Dàn quan chức kinh tế sát cánh cùng lãnh đạo Mỹ, Trung trong cuộc gặp đầu tiên

05/04/2017 20:41 GMT+7

Một người cam kết 'Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại', một người thúc đẩy 'Giấc mơ Trung Quốc'. Hai lãnh đạo sẽ gặp nhau lần đầu tiên vào ngày mai 6.4 (giờ địa phương) tại Palm Beach, bang Florida (Mỹ).

Theo Bloomberg, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng nhau điều hành, lèo lái hai quốc gia chiếm 1/3 nền kinh tế toàn cầu và 1/4 thương mại thế giới. Vì vậy, việc đội ngũ đàm phán của họ hướng tới hợp tác hay quay lưng đối đầu đều sẽ để lại hệ quả rất lớn.
Tại châu Mỹ, chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump giúp Nhà Trắng có thêm nhiều quan chức với quan điểm hoài nghi về mặt thương mại. Ở châu Á, dàn quan chức thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc thì đang sẵn sàng đẩy lùi sự thống trị của Mỹ.
Hiện không có cách nào để có đủ thông tin của toàn bộ chuyên gia đàm phán sẽ sát cánh cùng ông Trump, ông Tập trong cuộc gặp tới đây, song bài viết này sẽ liệt kê một vài nhân vật chủ chốt trong hệ thống chính trị của hai nước, những người sẽ định hình một loạt quyết định về mặt kinh tế.
Ông Trump từng dự báo cuộc đàm phán sẽ “rất khó khăn” khi hai bên bắt đầu lật mở chính sách thương mại và nhiều vấn đề an ninh mâu thuẫn. Về mặt kinh tế, đứng sau ông Trump là nhiều quan chức như ông Wilbur Ross, người từng than phiền về các động thái thương mại mang tính “bảo hộ” của Đại lục.
Từ phía Đại lục, giới chức đã và đang cố gắng duy trì “sự bình tĩnh chiến lược”, ra hiệu sẵn sàng thỏa hiệp về thương mại nhưng không từ bỏ các vấn đề an ninh khu vực.
Kinh tế Mỹ, Trung
Kinh tế hai nước rất có liên kết với nhau. Nhà sử học Niall Ferguson và nhà kinh tế Moritz Schularick từng đưa ra khái niệm “Chimerica” cách đây hơn một thập niên. Dưới “Chimerica”, người tiêu dùng Mỹ tranh thủ mua sắm vật dụng giá rẻ do Trung Quốc sản xuất trong khi thặng dư thương mại lớn được bơm lại vào Kho bạc Mỹ. Điều này khiến giá trị nhân dân tệ thấp, chi phí đi vay của Mỹ thấp và máy đếm tiền liên tục hoạt động từ cả hai phía.
Hiện tại, ông Donald Trump muốn tái định hình quan hệ kinh tế Mỹ - Trung, đề nghị doanh nghiệp nước nhà tìm giải pháp thay thế cho hệ thống mà ông cho là nguyên nhân khiến lao động Mỹ mất việc làm, còn kinh tế Mỹ thâm hụt thương mại gần 350 tỉ USD với nước bạn hồi năm ngoái.
“Đạn dược” của ông Trump gồm nhiều loại thuế cao được nhà phê bình kinh tế Trung Quốc Peter Navarro ủng hộ. Tổng thống Mỹ cũng có thể gán mác nước bạn là “nước thao túng tiền tệ”. Đây là động thái đang được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin xem xét.
Ông Tập Cận Bình từng phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ) rằng “chiến tranh thương mại sẽ chỉ để lại thương tích, tổn thất cho cả đôi bên”. Lựa chọn của ông là: mở cửa các ngành dịch vụ đang đóng cửa như bảo hiểm, viễn thông; hoặc ngó lơ nhu cầu của Mỹ và mở rộng thương mại với các nước khác.
Song Chủ tịch Trung Quốc cũng cần tiếp cận nền kinh tế lớn nhất thế giới để giúp nước nhà tiếp tục sản xuất hàng hóa giá trị cao. Nhiều chương trình, chẳng hạn như phát kiến “Made in China” được Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) Miêu Vu giám sát, đặt mục tiêu mở rộng sản xuất vào các lĩnh vực mới như robot, máy móc, thiết bị y tế đến năm 2025.
