Mỹ đe dọa trừng phạt thương mại các nước hỗ trợ Triều Tiên

07/07/2017 18:16 GMT+7

Mỹ đe dọa sẽ gây áp lực thương mại đối với những nước vẫn tiếp tục mối quan hệ làm ăn với CHDCND Triều Tiên, đặc biệt là sau các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa mới đây của Bình Nhưỡng.

Theo Bloomberg, trước những ý kiến cho rằng Washington đã hành động chưa đủ mạnh để kiềm chế những động thái leo thang của Triều Tiên, bà Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc mới đây nói trong một cuộc họp khẩn rằng: “Có những nước không chỉ cho phép mà thậm chí còn khích lệ thương mại với Triều Tiên. Điều này vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và họ sẽ không bao giờ có quyền được tiếp tục các hiệp định thương mại với Mỹ. Chúng tôi không còn kiên nhẫn để trì hoãn bất kỳ biện pháp giải quyết nào và sẽ sẵn sàng đi theo con đường riêng của mình nếu các nước khác không tham gia”.
Bà Haley cho biết Mỹ sẽ đưa ra một nghị quyết trong những ngày tới để phản ứng “tương xứng” với hành động của Bình Nhưỡng. Nội dung chi tiết hiện chưa được công bố với cộng đồng quốc tế nhưng các biện pháp trừng phạt kinh tế được dự đoán có thể là quyết định cắt đứt giao dịch tài chính, hạn chế nguồn cung dầu khí, tăng cường lệnh cấm về đường hàng không và đường biển.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 4.7 cũng đã phản ứng gay gắt trước hành động phóng tên lửa, gọi nó là “món quà nhân ngày Quốc khánh Mỹ” của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là “sự khiêu khích” đối với Mỹ và các nước đồng minh, đồng thời kêu gọi “hành động toàn cầu” để ngăn chặn “sự đe dọa” này.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis đánh giá vụ thử tên lửa gần đây nhất hôm 4.7 của Bình Nhưỡng là một phiên bản chưa từng thấy trước đây và có tầm bắn ước tính vượt quá 5.500 km, đạt tầm bắn của một tên lửa xuyên lục địa (ICBM) có khả năng tấn công lãnh thổ Mỹ.
Tuy nhiên, trong khi động thái từ phía bà Haley đang cho thấy một cách tiếp cận nghiêm khắc hơn của Nhà Trắng đối với tham vọng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, việc thực hiện phương cách này sẽ khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump phải đối mặt với một số vấn đề thương mại đã ám ảnh các đời tổng thống Mỹ tiền nhiệm suốt nhiều thập niên qua, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang tăng cường mở rộng hợp tác thương mại. Hơn nữa, nếu các lệnh cấm được thực thi, mối quan hệ kinh tế phụ thuộc lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ vì Bình Nhưỡng là đồng minh thân cận của Bắc Kinh.
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thương mại Mỹ - Trung đã đạt khoảng 600 tỉ USD vào năm ngoái. Trong khi đó, thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên cũng tăng trưởng gần 40% trong quý 1/2017.
Thực tế, các vụ thử tên lửa của quốc gia Đông Á cũng đang khiến các nước đóng vai trò trung tâm trong việc giải quyết vấn đề “bị chia rẽ nhiều hơn bao giờ hết vì họ dường như không cùng chung ý kiến về một phương hướng phù hợp nhất”, theo Andrea Berger, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Middlebury, cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.