Tạm dừng thu phí trạm Tào Xuyên có đúng luật?

09/08/2017 13:58 GMT+7

Các chuyên gia cho rằng cần làm rõ yêu cầu tạm dừng thu phí tại trạm Tào Xuyên về mặt pháp lý có đúng luật không và việc này sẽ tác động đến tâm lý các nhà đầu tư như thế nào.

Liên quan đến việc nhà đầu tư trạm thu phí Tào Xuyên "kêu" vì việc bị tạm dừng thu phí, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng có hai vấn đề cần nhìn nhận trong việc yêu cầu tạm dừng thu phí trạm Tào Xuyên là trong quá trình thực thi về mặt pháp lý có đúng luật không, việc tạm dừng này sẽ tác động đến tâm lý các nhà đầu tư như thế nào?
“Về mặt pháp lý, hợp đồng giữa nhà đầu tư và cơ quan chức năng là hợp đồng kinh tế, việc phá vỡ hợp đồng là vi phạm luật”, ông Long nói.
Cũng theo chuyên gia này, ngân sách nhà nước rất khó khăn, việc huy động vốn đầu tư hạ tầng giao thông đang trông chờ vào hình thức BOT, BT, PPP và nguồn vốn tư nhân. Sự phá vỡ hợp đồng không theo các quy tắc kinh tế và luật pháp có thể làm mất lòng tin các nhà đầu tư.
“Nếu khởi kiện ra tòa mà cơ sở pháp lý nghiêng về nhà đầu tư, cơ quan chức năng thua cuộc thì phải xem xét trách nhiệm của chính cơ quan chức năng trong việc phá hợp đồng”, ông Long nói.
 Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Sanh, quan hệ giữa Bộ Giao thông vận tải với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư là quan hệ A - B. “Tổng cục Đường bộ Việt Nam ở đây đóng vai trò bên A thay Bộ Giao thông vận tải, nếu Tổng cục ngừng hợp đồng phải đủ căn cứ pháp lý, trường hợp tạm ngừng thu mà không có căn cứ pháp lý, nhà đầu tư có thể gửi văn bản kiến nghị lên các Bộ Giao thông vận tải và Tài chính. Nếu không đạt kết quả, trường hợp cao nhất nhà đầu tư có thể kiện ra tòa để xử theo luật”, ông Sanh nói.
 Một chuyên gia giao thông cho rằng theo yêu cầu của Chính phủ, việc rà soát, điều chỉnh lại thời gian thu phí của các dự án BOT theo giá trị hợp đồng sau quyết toán là hợp lý, nhờ vậy đã rút ngắn thời gian thu phí rất nhiều dự án.
“Các dự án BOT vốn có nhiều lùm xùm, nhưng việc xử lý phải dựa trên hợp đồng và đúng luật. Việc yêu cầu nhà đầu tư tạm dừng thu mang tính mệnh lệnh hành chính, không căn cứ trên hợp đồng sẽ tạo tiền lệ xấu và tâm lý bất an cho các nhà đầu tư tham gia vào BOT, nhất là trong kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài vào đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng”, chuyên gia này cho hay.
Trước đó, trong văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, Công ty CP BOT đường tránh Thanh Hóa - chủ đầu tư dự án xây dựng quốc lộ 1A, đoạn tránh thành phố Thanh Hóa theo hình thức hợp đồng BOT, cho rằng: ngày 7.8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có quyết định tạm dừng thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu giá Tào Xuyên để đàm phán lại lợi nhuận với nhà đầu tư là hoàn toàn không có căn cứ pháp lý và vi phạm nghiêm trọng các điều khoản hợp đồng BOT đã được ký kết. Các căn cứ pháp lý được dẫn chiếu chưa phản ánh đúng các quy định trong hợp đồng.
Theo ông Nguyễn Hải Nam, Tổng giám đốc BOT đường tránh Thanh Hóa, nhà đầu tư đã thống nhất giảm thời hạn thu phí dự án, tuy nhiên, thời hạn thu phí tạo lợi nhuận từ 3 năm bị rút ngắn xuống chỉ còn 1 năm là không hợp lý.
“Theo hợp đồng BOT và các phụ lục đã được ký kết, thời gian thu phí hoàn vốn được điều chỉnh phù hợp với các yếu tố ảnh hưởng, nhưng thời gian thu phí tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư luôn được xác định là 3 năm kể từ thời điểm hoàn vốn”, ông Nam nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhìn nhận theo hợp đồng ban đầu, thời gian thu phí là hơn 29 năm thì mới được 3 năm tạo lợi nhuận, nhưng nay rút ngắn xuống 7 năm thì chỉ còn 1 năm lợi nhuận.
Lãnh đạo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho hay việc tạm dừng thu phí là không sai so với hợp đồng, nếu nhà đầu tư không đồng ý có quyền khởi kiện. Lý do trong hợp đồng BOT nêu nếu doanh thu tăng lên 5% phải đàm phán lại hợp đồng, thay đổi phương án tài chính kèm theo thay đổi thời gian hoàn vốn và thời gian tạo lợi nhuận cho dự án.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.