Thêm dấu hiệu cho thấy kinh tế Mexico chuyển trục khỏi Mỹ

05/04/2017 11:55 GMT+7

Mexico đang sắp đi bước nữa trong việc chuyển trục nền kinh tế ra khỏi Mỹ.

Theo CNN, giới chức Mexico vừa bắt đầu các cuộc đàm phán với nhiều đối tác của họ trong Liên minh châu Âu (EU) hôm 3.4 để cập nhật thỏa thuận thương mại tự do được ký ban đầu vào năm 2000. Hai bên bày tỏ mong muốn về một thỏa thuận mới trong nhiều năm qua, song chỉ công bố rằng đang “đẩy nhanh” đàm phán thương mại sau khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ. Đại sứ của EU tại Mexico Andrew Standley cho hay hồi tháng 2: “Tiến hành nhanh nhất có thể quá trình đàm phán này là mong muốn chung”.
Chưa hết, quan chức Mexico cũng tới Argentina cuối tuần này để dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Mỹ La tinh, nơi họ có thể nhắc lại sự quan tâm về việc mua thêm hàng hóa, đặc biệt là ngô và đậu nành, từ Brazil, Argentina thay vì Mỹ.
Tuần trước, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Mexico Juan Carlos Baker nói trên tờ Financial Times rằng nước này sẵn sàng đàm phán với hai quốc gia lớn thuộc Nam Mỹ nhằm tăng cường quan hệ thương mại. Martin Redrado, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Argentina thì nói: “Có rất nhiều khả năng về kịch bản có lợi cho đôi bên. Mexico luôn được chào đón ở châu Mỹ La tinh”.
Mexico đã và đang cảm thấy chẳng mấy được chào đón ở Bắc Mỹ. Ông Trump đe dọa áp thuế quan lên hàng nhập khẩu của Mexico, rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) - thỏa thuận bao gồm Canada, Mỹ và Mexico. Quốc gia Mỹ La tinh là một trong những khách hàng mua ngô và đậu nành Mỹ nhiều nhất. Ngô là thực phẩm chủ yếu trong ẩm thực Mexico, xuất hiện ở khắp nơi từ các quầy bán taco trên đường cho đến các nhà hàng sang trọng.
Đây là thời điểm thuận lợi để Mexico hướng về phía nam và phía đông. Argentina và Brazil, hai nền kinh tế có thương mại chặt chẽ nhất với Mexico, đang có các nhà lãnh đạo cố gắng chống chính sách bảo hộ, mở cửa thương mại tự do.
Năm ngoái, Tổng thống Argentina Mauricio Macri bãi bỏ thuế quan với hàng xuất khẩu nông nghiệp được áp đặt từ cơ chế dân chủ trước đây. Nước này vừa thoát khỏi đợt suy thoái nhưng vẫn tăng trưởng chậm. Ở Brazil, Tổng thống Michel Temer đang tìm kiếm các biện pháp giúp thúc đẩy kinh tế quốc gia, vốn phải chịu tình hình thất nghiệp cao kỷ lục và cuộc suy thoái dài nhất lịch sử. Châu Âu cũng mong muốn tìm kiếm đối tác thương mại sẵn sàng hơn sau khi một thỏa thuận thương mại khác đầy triển vọng với Mỹ là Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) bị trì trệ.
Giới chuyên gia cho hay thách thức với Mexico là nước này phải tìm ra những lĩnh vực mà họ có thể bổ sung, thay vì cạnh tranh với các nước đối tác. Là nhà sản xuất ô tô lớn, Mexico có thể có nguy cơ cạnh tranh với các hãng sản xuất xe hơi khác tại châu Âu như Daimler và BMW. Argentina và Brazil cũng là trung tâm sản xuất ô tô lớn.
Tuy nhiên Volkswagen đặt nhà máy lớn nhất ngoài châu Âu ở Mexico và BMW thì dự kiến mở cửa cơ sở mới tại Mexico trong năm 2019. Mối quan hệ này dường như đang đem lại lợi ích cho cả hai bên. Song hầu hết công nhân ô tô Mexico sản xuất phụ tùng chứ không phải là sản phẩm cuối cùng. Vì vậy, chìa khóa ở đây là xác định xem phần nào sẽ được nhà sản xuất Mexico đảm nhiệm, phần nào do nhà sản xuất nước khác phụ trách để tất cả các bên đều hài lòng. Các chuyên gia cho rằng chiến lược tương tự cũng nên được áp dụng cho ngành nông nghiệp để tránh cảnh mất việc làm.
Mexico hiện đã có thỏa thuận thương mại thành công với EU. Từ năm 2005 đến năm 2015, kim ngạch thương mại thường niên giữa hai bên tăng gấp đôi lên 56 tỉ USD và EU chiếm 40% đầu tư nước ngoài vào Mexico từ năm 2000.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.