USD yếu đi dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump

05/08/2017 15:50 GMT+7

Tổng thống Mỹ Donald Trump thường đem thị trường chứng khoán mạnh mẽ ra làm ví dụ cho thấy chính sách kinh tế của ông hoạt động hiệu quả. Song còn đồng bạc xanh suy yếu thì sao?

Theo CNN, khi chỉ số Dow Jones vượt mốc 22.000 điểm giữa tuần này, đồng đô la Mỹ cũng trượt xuống mức thấp nhất trong 15 tháng so với các đồng tiền khác. Đây không phải là tin xấu vì USD yếu đã và đang giúp cổ phiếu chạm mức cao kỷ lục, giúp nhiều doanh nghiệp Mỹ kiếm tiền nhiều hơn ở nước ngoài.
Song thông điệp mâu thuẫn từ thị trường chứng khoán và tiền tệ là rất lớn, đặc biệt khi USD tăng giá sau chiến thắng của ông Donald Trump. Lời cam kết về việc cắt giảm thuế, tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng và bãi bỏ nhiều quy định từng khiến USD bay cao lên mức đỉnh 14 năm hồi tháng 1. Giới đầu tư cho rằng ở thời điểm đó, ông Trump cùng Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát, sẽ có thể giải phóng nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp của Mỹ, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất một cách mạnh mẽ hơn.
Song sau nhiều thất bại trong việc lập pháp của ông Trump cùng sức tăng trưởng kinh tế khởi sắc ở châu Âu, đồng USD gặp cú sốc lớn. Chỉ số USD, thước đo nội tệ Mỹ so với các đồng tiền khác, hạ 10% từ mức cao nhất hôm 3.1. Đồng USD đang có giai đoạn giảm giá 5 tháng liền đầu tiên kể từ năm 2011.
Trong khi thị trường chứng khoán liên tục lập kỷ lục nhờ lợi nhuận doanh nghiệp tốt, thị trường tiền tệ lại chật vật với khó khăn. Nhà chiến lược vĩ mô Kit Juckes của ngân hàng Societe Generale cho hay: “Sự tin tưởng vào khả năng áp dụng nhiều chính sách tài khóa thúc đẩy tăng trưởng của chính quyền Mỹ đang ở mức đáy”. Nhà phân tích Lukman Otunuga của hãng FXTM cũng có quan điểm tương tự, cho rằng USD gặp khó vì chuyện chính trị ở Washington.
Dù vậy, không phải tất cả lỗi đều nằm ở Mỹ. Chỉ số USD nghiêng mạnh về euro, đồng tiền đang tăng giá. Kinh tế khởi sắc và mối lo khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) tan rã giúp đồng tiền chung tăng lên mức cao nhất so với USD trong 2,5 năm qua hôm 2.8.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng trả lời tờ The Wall Street Journal: “Tôi thích đồng đô la Mỹ không quá mạnh. Thẳng thắn mà nói, dù đô la Mỹ mạnh nghe có vẻ tốt nhưng chỉ có chuyện xấu xảy ra khi đồng tiền mạnh”.
Dù vậy, chuyện USD yếu cũng có mặt tốt, mặt xấu. Mặt tích cực là các doanh nghiệp Mỹ có thể cạnh tranh tốt hơn ở nước ngoài. Đầu năm nay, USD lên cao đến mức nó đe dọa lợi nhuận doanh nghiệp. Khi USD mạnh, sản phẩm định giá bằng USD và bán ở nước ngoài trở nên đắt đỏ hơn trong mắt khách mua ngoại. Tổng thống Trump hiểu rằng USD mạnh sẽ làm tổn thương nỗ lực vực dậy các nhà máy Mỹ bằng cách thúc đẩy xuất khẩu.
Các chỉ số chứng khoán cũng thích USD yếu. Đa phần các doanh nghiệp trong chỉ số Dow Jones đang kiếm được nhiều tiền ở nước ngoài, hưởng lợi nhuận cao hơn từ USD yếu. Các hãng như Boeing, Apple hay Visa vốn chỉ có dưới 55% tổng doanh thu phụ thuộc vào Mỹ. Vì vậy, chỉ số Dow Jones đang cao hơn gấp ba lần so với chỉ số Russell 2000, vốn là nơi niêm yết của các hãng nhỏ hơn và đặt trọng tâm nhiều hơn vào thị trường nội địa Mỹ.
Tuy nhiên, người Mỹ khi muốn du lịch châu Âu sẽ thiệt thòi vì nội tệ yếu. 1 EUR hiện ngang giá 1,19 USD, cao hơn nhiều so với mức 1 EUR có giá 1,03 USD hồi tháng 1. Các nhà nhập khẩu Mỹ cũng sẽ gặp khó vì họ phải trả tiền cao hơn cho các lô hàng cập cảng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.