Đồng tiền ‘toàn cầu’ của Trung Quốc co về địa phương

23/06/2016 08:18 GMT+7

Theo Giáo sư kinh tế Christopher Balding, những tiến bộ mà Trung Quốc đạt được tính đến hiện nay đang có nguy cơ bị đảo ngược.

Bài viết dưới đây thể hiện quan điểm của tác giả Christopher Balding, Giáo sư kinh tế tại HSBC Business School ở Thâm Quyến, người viết quyển Quỹ đầu tư quốc gia: Nút giao thông mới của tiền và quyền.
Hồi tuần trước, quyết định không đưa chứng khoán Trung Quốc vào rổ chỉ số thị trường mới nổi MSCI Emerging Markets của hãng xây dựng bộ chỉ số chứng khoán MSCI (Mỹ) được xem là đòn giáng mạnh vào hy vọng quốc tế hóa ngành tài chính của Trung Quốc. Hiện có một tin tồi tệ hơn: Những tiến bộ mà nước này đạt được trong thời gian qua cũng có nguy cơ bị đảo ngược.
Quyết định của MSCI tương phản rõ rệt với quyết định mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra tháng 12.2015. IMF cho biết họ bắt đầu thêm nhân dân tệ (CNY) vào giỏ tiền Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Động thái này chủ yếu trao trạng thái đồng tiền dự trữ toàn cầu cho nội tệ Trung Quốc, dù nước này được cho là vẫn chưa đáp ứng các điều kiện để CNY được thêm vào giỏ. Nhân dân tệ có được xem là đồng tiền được “tự do sử dụng” hay không vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Đỉnh điểm tháng 8.2015, nhân dân tệ chiếm 2,79% thanh toán toàn cầu, trong khi đô la Mỹ chiếm 44,8%.
Ý tưởng cho động thái trên là giới lãnh đạo Trung Quốc được khuyến khích để thực hiện đầy đủ những cam kết tự do CNY hoàn toàn vào năm 2020. Tuy vậy, kể từ ngày IMF ra quyết định, vị thế nhân dân tệ trên trường quốc tế lại giảm đi. Từ tháng 3.2015, tiền gửi bằng nhân dân tệ tại ba trung tâm lớn nhất ngoài Đại lục là Hồng Kông, Đài Loan và Singapore giảm 16%, tức 1.240 tỉ CNY (tương đương 188 tỉ USD).
CNY thậm chí còn ít được dùng trong các giao dịch quốc tế hơn so với ngày trước. Tỷ lệ nhân dân tệ trong thanh toán quốc tế ở mức 1,82% trong tháng 4.2016. Chỉ 1/4 các khoản thanh toán dùng nhân dân tệ có một đối tác đến từ ngoài Đại lục hay Hồng Kông. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ có 0,5% thanh toán bằng CNY thực sự được thực hiện ở phạm vi quốc tế.
Ngay cả giới doanh nghiệp Trung Quốc cũng có vẻ không muốn dùng nhân dân tệ khi kinh doanh ở nước ngoài. Biên lai CNY ngân hàng Trung Quốc lên cao nhất vào tháng 8.2015 và giảm gần 60% kể từ đó. Người nước ngoài có vẻ không háo hức hơn bao nhiêu trong việc giữ và dùng loại tiền này: Dòng vốn đầu tư chảy vào - số liệu cho thấy sự sẵn sàng của các nhà đầu tư trong việc nắm giữ tài sản Trung Quốc - giảm 38% năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hạ 15%. Đầu tư do người ngoại quốc đổ vào chứng khoán Đại lục lao dốc đến 61%.
Lo ngại về kinh tế và tính chất khó lường của chính sách ở Bắc Kinh là hai yếu tố đè nặng nỗ lực thu hút dòng vốn ngoại của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Các tổ chức đầu tư tại thị trường mới nổi hiểu rõ những rủi ro và biến động có thể xảy ra. Song cái cách mà giới chức Đại lục can thiệp vào thị trường chứng khoán và tiền tệ từ mùa hè năm ngoái đã và đang khiến cả những nhà đầu tư kỳ cựu nhất cũng phải e ngại.
Trong khi đó, doanh nghiệp Trung Quốc vẫn lo về khả năng phá giá nhân dân tệ. Giá trị CNY thấp hơn sẽ khiến các khoản vay bằng USD của nhiều công ty đắt đỏ hơn. Vì thế, doanh nghiệp nước này đã và đang trả các khoản nợ bằng USD, thay thế chúng bằng trái phiếu niêm yết bằng nhân dân tệ ở quê nhà. Nhân dân tệ bị kéo về Đại lục từ các trung tâm hải ngoại.
Từ tháng 8.2015, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) lo lắng về xu hướng của nhân dân tệ hải ngoại, đồng tiền vốn được tự do giao dịch. CNY hải ngoại có khuynh hướng trôi tuột khỏi giá trị tương đương với người anh em là nhân dân tệ nội địa. Để ngăn chặn giá trị hai đồng tiền chạy quá xa nhau, PBOC phải can thiệp thường xuyên, mua nhân dân tệ hải ngoại để vực dậy giá trị của nó và “hồi hương” chúng về Đại lục.
Thật khó để thấy Trung Quốc thay đổi hướng đi. Hiện tại, PBOC đang bán 3 tỉ CNY giá trị trái phiếu ở London, quá trình đòi hỏi nhiều hơn 10% lượng nhân dân tệ có sẵn ở đây và do đó hấp thụ nhiều thanh khoản hải ngoại hơn. Việc tham gia vào giỏ SDR vào cuối năm nay sẽ làm tăng gần 17% lượng nhân dân tệ ngoài Trung Quốc.
Dù vậy, đảo ngược tiến trình quốc tế hóa nhân dân tệ cũng có hậu quả. Trừ khi chính phủ Đại lục bỏ kiểm soát CNY và xóa hạn chế trong lưu chuyển vốn, giới doanh nghiệp và nhà đầu tư vẫn sẽ miễn cưỡng dùng và giữ đồng tiền. Cùng lúc, dòng vốn trong nước sẽ tiếp tục bị phân bố kém hiệu quả, ngăn trở nhiều doanh nghiệp khỏi cạnh tranh quốc tế thực thụ.

tin liên quan

Nhân dân tệ chưa đủ sức thách thức USD
Dù được chấp thuận vào giỏ tiền dự trữ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng nhân dân tệ vẫn chưa đủ sức thách thức vị trí của USD. Đây là nhận định của chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2007 Eric Stark Maskin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.