Dàn quan chức Mỹ
Sát cánh cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump, năm nay 70 tuổi, là Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, năm nay 57 tuổi. Ông là cựu thống đốc bang Indiana, hiện đóng vai trò dẫn dắt trong chính sách thương mại với Nhật Bản trong chính quyền của ông Trump.
Ngoài ông Pence, bộ sậu phía Mỹ còn có chiến lược gia trưởng Steve Bannon, năm nay 63 tuổi, người tự nhận là “nhà kinh tế quốc gia”, có quan điểm phê phán mạnh mẽ với toàn cầu hóa; và cố vấn cấp cao Jared Kushner, năm nay 36 tuổi, là con rể kiêm nhân vật có tiếng nói ôn hòa trên tất cả các bình diện.
Sau ba nhân vật chủ chốt trên là bốn quan chức đàm phán kinh tế: Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Gary John, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cùng người đứng đầu Hội đồng thương mại quốc gia Nhà Trắng Peter Navarro.
Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Gary Cohn năm nay 56 tuổi. Ông là cựu chủ tịch ngân hàng Goldman Sachs và mới đây nổi lên với vị trí là nhà tư vấn hàng đầu của Tổng thống Mỹ về mặt quy định, cơ sở hạ tầng và kinh tế Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin năm nay 54 tuổi, cũng là cựu nhân viên Goldman Sachs. Ông Mnuchin là người khiến nhóm các nước G20 phải bỏ cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ trong tuyên bố hậu kết thúc cuộc họp gần đây nhất Ảnh: AFP
Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross là tỉ phú 79 tuổi. Ông từng gọi Trung Quốc là nước lớn “mang chủ nghĩa bảo hộ nặng nhất” và thề sẽ áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn với nước bạn Ảnh: Bloomberg
Người dẫn dắt Hội đồng thương mại quốc gia Nhà Trắng Peter Navarro, năm nay 67 tuổi, là tác giả của quyển sách Chết bởi Trung Quốc và có chung quan điểm với Tổng thống Mỹ về mặt thương mại Ảnh: Bloomberg
Dàn quan chức Trung Quốc
Sát cánh cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, năm nay 61 tuổi. Ông Lý là nhân vật quyền lực thứ nhì trong dàn lãnh đạo Đại lục. Ông có bằng tiến sĩ kinh tế và hiện mở rộng nỗ lực đẩy ngành sản xuất nước nhà lên vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng.
Sau ông Lý là người đứng đầu Văn phòng nghiên cứu chính sách Trung Quốc Vương Hộ Ninh. Ông Ninh năm nay 61 tuổi, là nhà tư tưởng chính trị và chính sách đối ngoại hàng đầu của ông Tập.
Dàn quan chức đàm phán kinh tế của Trung Quốc gồm: Cố vấn chính sách kinh tế - tài chính Lưu Hạc, Phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) Miêu Vu.
Cố vấn chính sách kinh tế - tài chính Lưu Hạc, năm nay 65 tuổi, là Giám đốc Văn phòng Trung ương Lãnh đạo các Vấn đề Tài chính và Kinh tế Trung Quốc. Ông từng học tại Đại học Harvard và hiện được cho là cố vấn kinh tế thân cận nhất của ông Tập, người dẫn đầu hội đồng chính sách kinh tế chính của Đảng cộng sản Trung Quốc Ảnh: Bloomberg
Phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương, năm nay 62 tuổi, là người theo sát nhiều chính sách kinh tế, thương mại, tài chính Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) Miêu Vu, năm nay 61 tuổi, là chuyên gia cải cách, người dẫn đầu chính sách công nghiệp “Made in China” vốn bị nhiều doanh nghiệp nước ngoài đổ lỗi là nguyên nhân khiến họ bị “xử ép” hay đứng ngoài thị trường Trung Quốc Ảnh: Reuters
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.