Du lịch không chỉ là ăn chơi, nhảy múa

09/03/2017 07:51 GMT+7

Hội nghị 'Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của TP.HCM đến năm 2020' diễn ra ngày 8.3, nhằm tìm giải pháp thu hút 10 triệu lượt khách quốc tế.

Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng du lịch có sức lan tỏa tới rất nhiều ngành nghề khác nhau. Vì vậy, muốn phát triển du lịch, muốn đạt được mục tiêu 10 triệu du khách quốc tế vào năm 2020, phải có sự tham gia của tất cả cộng đồng để phát triển du lịch.
Thua cả Campuchia
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel, cho biết năm 2016, có 10 thành phố dẫn đầu thu hút khách du lịch quốc tế tại khu vực Đông Nam Á thì trong đó Thái Lan có đến 3 thành phố. Đó là Bangkok thu hút được 21,5 triệu khách, Phuket 9,9 triệu lượt khách và Pattaya 7,3 triệu lượt khách. Xếp hạng thứ 13 là Siêm Riệp (Campuchia) với 6,1 triệu lượt khách, trong khi TP.HCM chỉ thu hút được 5,2 triệu lượt khách quốc tế. “Vậy liệu đến năm 2020, TP.HCM có lọt vào top 10 này hay không?”, ông Kỳ đặt câu hỏi.
Thành phố có hệ thống sông nước, kênh rạch mà không phải nơi nào cũng có nhưng hiện nay chỉ như bến đò ngang, thiếu hoạt động vui chơi ăn uống, hội tụ nên không tạo được sức hút; Cũng không thể có chuyện bảo tàng nghỉ trưa khiến các doanh nghiệp lữ hành phải dẫn khách đi lòng vòng để chờ mở cửa...
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt

Ông cũng phân tích TP.HCM hiện nay có 1.254 doanh nghiệp (DN) lữ hành, đông nhất trên cả nước. Với lượng khách như trên, ước tính bình quân mỗi DN hằng năm chỉ đón khoảng 8.600 lượt khách quốc tế, thậm chí có nhiều DN chỉ có 1.000 - 2.000 khách mỗi năm. Như vậy phải chăng lữ hành là khâu yếu nhất? Hay như thành phố cần xác định ưu tiên vào đâu? Ví dụ chương trình du lịch mua sắm là rất tốt nhưng chương trình giảm giá đồng loạt của Sở Công thương đã làm chưa có hiệu quả, chưa có kết nối với du lịch, bỏ phí cơ hội quảng bá chủ động cho du khách... Bên cạnh đó, xu hướng du lịch tự do đang rất mạnh nên cần tạo không gian mua sắm và ăn uống. Trên cơ sở đó cần có bản đồ số để du khách dễ dàng tìm kiếm các địa điểm mua sắm ăn uống thông qua điện thoại di động.
Ông Võ Anh Tài, Tổng giám đốc Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist), cho biết nhiều du khách phản ảnh sản phẩm du lịch về đêm còn quá đơn điệu, hạn chế. Chính vì thế cần tạo ra các điểm vui chơi giải trí sôi động, hấp dẫn để thể hiện thành phố là “điểm đến không ngủ” cho du khách. Hoặc như vấn đề hạ tầng, dịch vụ cung ứng khi hướng tới mục tiêu đạt 10 triệu lượt khách du lịch sẽ như thế nào khi hướng dẫn viên tiếng hiếm hiện nay cũng đang rất thiếu?
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt, thì nhận xét: Một trong những bất lợi đầu tiên đối với ngành du lịch TP.HCM là vấn đề cạnh tranh điểm đến. Thành phố không chỉ cạnh tranh với các điểm đến xung quanh như Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng - đang nổi lên mạnh mẽ trong phát triển du lịch nội địa - mà còn phải đối đầu với Singapore, Thái Lan, Campuchia và đặc biệt là với Đài Loan. Những quốc gia này thu hút toàn bộ số tàu biển với những chính sách rất hiệu quả, kéo khách về nước họ khiến số lượng khách đến VN bị giảm. Trong khi đó, bản thân thành phố chưa có điểm nhấn. Các điểm du lịch như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố chưa đủ sức hấp dẫn để trở thành những nơi “phải đến” với mỗi khách du lịch. Thành phố phải đầu tư xây dựng điểm nhấn cụ thể, hữu hình để khi nhắc đến TP.HCM là phải nhắc tới điểm đó. Như Đà Nẵng có cầu Hàm Rồng, Quảng Ninh có Hạ Long.
“Thành phố có hệ thống sông nước, kênh rạch mà không phải nơi nào cũng có nhưng hiện nay chỉ như bến đò ngang, thiếu hoạt động vui chơi ăn uống, hội tụ nên không tạo được sức hút; Cũng không thể có chuyện bảo tàng nghỉ trưa khiến các DN lữ hành phải dẫn khách đi lòng vòng để chờ mở cửa...”, ông Anh kiến nghị.
Cần huy động toàn lực
Ông Tất Thành Cang, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, cho rằng du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, liên ngành và liên vùng. Nếu du khách chỉ đến TP.HCM thì vẫn chưa hiệu quả, nên cần phải có sự kết nối giữa thành phố với các vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây nguyên để kéo du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn. Ông Cang đặt vấn đề làm thế nào để du khách có thể thoải mái đi giữa đường, sử dụng điện thoại chụp hình bất cứ lúc nào mà không phải lo sợ bị cướp giật. Như vậy ngành công an phải lo an toàn cho du khách. Ngành tài chính và thuế xem xét, tham mưu cho lãnh đạo để hỗ trợ về chính sách cho DN phát triển. Ngành giao thông phải làm sao để cho du khách đi từ trung tâm thành phố đến điểm xa nhất là Củ Chi và Cần Giờ chỉ mất khoảng 60 phút...
“Chúng ta cần phải huy động toàn nguồn lực xã hội. Điều đó đòi hỏi các ngành phải thay đổi tư duy để cùng tham gia, tạo ra sức mạnh tổng hợp để phát triển du lịch. Thành phố cần phải đầu tư bài bản, nâng tính chuyên nghiệp ở tất cả các lĩnh vực, từ khách sạn đến DN lữ hành. Thậm chí lực lượng hướng dẫn viên cần phải được đào tạo về văn hóa ứng xử chứ không phải chỉ kể vài ba câu chuyện cười để thọc lét du khách là đủ”, ông Cang nhấn mạnh.
Được giao nhiệm vụ như “tư lệnh” phát triển du lịch thành phố, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM thừa nhận vẫn còn nhiều điểm yếu như thiếu chiến lược phát triển ngành; phát triển du lịch đường thủy chưa làm được; chưa điều tra được đặc thù văn hóa ẩm thực của từng quận huyện nên chưa phát huy được nét riêng này... Từ đó dẫn đến việc thiếu sót, thiếu hợp tác trong triển khai phát triển du lịch khiến chi phí cao khó cạnh tranh với các thành phố trong khu vực.
Hằng năm, lượng khách quốc tế đến TP.HCM bình quân tăng 8,2%/năm (chiếm khoảng 56,6% lượng khách quốc tế đến VN), đóng góp bình quân 9% vào tăng trưởng GDP của thành phố.

