Hệ thống thương mại toàn cầu sẽ vỡ vì căng thẳng Mỹ - Trung?

Thu Thảo
Thu Thảo
11/04/2018 18:47 GMT+7

Căng thẳng leo thang đang đặt hệ thống thương mại thế giới trước rủi ro. Đây là cảnh báo của Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde.

Theo CNN, bà Lagarde vừa kêu gọi các nước tránh chủ nghĩa bảo hộ trong một bài phát biểu cho hay “hệ thống thương mại mở toàn cầu dựa trên các quy tắc và trách nhiệm chia sẻ đang có nguy cơ bị phá vỡ”.
Giám đốc IMF nói như trên tại Hồng Kông, giữa lúc Mỹ và Trung Quốc đang kẹt trong tranh chấp thương mại căng thẳng. Hai nước đã và đang dọa đánh thuế quan lên hàng chục tỉ USD giá trị hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Bà Lagarde không đổ lỗi cuộc khủng hoảng hiện tại lên bất kỳ nước nào, cho rằng sự phân tách của các hệ thống thương mại toàn cầu sẽ là “một thất bại chính sách tập thế, không thể tha thứ”. Bà kêu gọi các nước “giảm rào cản thương mại và giải quyết bất đồng mà không dùng các biện pháp ngoại lệ”.
Điều này dường như nhắm đến những động thái gần đây mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra. Mỹ áp đặt thuế quan bên ngoài khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lên nhiều nước. Giới chuyên gia cảnh báo rằng hành động của Mỹ làm suy yếu hệ thống thương mại.
Bài phát biểu của bà Lagarde cũng phản ánh một số phàn nàn của Mỹ về Trung Quốc: “Mỗi nước có trách nhiệm cải thiện hệ thống thương mại bằng cách xem xét hoạt động của nước mình, bằng cách cam kết tạo ra sân chơi bình đẳng, nơi tất cả các quốc gia đều tuân theo quy tắc. Điều này bao gồm việc bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ và giảm các yếu tố chính sách ưu đãi riêng cho doanh nghiệp nhà nước”.
Ông Trump trước đó cho biết hành vi đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc chính là lý do khiến nước này phải chịu thuế quan cao hơn áp lên 50 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu đến Mỹ. Trung Quốc bác bỏ cáo buộc từ Mỹ, nhưng cũng hứa tăng nỗ lực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Bà Lagarde cho hay các biện pháp như nâng thuế quan “làm tổn thương tất cả mọi người, đặc biệt là những người tiêu dùng nghèo hơn” vì thuế quan cao làm giá cả sản phẩm đắt đỏ, khiến lựa chọn tiêu dùng trở nên hạn hẹp. Bà cho rằng nếu Mỹ muốn giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc và các nước khác, nước này nên sử dụng các chính sách tác động lên nền kinh tế nói chung.
Bà Lagarde đề nghị chính phủ Mỹ nên nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách khổng lồ bằng cách dần dần kiềm chế chi tiêu, tăng nguồn thu. Dù vậy, Mỹ đang đi theo hướng ngược lại. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự báo thâm hụt ngân sách thường niên nước này sẽ vượt 1.000 tỉ USD năm 2020, sớm hơn hai năm so với dự báo trước đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.