền lực'' mà Mỹ bỏ lại sau khi rời khỏi thỏa thuận. Tôi có thể nghĩ đến cảnh một số nước đang rất tích cực, xem đây là cơ hội tốt để bắt đầu khoe cơ bắp quốc tế”.
Trung Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU) là các nơi đang tiến bộ về mặt sáng kiến xanh. Họ là những nước sẽ hưởng lợi, theo ông Howden. Trong tuyên bố chung đưa ra hôm 2.6, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới và EU khẳng định họ vẫn giữ cam kết với Hiệp định Paris về giải quyết biến đổi khí hậu, thực trạng ấm lên toàn cầu và dự kiến sẽ công bố nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu lượng khí thải carbon.
Chuyên gia Frank Yu thuộc hãng Wood Mackenzie cho biết: “Chúng ta sẽ nhìn thấy sự hợp tác chặt chẽ hơn từ Trung Quốc và EU trong quá trình chuyển đổi về mặt năng lượng, sang một nền kinh tế có ít khí thải carbon hơn”. Ông Yu cho hay động thái mới nhất về năng lượng và khí thải của Mỹ là “cơ hội chưa từng có với Trung Quốc”.
Ông Yu cho rằng các doanh nghiệp Mỹ tham gia vào công nghệ thân thiện với môi trường sẽ chuyển trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ tái tạo sang châu Á, giúp các nước như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam - những quốc gia cần vốn nước ngoài - đạt mục tiêu về năng lượng tái tạo.
“Bằng cách thúc đẩy chuỗi giá trị sản xuất mạnh ở Trung Quốc và các nước châu Á khác, chi phí năng lượng tái tạo cuối cùng sẽ giảm nhanh hơn, đi sâu hơn vào nỗ lực loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, đơn cử là than đá, tại một số thị trường quan trọng ở châu Á”, ông Yu nhận định.
Ông Wang Yiwei, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Âu tại Đại học Renmin, cho biết Trung Quốc và EU có thể hợp tác để đóng vai trò hàng đầu trong việc giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu, đưa ra tiêu chuẩn mới cho các công nghệ như ô tô điện, thay đổi “quan điểm đối đầu truyền thống” giữa Trung Quốc và phương Tây.
Dù vậy, chuyên gia Philippe Le Corre tại Viện Brookings cho hay vẫn còn quá sớm để dự báo về một trật tự thế giới mới. Ông Le Corre nói: “Tôi không tin rằng đây là trật tự thế giới mới dưới ngọn cờ của Trung Quốc và EU”. Chuyên gia này không cho rằng các mối quan hệ quốc tế của Đại lục sẽ có sự thay đổi lớn: “Quan hệ Trung - Mỹ là mối quan hệ đối tác chiến lược, cũng là mối quan hệ rất cạnh tranh. Nó sẽ không biến mất”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.