Nghị quyết trung ương 5: Chế biến nông sản cần một chiến lược

Chí Nhân
Chí Nhân
01/02/2018 05:09 GMT+7

Công nghiệp chế biến nông sản là một điểm yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Những khoảng trống mênh mông
Trong ngành chăn nuôi, trước giờ VN chỉ có vài doanh nghiệp (DN) chế biến thực phẩm với quy mô nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ. Điều đó dẫn đến việc khi ngành chăn nuôi heo gặp khủng hoảng thừa thì ngay cả đến việc đơn giản nhất là giết thịt đông lạnh tích trữ cũng gặp khó khăn chứ chưa nói đến xuất khẩu.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở lĩnh vực rau quả, cả miền Bắc mới chỉ có một trung tâm chiếu xạ để xuất khẩu trái cây tươi cách đây hơn một năm rưỡi (hồi giữa năm 2016), số lượng nhà máy chế biến còn rất hạn chế. Gần đây, một số DN đầu tư vào lĩnh vực này nhưng cũng chỉ dừng lại ở cấp độ hạn chế như: sấy khô, đông lạnh, làm nước ép…
Lãnh đạo một DN chế biến trái cây xuất khẩu lớn ở Long An cho biết một chuỗi chế biến trái cây hoàn chỉnh và hiệu quả cần được xây dựng theo hình thức hàng loại 1 sẽ xử lý để xuất khẩu tươi, loại 2 sẽ được sơ chế đông lạnh để khách hàng mua về chế biến theo sở thích như làm sinh tố, loại 3 sấy khô, các loại kế tiếp được chế biến thành nước ép hoặc các sản phẩm khác…
Công nghiệp chế biến nông sản của VN phát triển mạnh nhất phải kể đến lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu. Khi sản phẩm của ngành này có thể dễ dàng xâm nhập các thị trường cao cấp và cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước khác trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, nếu nhìn trên quy mô toàn bộ chuỗi giá trị thì vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể như với sản phẩm cá tra, trước đây chúng ta chỉ mới dừng lại ở việc lấy thịt đông lạnh xuất khẩu những phần còn lại đều là phế phụ phẩm. Thời gian gần đây, một số DN mới nghiên cứu chế biến thêm dầu cá, da cá, collagen… Những dẫn chứng trên cho thấy lĩnh vực chế biến nông sản của chúng ta còn rất nhiều hạn chế và còn nhiều tiềm năng mà chúng ta chưa đủ trình độ và điều kiện để khai thác.
Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú là DN xuất khẩu tôm lớn nhất nhì thế giới. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT DN này, từng than thở: Một trong những thế mạnh của DN là chế biến hàng giá trị gia tăng. Tuy nhiên, để làm được mặt hàng này, chúng tôi vẫn phải nhập khẩu nguyên phụ liệu (gia vị) từ Thái Lan tốn nhiều thời gian và chi phí. Ở VN chúng ta chưa có ngành công nghiệp hỗ trợ cho lĩnh vực chế biến nông sản.
“Hệ sinh thái” DN nông nghiệp
Ở cấp vĩ mô, mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Lâm Đồng thông qua sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là một cách tiếp cận đa ngành đi đôi với cải thiện môi trường đầu tư.
Theo TS Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, các bước chiến lược gồm: xây dựng khu công nghiệp - nông nghiệp, đi đôi với hiện đại hóa khâu sản xuất; kèm theo đó là trung tâm sau thu hoạch, trung tâm giao dịch, tăng cường hoạt động xây dựng thương hiệu, phát triển mô hình du lịch canh nông, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nông nghiệp và đặc biệt là tăng cường hoạt động nghiên cứu để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Thực hiện đồng bộ các chiến lược trên, đến cuối năm 2017, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Lâm Đồng chiếm khoảng 20% tổng diện tích đất canh tác và cao nhất cả nước. Đặc biệt các mô hình trồng rau công nghệ cao đạt doanh thu 400 - 500 triệu đồng/ha/năm; hoa đạt gần 1,2 tỉ đồng/ha/năm; chè và cà phê từ 240 - 250 triệu đồng/ha/năm.
Theo TS Nguyễn Hữu Hoàng (thuộc Trường ĐH UC Davis - Mỹ), lĩnh vực nông nghiệp tại Mỹ được xây dựng theo một mô hình có kết cấu chặt chẽ, với hình thức tam giác phát triển: Đại học trọng điểm - Bộ Nông nghiệp - DN. Ba trụ cột này hỗ trợ qua lại lẫn nhau để cùng phát triển. Ở VN chưa hình thành sự liên kết này. Để có thể xây dựng thành công hệ sinh thái này, vai trò điều phối của nhà nước cực kỳ quan trọng.
Nhờ có sự gắn kết đó mà khâu sau thu hoạch được phát triển theo từng bước như: khoa học sau thu hoạch, đơn vị chịu trách nhiệm phát triển khoa học công nghệ thực phẩm, hệ thống xây dựng thương hiệu, chế biến, bán sỉ và lẻ trong nước và nước ngoài, bản quyền sản phẩm, xuất nhập khẩu, hệ thống giấy phép và ký quỹ bắt buộc cho thương lái người nước ngoài... Họ cũng có một cơ quan liên ngành để dự đoán và phản ứng nhanh trước các diễn biến của thị trường nông sản, làm việc chặt chẽ với DN và trường đại học để cho phép cung ứng sản phẩm vào thời điểm thị trường có giá cao nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.