Rộng đường cho trái vải xuất khẩu

Lần đầu tiên, lô vải xuất đi Úc được chiếu xạ tại Hà Nội, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian và giảm giá thành cho nông sản xuất khẩu.

Ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết ngày 20.6, Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Úc đã gửi thông báo, công nhận Trung tâm chiếu xạ Hà Nội (Bộ KH-CN) được phép xử lý chiếu xạ nông sản tươi xuất khẩu sang thị trường này. Đây là đơn vị thứ 3 của VN và là đơn vị đầu tiên tại phía bắc được phía Úc công nhận.
Ông Hà chia sẻ: “Rất nhiều nước như New Zealand, Chile, Mỹ, Úc... yêu cầu phải chiếu xạ thực phẩm nhập khẩu vào nước họ. Việc mở cửa cho quả vải đi Úc, ngoài giá trị về mặt kinh tế, cho thấy phía bạn đã đánh giá cao công tác bảo vệ kiểm dịch thực vật của VN. Cục Bảo vệ thực vật cử cán bộ ứng trực tại trung tâm để bất kỳ lúc nào hàng xuất đi đều có thể kiểm tra làm ngay tại chỗ, tạo điều kiện tối đa, thông thoáng hết sức để làm sao quả vải xuất đi càng nhanh, càng nhiều, càng tốt”.
Ông Đặng Quang Thiệu, Giám đốc Trung tâm chiếu xạ Hà Nội, cho hay chiếu xạ thực phẩm là biện pháp xử lý an toàn, thân thiện, không làm thực phẩm bị nhiễm xạ, đã được Cơ quan Quản lý thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép từ năm 1972. Phương pháp này đã được Bộ Y tế VN cho phép năm 2004 đối với 7 nhóm thực phẩm khác nhau, trong đó có nhóm hoa quả tươi nhằm diệt côn trùng với liều chiếu xạ 0,2 - 1 kGy. Mục đích của kiểm dịch là để ngăn chặn sự xâm nhập và phát tán các loài ngoại lai có hại có trong hàng hóa, khi các sản phẩm nông nghiệp được vận chuyển từ vùng hoặc quốc gia này sang quốc gia khác.
Rộng đường cho trái vải xuất khẩu 2
Chuẩn bị đưa lô vải vào chiếu xạ Ảnh: T.Hằng
Để đưa dây chuyền chiếu xạ vào hoạt động, Trung tâm chiếu xạ Hà Nội đã đầu tư khoảng 30 tỉ đồng nâng cấp sửa chữa thiết bị có sẵn được nhập khẩu từ Nga; đồng thời xây dựng 2 kho lạnh bảo quản thực phẩm. Vì vậy, giá chiếu xạ vải tại trung tâm là 6.000 đồng/kg, thấp hơn so với các trung tâm tại TP.HCM. “Trung tâm chiếu xạ mở ra, trước hết là phục vụ cho xuất khẩu các lô vải thiều. Sau này sẽ mở ra tất cả các loại quả xuất khẩu ở khu vực phía bắc. Từ nay nông sản sẽ không phải vận chuyển vào nam để chiếu xạ, rút ngắn nhiều thời gian, chi phí. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp (DN) đã đăng ký, chúng tôi có thể đáp ứng nhu cầu từ 20 - 30 tấn/ngày”, ông Thiệu chia sẻ.
Khi dây chuyền chiếu xạ đưa vào hoạt động, đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất không ai khác chính là các DN. Mới đây, 2 tấn vải thiều của Công ty TNHH Agricare VN và Công ty Rồng Đỏ đã được xử lý chiếu xạ tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội trước khi xuất khẩu sang Úc. Ông Đàm Quang Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Agricare VN, phấn khởi: “Việc chiếu xạ không chỉ là một thủ tục, khi chúng tôi đã đạt được điều kiện của phía bạn đề ra cũng có nghĩa DN chúng tôi sẽ có cơ hội mở rộng thị trường sang các nước khó tính khác. Mùa vải năm nay, công ty đã xuất 2 tấn vải thiều Lục Ngạn sang Úc vào tuần trước và đến nay đã bán gần hết. Người tiêu dùng đánh giá rất cao chất lượng. Vì vậy, đến lô thứ 2 này, chúng tôi phải làm sao nhanh nhất có thể để giữ quả vải tươi và ngon đến sang Úc”.
Theo ông Thắng, khó khăn nhất của DN vẫn là cắt giảm các phí đầu vào. Trước đây, sau khi sơ chế ở vùng nguyên liệu, các DN phải vận chuyển vải qua đường hàng không vào TP.HCM để chiếu xạ. “Hiện chi phí vận chuyển vào nam mất hơn 10.000 đồng, bằng với giá mua 1 kg vải. Rất may mắn là đã có trung tâm ở ngoài bắc, chúng tôi đỡ mất công và mất tiền vận chuyển vải bằng máy bay, giảm cả chi phí chiếu xạ. Tính ra, DN tiết kiệm được 20 triệu đồng/tấn. Chúng tôi đang đàm phán, cố gắng 2 - 3 ngày sẽ xuất 1 chuyến sang Úc. Tiếp đến sẽ mở rộng sang thị trường Mỹ”, ông Thắng nói.
Đánh giá về triển vọng xuất khẩu nông sản của VN, ông Lê Sơn Hà nhìn nhận, Úc là thị trường quan trọng với hơn 24 triệu dân, thành công của quả vải qua nước này sẽ mở ra triển vọng về lâu về dài. Tiếp theo quả vải, Úc cũng đang xem xét mở cửa cho quả xoài và thanh long.
Theo Bộ Công thương, niên vụ năm 2016, do thời tiết không thuận, tổng sản lượng vải thiều ước đạt khoảng hơn 180.000 tấn (sản lượng xuất khẩu dự kiến 35 - 45%). Trong đó, Bắc Giang ước đạt trên 130.000 tấn (giảm 65.000 tấn so với năm trước) và Hải Dương đạt hơn 50.000 tấn. Tính đến đầu tháng 7, tổng sản lượng vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 63.000 tấn và hơn 20 tấn vải thiều cũng đã được xuất khẩu sang Mỹ, Malaysia, Úc...
Để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, hiện tại Mỹ cấp 15 mã vùng trồng vải tại H.Lục Ngạn (Bắc Giang) cho hơn 200 hộ dân với sản lượng đạt 1.000 tấn theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Mỹ, Úc và EU. Tại Hải Dương cũng đã triển khai sản xuất vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Mỹ và Úc, với 11 mã, sản lượng khoảng 660 tấn.
T.Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.