Du lịch đường thủy Sài Gòn tắc vì… cầu tàu

06/06/2016 13:46 GMT+7

TP.HCM có thế mạnh, tiềm năng về du lịch đường thủy, nhưng việc phát huy vẫn đang bị 'chặn' bởi ngổn ngang trăm nỗi khó khăn.

Sáng nay 6.6, UBND TP.HCM đã tổ chức họp với các sở ngành về phát triển du lịch đường thủy. Theo ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, trên địa bàn TP.HCM có khoảng 1.000 km sông, kênh, rạch nhưng chủ yếu là phục vụ giao thông đường thủy, chứ phát triển du lịch thì chưa. Những năm gần đây vấn đề phát triển du lịch đường thủy có chú trọng nhưng cũng còn rất đơn điệu.
Nêu ra hàng loạt nguyên nhân khiến cho du lịch đường thủy “đứng bánh”, không ít người bất ngờ khi ông Lã Quốc Khánh đề cập đến một nguyên nhân, mà ông cho là chính yếu, đó là tình trạng thiếu cầu tàu cho tàu thuyền du lịch cập bến đưa đón khách du lịch.
Cũng theo ông Lã Quốc Khánh, thành phố có hơn 20 doanh nghiệp kinh doanh du lịch đường thủy với 101 phương tiện đưa đón khách. Do không có cầu tàu nên vừa qua có 7 doanh nghiệp với 29 phương tiện ngừng hoạt động.
“Mỗi năm thành phố đón khoảng 5 triệu lượt khách nhưng chủ yếu là khách đi các tour trên cạn, có rất ít tour đường thủy. Thực tế nhu cầu tour đường thủy là có nhưng do không có cầu tàu nên khách không có hướng nào để ra sông”, ông Lã Quốc Khánh nêu ra một thực trạng và cho biết: “Doanh nghiệp từng kéo lên Sở Du lịch cầu cứu về việc họ bị phá sản, ngừng hoạt động do không có cầu tàu để hoạt động du lịch. Họ cũng đòi kéo lên UBND TP cầu cứu nữa, nhưng chúng tôi đã tiếp xúc, trao đổi, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ để cùng đề xuất, thực hiện các giải pháp khắc phục”.
Kiến nghị nhiều biện pháp để đẩy mạnh du lịch đường thủy, ông Lã Quốc Khánh cho rằng ngoài việc tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cầu tàu, thì một vấn đề hết sức quan trọng, đó là sự thân thiện của người dân và môi trường đảm bảo trong sạch.
Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Lã Quốc Khánh: 'Du lịch đường thủy đang đơn điệu' Ảnh: Tân Phú
“Vấn nạn ô nhiễm kênh rạch nội đô cũng là nguyên nhân chính cản trở du lịch đường thủy. Khi thủy triều lên thì còn đỡ nhưng khi thủy triều rút thì mùi hôi thối xộc lên từ đáy kênh rạch, rồi lục bình và rác thải ken kín. Du khách ra sông mà chỉ “ngắm” được toàn rác, lục bình thì sao được”, ông Lã Quốc Khánh lo lắng.
Ông Lã Quốc Khánh “kể khổ” thêm: “Bây giờ trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có tour du lịch bằng thuyền chèo. Nhưng có khi khách đi trên kênh thì có người đứng trên bờ ném đá, ném gỗ xuống. Chưa kể những người câu cá vụt lưỡi câu chùm ra kênh khiến du khách hết hồn bởi họ rất dễ bị mang họa”.
Nghe thực trạng về du lịch đường thủy, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng thẳng thắn nhìn nhận “tình hình nghe rất là tình hình”.
Ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng quản lý nhà nước có những cái chưa chặt chẽ, chưa được như ý muốn. Để giải quyết hết tất cả các bất cập, hạn chế thì cần thời gian rất lâu để có thể thay đổi, nâng cao ý thức chung từ phía người dân và cả từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu trước mắt Sở Du lịch kêu gọi đầu tư thí điểm một tuyến du lịch đường thủy hiện đại, từ việc xây dựng cầu tàu đến trang bị phương tiện đưa đón khách, phù hợp với điều kiện đặc thù của TP.HCM, đảm bảo tiêu chí cầu tàu đẹp, tàu thuyền đẹp, dòng sông đẹp, chất lượng phục vụ đẹp, an toàn.
“Làm sao cho hiệu quả thì mời thêm doanh nghiệp vào đầu tư, để cho họ tham gia tính toán. Tàu du lịch trên sông phải rực sáng, ở trên bờ nhìn xuống phải thật sự nổi bật, hấp dẫn, chứ “chìm” quá thì không ai muốn đi. Ráng mở mắt ra nhìn mà nó lèm nhèm quá trên sông Sài Gòn thì không ổn. Nguồn lực xã hội có mà mình chưa khai thác hết được, chỉ mới loay hoay với bộ máy của mình. Nếu để tư nhân làm thì sẽ nhanh hơn”, ông Trần Vĩnh Tuyến đưa ra một trong những “đề bài” cho việc phát triển du lịch đường thủy thời gian tới.
“Mình phải làm từng bước, chứ thực tế chưa làm gì nhiều mà đòi hỏi một đề án lớn quá thì cũng khó làm cho ra được”, ông Trần Vĩnh Tuyến bày tỏ quan điểm về phát triển du lịch đường thủy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.