Cơ chế đặc thù cho TP.HCM có 'đụng hầu bao' ngân sách quốc gia?

Hàng loạt quy định thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp đang diễn ra. Vậy khi được thông qua có làm ảnh hưởng đến ngân sách các tỉnh, thành khác?

Theo dự thảo của Chính phủ trình Quốc hội, quy định thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM tập trung đến các vấn đề quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách; cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP quản lý.
Trả lời Thanh Niên, một lãnh đạo chủ chốt của TP.HCM cho biết từ năm 2012, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 16-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020. Theo tinh thần của Nghị quyết 16 những vấn đề luật pháp chưa quy định hoặc có quy định mà không phù hợp với TP.HCM thì cho phép làm thí điểm, làm khác. Kết luận 21 của Bộ Chính trị ngày 24.10.2017 về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 cũng khẳng định lại tinh thần đó.


Việc thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.HCM phải đặt trong tổng thể chung của cả nước, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, trong khung khổ pháp luật; việc gì đã rõ thì cho làm ngay, việc gì chưa rõ, phức tạp thì cho làm thí điểm, sơ kết, tổng kết để nhân rộng


Kết luận 21 của Bộ Chính trị


Theo vị lãnh đạo này, hầu hết các đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội về cơ chế, chính sách chỉ liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, đầu tư… có tính đặc thù trên địa bàn TP.HCM, đáp ứng nguồn lực phát triển cho TP có quy mô dân số gấp 6 lần bình quân một tỉnh của cả nước; mật độ kinh tế gấp 30 - 40 lần bình quân cả nước, và đang đặt ra các nhu cầu cấp bách phải giải quyết về áp lực giao thông, ngập nước, cấp nước sạch, xử lý chất thải, trường học, bệnh viện…
Không xin phân bổ thêm ngân sách
“TP.HCM xin cơ chế, chính sách đặc thù chứ không xin Trung ương phân bổ thêm ngân sách”, vị lãnh đạo này nói.
Vị này phân tích: “Ngân sách trung hạn giai đoạn 2017 - 2020 quyết định xong rồi, phân chia tỷ lệ ngân sách cho TP được hưởng chỉ 18% là “cứng” rồi, TP không đề nghị điều chỉnh tỷ lệ phân chia này, vẫn giữ nguyên 18% như cũ mà trước đó Quốc hội đã thông qua. Tất cả trách nhiệm của TP về thuế với cả nước vẫn giữ nguyên, cho nên việc có cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM không làm ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư trung hạn của cả nước, không làm ảnh hưởng đến thu chi ngân sách của các lĩnh vực, của các địa phương khác dựa vào ngân sách Trung ương”.
“Có ý kiến băn khoăn là khi Quốc hội có nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM, thì TP.HCM lấy thêm tiền ngân sách và khiến các địa phương khác mất đi ngân sách được phân bổ. Thực tế là TP.HCM vẫn giữ nguyên tỷ lệ phân chia 18% như cũ mà trước đó Quốc hội đã thông qua. Trong tờ trình của Chính phủ cũng khẳng định rõ nguyên tắc này, đó là không làm ảnh hưởng đến kế hoạch phân bổ ngân sách chung của Trung ương”, vị lãnh đạo này nói thêm.
Kẹt xe, ùn tắc giao thông nghiêm trọng xảy ra dai dẳng ở TP.HCM ẢNH: ĐỘC LẬP
“Không phải là việc của riêng TP.HCM”
TP.HCM trong hơn 40 năm qua là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế, có tốc độ tăng trưởng kinh tế gấp 1,5 lần cả nước. Tuy nhiên khoảng 10 năm trở lại đây, sự vượt trội của TP.HCM so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, thậm chí tụt hậu.
Theo đánh giá của một số chuyên gia tài chính, thu ngân sách hiện nay của TP.HCM khoảng 350.000 tỉ đồng/năm (chiếm khoảng 30% thu ngân sách cả nước), đóng góp ngân sách Trung ương lớn nhất cả nước, lên đến hơn 290.000 tỉ đồng. Nếu TP.HCM tăng trưởng chậm lại, thì rõ ràng thu ngân sách sẽ chậm lại, đóng góp ngân sách nhà nước sẽ ít đi.
“Logic vấn đề nằm ở chỗ đó. Để tăng trưởng GDP cao thì ngân sách Trung ương mới nhiều lên được. TP.HCM phát triển là vì cả nước. Nói chuyện cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM là nói vì cả nước, chứ không phải là việc của riêng TP.HCM”, một vị chuyên gia chia sẻ.
Một chỉ số suy giảm đáng lo ngại…
Một trong những nguyên nhân chủ yếu liên quan đến tăng trưởng kinh tế không tương xứng với tiềm năng, lợi thế của TP.HCM được xác định là do ngân sách chi đầu tư phát triển của TP liên tục bị cắt giảm, từ 33% năm 2003 xuống còn 18% giai đoạn 2017 - 2020 (trong khi các tỉnh, thành có đóng góp ngân sách thuộc top đầu, thì tỷ lệ phân chia lại cao hơn: Hải Phòng là 19,7%, Bà Rịa - Vũng Tàu là 21,6%, Bình Dương 31,9%, Đồng Nai 37,7%, Hà Nội 38,8% và Vĩnh Phúc 47,2%) và đây là tỷ lệ thấp nhất cả nước, không đủ nguồn tài chính để TP tái tạo và phát triển hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, thoát nước…
Kết quả tính toán của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy tăng trưởng kinh tế TP.HCM giai đoạn 5 năm 2011 - 2015 là 9,62%, nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù sẽ giảm còn 7,55% giai đoạn 2016 - 2020, 6,72% giai đoạn 2021 - 2025 và 6,36% giai đoạn 2026 - 2030.
Một chỉ số suy giảm đáng lo ngại nữa là nếu như các nguồn lực đầu tư bị cắt giảm, đóng góp của TP.HCM vào GDP cả nước đến năm 2030 sẽ quay về mức 21,5% như năm 2010.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.