Xây dựng quy hoạch vùng
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh tính liên kết của các DN rất kém. Vì mạnh ai nấy làm nên hiệu quả không cao, không cạnh tranh được. Cần phải có nhiều ngành, nhiều cấp tham gia vì mình Sở Du lịch sẽ không làm được. Bí thư nêu ví dụ, Cần Giờ có diện tích gần bằng Singapore nhưng chỉ có 70.000 dân, trong đó lại có đến 52% hộ nghèo dù sống trong lòng thành phố lớn.
“Cần Giờ không thể phát triển nhờ con cua, con ốc mà phải đẩy mạnh đầu tư cho du lịch. Vì vậy phải phát triển Cần Giờ là một trung tâm du lịch của thành phố. Chỉ cần hơn 10 triệu người dân ở thành phố đi du lịch Cần Giờ vào cuối tuần cũng đủ phát triển được vùng đất này. Ngay cả Củ Chi cũng là một vùng đất rộng lớn nhiều tiềm năng nhưng lại chưa khai thác được”, ông Thăng nêu cụ thể.
Theo Bí thư Đinh La Thăng, thành phố phải nhanh chóng xây dựng quy hoạch vùng, đề ra chiến lược phát triển du lịch. Cần thiết có thể thuê tư vấn nước ngoài thực hiện. Thành phố cần xây dựng mối liên kết vùng với các tỉnh, khu vực trong nước, và cả ngoài nước để phát triển chuỗi sản phẩm du lịch nhằm thu hút khách du lịch nước ngoài. Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh: Những vấn đề gì không cần tiền bạc và thời gian thì giải quyết ngay. Những vấn đề cần có tiền bạc và thời gian thì cần lộ trình. Thậm chí có thể xin cơ chế đặc thù cho thành phố như cấp visa tại chỗ cho khách đến từ một số nước.
“Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, không phải chỉ là ngành ăn chơi nhảy múa vì nó có sức lan tỏa rộng với tất cả ngành nghề khác nhau. Phát triển du lịch không phải chỉ của riêng ngành du lịch mà cần có sự liên kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan các ngành, các DN và toàn xã hội”, Bí thư Thăng nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.