Nhật Bản, Trung Quốc chạy đua đường sắt ở Đông Nam Á

15/02/2017 07:02 GMT+7

Thông tin về dự án đường sắt cao tốc Bangkok - Kuala Lumpur khiến cạnh tranh đầu tư đường sắt tại ASEAN giữa Nhật Bản và Trung Quốc thêm quyết liệt.

Theo dự kiến, Thái Lan và Malaysia dự định sẽ đàm phán về xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài1.500 km nối liền Bangkok và Kualua Lumpur. Tờ Nikkei Asian Review dẫn lời Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith cho hay ông hy vọng sẽ sớm gặp phía Malaysia để xúc tiến đàm phán về dự án.
Cùng với nhiều dự án đường sắt lớn đang được triển khai tại các nước Đông Nam Á, kế hoạch mới càng khiến cuộc cạnh tranh giành thầu càng thêm gay gắt giữa Nhật Bản, nổi tiếng với tàu cao tốc Shinkansen, và Trung Quốc, vốn đang muốn tăng cường ảnh hưởng về hạ tầng tại khu vực. Bộ trưởng Termpittayapaisith cho biết thêm Thái Lan và Malaysia sẽ thảo luận về lựa chọn giữa Trung Quốc và Nhật Bản hoặc cả hai. Theo ông, Kuala Lumpur đang tỏ ra quan tâm đến Trung Quốc hơn.
Đường sắt nóng bỏng
Dự án đường sắt cao tốc Bangkok - Kuala Lumpur nằm trong mạng lưới kết nối quy mô lớn giữa các thành viên ASEAN như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, VN, Myanmar, Lào. Một trong những tuyến chính của mạng lưới này còn nối một số nước với TP.Côn Minh của Trung Quốc. Lãnh đạo các nước và giới chuyên gia khẳng định việc đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc hiện đại tại từng thành viên và kết nối khu vực là nhu cầu cần thiết hiện nay. Cơ sở hạ tầng đường sắt trong khu vực đa phần đều đã cũ kỹ, không phù hợp với sự phát triển năng động và tăng cường hội nhập của ASEAN.
Đến nay, 2 “tay đua” chính cạnh tranh giành quyền tiến hành các dự án đường sắt khu vực vẫn là Nhật Bản và Trung Quốc. Hiện Bắc Kinh đang tỏ ra có lợi thế hơn nhờ quan hệ hợp tác gần gũi với một số nước ASEAN cũng như tham gia trực tiếp vào mạng lưới kết nối. Tuyến đường sắt nối Côn Minh và thủ đô Vientiane của Lào đang được xây dựng và sẽ nối với dự án Nong Khai - Bangkok ở Thái Lan mà Trung Quốc cũng đang tham gia.
Trong khi đó, Nhật Bản ký được một số hợp đồng với Thái Lan nhưng lại để vuột dự án đường cao tốc Jakarta - Bandung trị giá 5,5 tỉ USD tại Indonesia vào tay Trung Quốc hồi năm 2015. Trong nỗ lực giành lại thị phần, Nhật Bản đã được phía Indonesia cam kết hợp tác tiến hành dự án đường sắt nối Jakarta và thành phố lớn thứ hai nước này là Surabaya. Thỏa thuận đạt được nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Indonesia hồi tháng 1.2017.
Nhật Bản, Trung Quốc chạy đua đường sắt ở Đông Nam Á1
Một mẫu tàu cao tốc của Trung Quốc được giới thiệu tại Thái Lan Ảnh: Nikkei Asian Review
Ngoài ra, theo tờ New Straits Times, Nhật Bản và Trung Quốc cũng đang cạnh tranh giành thầu dự án đường sắt cao tốc 350 km nối liền Singapore với Kuala Lumpur. Tuyến đường này được kỳ vọng sẽ rút ngắn hành trình trên bộ giữa Singapore và Kuala Lumpur từ 5 tiếng hiện tại xuống chỉ còn 90 phút. Theo kế hoạch, dự án sẽ mở thầu quốc tế vào cuối năm 2017.
Tiền nào của nấy
Một lý do khác khiến Tokyo có vẻ thất thế hơn là chi phí và ưu đãi. Nikkei Asian Review dẫn lời Bộ trưởng Termpittayapaisith cho biết Thái Lan đang cân nhắc hợp tác với Nhật Bản về dự án đường sắt Bangkok - Chiang Mai dài 670 km. Theo nghiên cứu của phía Nhật Bản, kế hoạch này sẽ cần vốn khoảng 500 tỉ baht (14,2 tỉ USD) và ông Termpittayapaisith cho rằng mức này “quá cao”. Trong khi đó, dự án đường sắt nối liền Bangkok với vùng biên giới Lào dài đến 873 km nhưng theo nghiên cứu của Trung Quốc thì chỉ cần 379 tỉ baht (10,8 tỉ USD). “Các chuyên gia Nhật Bản dựa trên các tiêu chuẩn an toàn của nước họ nhưng chúng tôi không giàu như vậy”, Bộ trưởng Termpittayapaisith nói và cho rằng phía Nhật Bản chỉ cần tập trung vào các điều kiện tiêu chuẩn căn bản nhất để dự án Bangkok - Chiang Mai mang tính khả thi về chi phí hơn.
Ngược lại, nhiều chuyên gia cho rằng chi phí đầu tư các dự án do Trung Quốc luôn thấp hơn nhiều nhưng công nghệ đường sắt cao tốc của nước này chưa được kiểm chứng rộng rãi như Nhật Bản. Bắc Kinh cũng bị cho là không bảo đảm yêu cầu về tiến độ, an toàn khi thi công cũng như thường kèm theo nhiều điều kiện khác. Đơn cử như tuyến Bangkok - vùng biên giới với Lào nói trên, Bộ trưởng Termpittayapaisith cho hay phía Trung Quốc đòi quyền phát triển đất đai dọc theo tuyến cũng như được phát triển các dự án khác ở Thái Lan trong trường hợp dự án bị hủy. “Chúng tôi không đồng ý. Dự án này nằm ở Thái Lan và chúng tôi phải có toàn quyền. Họ không thể “tận dụng” theo cách này”, ông nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.