Cổ phần hóa chậm lại vì vướng các 'ông lớn'

07/11/2016 07:00 GMT+7

Tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bắt đầu có dấu hiệu chững lại khi số còn lại chủ yếu là những tập đoàn, tổng công ty lớn.

Báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) mới đây cho hay, tính đến gần hết 8 tháng đầu năm 2016 đã có 48 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH), với giá trị thực tế trên 31.900 tỉ đồng. Trong số này có 6 doanh nghiệp lớn là Tổng công ty máy và thiết bị công nghiệp, Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp, Tổng công ty tư vấn xây dựng VN, Tổng công ty 36...
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, không ít doanh nghiệp trong số này "chưa đạt kế hoạch" của giai đoạn 2011 - 2015 đã làm cho tiến độ CPH doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và thoái vốn đến nay "chưa được như kỳ vọng".
Bộ, ngành không muốn “nhả” vốn
Một trong những lý do được chỉ ra là đối tượng sắp xếp, CPH hiện nay hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Mặt khác, việc thực hiện CPH, tái cơ cấu đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian.
Việc tái cơ cấu vừa qua mới động đến các doanh nghiệp nhỏ. Còn khi chạm đến doanh nghiệp lớn, ngoài việc khó khăn khách quan là phải định giá phức tạp, chọn nhà đầu tư đủ tầm thì phải thẳng thắn là do bộ, ngành chủ quản tìm mọi cách trì hoãn
TS Lưu Bích Hồ
Lấy ví dụ như trường hợp của Tập đoàn công nghiệp cao su VN (VRG), doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu lên tới 40.000 tỉ đồng với 25 đơn vị thành viên và rất nhiều tài sản đất đai, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, cho rằng việc xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp tại VRG tốn nhiều thời gian và khá phức tạp. Trong khi đó, quy định trước nay bắt buộc phải CPH các đơn vị thành viên trước rồi mới đến công ty mẹ, nên quá trình này đã bị chậm lại.
Tương tự, MobiFone có vốn điều lệ 15.000 tỉ đồng hay Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp có vốn chủ sở hữu 5.506 tỉ đồng với 22 đơn vị thành viên, cũng đang vừa phải triển khai phương án CPH vừa phải xử lý các vướng mắc, nhất là vấn đề tài chính để hoàn thành CPH trong năm nay.
Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự đáng kể khiến tiến độ CPH chậm, không thực chất là do bộ, ngành quản lý không muốn từ bỏ vai trò đại diện vốn chủ sở hữu, nhất là tại những doanh nghiệp lớn. "Tư tưởng một số bộ vẫn muốn nắm giữ tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp lớn cũng đang là trở ngại đối với việc đẩy nhanh tiến độ CPH", ông Tiến nói.
Thực tế, thống kê của Cục Tài chính doanh nghiệp cho hay trong giai đoạn 2011 - 2015, sau khi bán cổ phần lần đầu, số DNNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là 196 (chiếm 60% số doanh nghiệp đã bán cổ phần); đặc biệt có tới 55 doanh nghiệp (chiếm 17% số doanh nghiệp đã bán cổ phần) có số vốn nhà nước nắm giữ trên 90% vốn điều lệ. Điều này làm giảm mức độ hấp dẫn tham gia của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp và là rào cản của quá trình thay đổi nền tảng quản trị.
Ông Tiến phân tích, điển hình như trường hợp của Tổng công ty lắp máy VN (Lilama), hiện nay nhà nước vẫn đang nắm tới 90% vốn tại đơn vị này trong khi một số nhà đầu tư muốn sở hữu tỷ lệ cao hơn. Việc cơ quan chức năng muốn nắm giữ tỷ lệ cao đã làm mất cơ hội CPH. Với từng phương án, nếu không tính đến hiệu quả của việc thay đổi, cơ hội phát triển cho doanh nghiệp thì dẫn tới phương án CPH không hiệu quả và sau CPH không thay đổi gì. “Điều quan trọng là chất lượng phương án CPH. Bởi vậy, nếu phương án CPH được các nhà đầu tư quan tâm thì các bộ nên có thay đổi và Chính phủ cũng đồng ý cho phép các bộ đề xuất điều chỉnh lại tỷ lệ vốn nhà nước khi CPH ở những DNNN do bộ làm chủ quản”, ông Tiến kiến nghị.
Cảnh giác với “lợi ích nhóm”
Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng câu chuyện tại Tổng công ty bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là một minh chứng, dù ở một góc độ hơi khác. "Dù doanh nghiệp vẫn làm ăn rất hiệu quả, trong một lĩnh vực mà tư nhân hoàn toàn có thể làm tốt, nhưng đã 8 năm qua từ ngày IPO, tỷ lệ vốn nhà nước ở đây vẫn gần 90%. Mãi gần đây, khi Chính phủ cương quyết nói không có chuyện nhà nước đi bán bia thì lộ trình thoái vốn mới rõ ràng", TS Vũ Đình Ánh nói.
Nhắc lại câu chuyện "tái mãi không chín" trên một diễn đàn kinh tế của Quốc hội về chủ đề tái cơ cấu DNNN, TS Lưu Bích Hồ nói rằng không ít đề án tái cơ cấu DNNN đã được đặt ra, Quốc hội phê duyệt nhưng kết quả của đề án thì vẫn chung chung, chứ không đi vào thực chất. "Việc tái cơ cấu vừa qua mới động đến các doanh nghiệp nhỏ. Còn khi chạm đến doanh nghiệp lớn, ngoài việc khó khăn khách quan là phải định giá phức tạp, chọn nhà đầu tư đủ tầm thì phải thẳng thắn là do bộ, ngành chủ quản tìm mọi cách trì hoãn", TS Lưu Bích Hồ nhận xét.
Đáng chú ý, theo chuyên gia này, mấu chốt ở đây là vướng lợi ích nhóm, bởi thực tế có không ít doanh nghiệp lớn, thậm chí trong những ngành rất quan trọng nhưng bộ chủ quản quyết tâm, có cơ chế rõ ràng về ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu, chấp nhận thuê tư vấn nước ngoài thì các khó khăn khách quan về đánh giá tài sản, chọn nhà đầu tư sẽ được giải quyết, như các doanh nghiệp của ngành hàng không là điển hình.
Do vậy, theo ông Lưu Bích Hồ, CPH là việc cấp bách phải làm, song quan trọng là bên cạnh những kế hoạch tham vọng về con số thì vấn đề thực chất như cơ chế giám sát, quy trách nhiệm, đốc thúc tiến độ cần phải cụ thể hơn để khi nhìn lại mục tiêu không ai chê trách là ảo tưởng, duy ý chí.
Theo Bộ KH-ĐT, dự kiến trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ thực hiện CPH 194 doanh nghiệp. Số lượng này chưa bao gồm các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, SCIC và doanh nghiệp 100% vốn cấp 2 của tập đoàn kinh tế đã có chủ trương CPH công ty mẹ, doanh nghiệp 100% vốn cấp 2 của tổng công ty, công ty mẹ - con.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.