‘Nghiện’ kháng sinh trong chăn nuôi

20/11/2017 06:09 GMT+7

Thông tin trong tuần lễ truyền thông phòng chống kháng thuốc do Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford VN (OUCRU - VN) thực hiện tại tỉnh Đồng Tháp cho thấy, tình trạng người chăn nuôi lạm dụng thuốc khiến gia cầm 'nghiện' kháng sinh là đáng báo động.

Cao gấp 5 - 7 lần châu Âu
Nhóm nghiên cứu các bệnh lây truyền từ động vật sang người (ViParc) thuộc OUCRU ví von việc gà thịt nuôi được các chủ trại cho “nhậu” kháng sinh đến mức nghiện và cần phải có những hoạt động “cai nghiện” gấp. Khảo sát của Dự án ViParc tại trên 200 trại chăn nuôi gà thịt khu vực ĐBSCL cho thấy, trung bình một con gà thịt tại khu vực này dùng 470 mg kháng sinh, cao gấp 5 - 7 lần so với gà thịt nuôi tại châu Âu. Trong đó, hơn 85% kháng sinh được sử dụng với mục đích phòng bệnh, đến 95% sử dụng qua đường nước uống. Ngoài ra, theo nhóm nghiên cứu, việc sử dụng kháng sinh trộn sẵn trong thức ăn chăn nuôi có thể chiếm đến 25% tổng số kháng sinh dùng trong chăn nuôi gia cầm.
Từ tháng 11.2016 - 3.2017, OUCRU đã xét nghiệm 356 mẫu thịt mua từ các chợ ở Đồng Tháp, TP.HCM và Hà Nội, và tìm thấy 15,8% mẫu từ Đồng Tháp có tồn dư kháng sinh, trong khi tỷ lệ này ở TP.HCM là 4,3% và Hà Nội là 1,7%. Riêng ở Đồng Tháp, tỷ lệ tồn dư kháng sinh trong các mẫu thịt khác nhau là: thịt bò (25%), thịt gà (15%) và thịt heo (7,5%).

Thực tế, lạm dụng kháng sinh hay còn gọi là kháng kháng sinh trong chăn nuôi đã từng được cảnh báo từ lâu. Gần đây nhất là tại hội nghị triển khai kế hoạch hành động quốc gia về quản lý kháng sinh và phòng chống kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, do Bộ NN-PTNT phối hợp với các tổ chức FAO, USAID tổ chức, các chuyên gia nhấn mạnh việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi tại VN không chỉ dẫn tới sự kháng thuốc của vi khuẩn mà còn để lại tồn dư kháng sinh trong thực phẩm cho người. Còn ViParc nhận định việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi được dự đoán sẽ gia tăng trong thập niên tới, với xu thế tăng nhu cầu về thịt và tập quán chăn nuôi tại các nước đang phát triển. Dự đoán kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi tại VN sẽ tăng 157% từ 2010 - 2030.
Dừng hẳn việc sử dụng từ 2020
Chuyên gia công nghệ sinh học, TS Hạnh Văn cho rằng trong chăn nuôi, nếu sử dụng kháng sinh đúng liều lượng và thời gian theo quy trình hướng dẫn thì không sao. Song tại VN, do người sử dụng quá lạm dụng, thường quá liều với mong muốn “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, hoặc sử dụng kháng sinh cận ngày xuất chuồng nên nếu ăn phải các loại thịt gà, heo còn nhiễm kháng sinh chưa kịp đào thải, người dùng nghiễm nhiên “thụ hưởng” lượng kháng sinh giấu mặt, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe về lâu dài. Theo TS Hạnh Văn, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi cũng như sử dụng thuốc trừ sâu trong trồng trọt, mỗi loại thuốc trừ sâu đều có thời gian bán rã nhất định (tức tính độc của thuốc giảm dần), nếu bón thuốc trừ sâu cận ngày thu hoạch, người ăn phải rau này sẽ nhiễm độc vào gan, thận...
“Nếu người ăn phải thịt nhiễm kháng sinh cao, nguy cơ bị kháng kháng sinh cũng rất cao. Lờn thuốc kháng sinh, cũng như gien lờn thuốc, có thể truyền từ động vật sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp, thức ăn và môi trường”, chuyên gia dược, TS Nguyễn Đức Thái (Mỹ), cố vấn Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết. Theo nhóm nghiên cứu ViParc, kháng kháng sinh đã trở thành một nguy cơ toàn cầu, hằng năm khiến 700.000 người chết. Nếu không có những hành động thiết thực thì từ năm 2050, thế giới sẽ có khoảng 10 triệu người chết mỗi năm.
TS Thái cho rằng việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu. Minh chứng là nhiều lô thủy hải sản bị trả về do dư lượng kháng sinh hoặc vượt ngưỡng. Năm 2016 có 40 lô, năm 2015 là 70 lô.
Theo Bộ NN-PTNT, VN chỉ cho phép sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi hết năm 2017, sang năm 2018 sẽ cấm sử dụng. Lộ trình bộ này đưa ra là từ năm 2020 trở đi, VN sẽ dừng hẳn việc sử dụng kháng sinh, kể cả trong chữa bệnh và trong thức ăn chăn nuôi. Danh mục kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi từ 43 loại trước đây dự kiến sẽ cắt giảm về 15 loại và cũng chỉ được phép sử dụng đến ngày 31.12.2017.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.