'Sẽ xin ý kiến Thủ tướng về giá sàn vé máy bay nội địa'

03/04/2017 21:58 GMT+7

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3.4, trả lời câu hỏi về đề xuất áp giá sàn lên vé máy bay nội địa, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết sẽ xin ý kiến Thủ tướng trước khi chốt phương án.

Trao đổi thêm với báo chí sau buổi họp, ông Trường cho biết thêm, theo luật Hàng không dân dụng 2006, giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông do Bộ Tài chính quy định khung giá với mức giá tối thiểu bằng 0. Trên thực tế, các hãng hàng không đều kê khai và áp dụng nhiều mức giá thấp hơn mức tối đa quy định, đồng thời đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi với mức giá vé thấp, có loại vé tặng cho khách hàng - tức vé 0 đồng. Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến về việc quy định khung giá vé dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông trong giai đoạn mới, Thứ trưởng Trường cho biết, cơ quan này đã nhận được kiến nghị áp dụng giá sàn khác 0 từ phía hãng Jestar Pacific (JPA). "Trước đề nghị này, Bộ GTVT thấy cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi có quyết định về giá sàn trong khung giá mới. Bộ đã giao cho Cục Hàng không VN chủ trì phối hợp với các hãng, các chuyên gia xem xét", ông Trường nói và cho biết việc xem xét sẽ dựa trên việc đảm bảo hài hoà lợi ích cả nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp để đưa ra phương án cuối cùng song chưa rõ thời điểm dự kiến ban hành.
Trước đó, trong văn bản góp ý gửi lên Bộ GTVT ngày 23.3, Hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA) đề nghị bên cạnh giá trần cần áp dụng giá sàn cho hạng vé phổ thông nội địa. Lý do, theo hãng này là sự phát triển nóng của các hãng trong vài năm trở lại đây gây sức ép lên cơ sở hạ tầng, nhà ga, sân bay. Từ năm 2014 - 2016, mức tải cung ứng trên các đường bay nội địa tăng hơn 30%/năm và các hãng hàng không VN liên tục phải giảm giá vé (có khi bán thấp hơn giá thành) và sẽ tiếp tục giảm để hút khách.
JPA đề xuất lấy chi phí trực tiếp của chuyến bay làm căn cứ xây dựng giá sàn. Cụ thể, chi phí trực tiếp được xây dựng trên cơ sở đội bay A320, chi phí thuê, quỹ bảo dưỡng theo hợp đồng thuê máy bay. Dự kiến giá sàn cho 5 nhóm đường bay dao động từ 29 - 34% so với giá trần. Theo đó, mức giá sàn sẽ dao động từ 600.000 - 1,2 triệu đồng/chiều tùy từng nhóm đường bay. Với đường bay Hà Nội - TP.HCM giá sàn sẽ là 1,1 triệu đồng/chiều.

tin liên quan

Làm khó cho máy bay giá rẻ
Phụ phí sân bay rục rịch tăng cộng với dự định kiểm soát giá vé máy bay thông qua quy định giá sàn có thể làm khó cho các hãng máy bay giá rẻ, thậm chí siêu rẻ mức 0 đồng, mà người tiêu dùng chỉ mới vừa được hưởng vài năm trở lại đây.
Tuy nhiên, một hãng hàng không giá rẻ khác là Vietjet Air (VJA) lại kiến nghị không áp dụng giá sàn. Theo hãng này, với số khách nội địa khoảng 10 triệu lượt/năm, trong khi dân số VN hơn 90 triệu người, vẫn còn 90% dân số chưa được tiếp cận với dịch vụ hàng không do giá vé còn cao so với thu nhập. Việc quy định giá sàn dịch vụ sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá dịch vụ của các hãng trên đường bay nội địa, hạn chế cơ hội tiếp cận hàng không của 80 triệu dân. Đặc biệt, theo VJA, thị trường hàng không nội địa có sự tham gia của các hãng hàng không tư nhân giá rẻ với tỷ trọng ngày càng gia tăng, việc quy định giá sàn sẽ hạn chế cơ hội cạnh tranh của các hãng giá rẻ qua việc giảm giá thành dịch vụ, làm méo mó thị trường. Chưa kể, việc quy định cũng khó khả thi do mỗi hãng có cách tính khác nhau như tính trên đơn vị ghế/km, tính trên hiệu quả chuyến bay, đường bay, chủng loại máy bay khác nhau...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.