Xóa điểm đen giao thông

31/07/2020 06:28 GMT+7

Bằng nhiều giải pháp công trình và phi công trình, số lượng các điểm đen tai nạn , ùn tắc giao thông tại TP.HCM được báo cáo ngày càng có xu hướng thuyên giảm. Song, giải quyết dứt điểm các điểm đen này vẫn là bài toán khó.

Bỏ quên nhiều “bẫy” tai nạn ?
Tổng kết Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 - 2020, đến cuối năm 2019, trên địa bàn TP.HCM có 12 điểm đen thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, trong đó có 4 điểm không tiếp tục xảy ra tai nạn và được Ban An toàn giao thông TP, Công an TP thống nhất xóa. 6 tháng đầu năm, TP không phát sinh thêm điểm đen nào, danh sách các điểm đen tai nạn chỉ còn lại 8 điểm. Mới đây nhất, Sở GTVT đã công bố xóa được điểm đen giao thông ở khu vực cầu Bình Lợi 1.
Một lãnh đạo Sở GTVT cho biết: “Sở vừa hoàn thiện đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng xe cá nhân” và đang trình UBND TP thông qua. Đề án bao gồm 27 giải pháp được chia thành 3 nhóm, theo thứ tự ưu tiên kèm theo trách nhiệm của các cơ quan và nguồn lực thực hiện, được kỳ vọng sẽ cải thiện bức tranh giao thông của TP thông qua các biện pháp kéo - đẩy nhằm hạn chế xe cá nhân, thúc đẩy giao thông công cộng phát triển. Triển khai đề án theo đúng kế hoạch là lời giải căn cơ cho bài toán ùn tắc, tai nạn giao thông của TP".
Như vậy đến nay, TP chỉ còn 7 điểm thường xuyên tai nạn gồm: trước nhà 235 Nguyễn Văn Cừ (Q.1); đường Võ Văn Kiệt, đoạn từ đường Yersin đến đường Nguyễn Thái Học (Q.1); đường Nguyễn Duy Trinh (Q.2); nút giao Mỹ Thủy (Q.2); cầu Nguyễn Tri Phương (Q.5); cầu Sài Gòn 2 (Q.Bình Thạnh); vòng xoay An Sương (Q.12 và H.Hóc Môn).
Ngay sau khi danh sách các điểm đen tai nạn được công bố, Thanh Niên nhận được không ít phản hồi của người dân “đòi” bổ sung một số điểm mà họ đánh giá mức độ nguy hiểm cao, thường xuyên xảy ra va chạm giao thông. Đơn cử, chị Nguyễn Nga (ngụ Q.10) cho biết trên quãng đường từ nhà đến cơ quan ở đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), ngày nào chị cũng phải thót tim khi đi ngang đoạn ngã ba Nguyễn Thông giao Hồ Xuân Hương (Q.3). Ngay mặt đường Nguyễn Thông là Bệnh viện Da liễu, hằng ngày đón lượng lớn bệnh nhân từ khắp các tỉnh thành đổ về thăm khám, giao với dòng xe đông đúc phụ huynh chở học sinh tới Trường THCS Colette phía Hồ Xuân Hương khiến giao lộ này thường xuyên hỗn loạn, ùn ứ. Đáng nói, khu vực này lúc nào cũng trong tình trạng xe taxi đậu tràn lan, cản trở tầm nhìn của người điều khiển phương tiện. “Mỗi lần đi tới ngã ba này là tôi lại run tay lái, có khi phải dừng hẳn lại nhìn trước ngó sau mãi mới dám đi tới. Xe chạy từ đường Cách Mạng Tháng Tám vào đi rất nhanh mà lại bị ô tô cản tầm nhìn nên thường xuyên xảy ra tai nạn. Cứ vài ba ngày tôi lại chứng kiến có xe đâm nhau đoạn này, rất nguy hiểm”, chị Nga phàn nàn.
Nhiều người dân sống tại khu vực dưới chân cầu Tân Thuận (Q.7) đoạn giao giữa Trần Xuân Soạn và Huỳnh Tấn Phát cũng phản ánh khúc cua nhỏ, gấp, thường xuyên có xe tải lớn chở hàng di chuyển gây mất an toàn giao thông và kéo theo bụi bặm thường xuyên, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhiều trường hợp xe tải chạy tốc độ cao, đến đoạn cua gắt thùng phía sau nghiêng gần như lật cả xe. Hoặc đường Nguyễn Lương Bằng đoạn qua cầu Cả Cấm 2 (Q.7), người dân nhiều lần kiến nghị nên có đèn đỏ thống nhất giữa làn xe máy và ô tô hoặc tín hiệu đèn ở ngã tư đường số 23 và đường Nguyễn Lương Bằng quá nhanh, không kịp để sang đường trong khi không có khu vực chờ giữa đường an toàn.
Tương tự, với các điểm nguy cơ ùn tắc, Sở GTVT đã lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan về việc công bố xóa đối với 6/28 điểm chuyển biến tốt và bổ sung các điểm phát sinh mới để xây dựng kế hoạch tập trung xử lý trong năm 2020. Đối với 22 điểm còn lại (chuyển tiếp từ cuối năm 2019), qua theo dõi đến tháng 6, có 7 điểm chuyển biến tốt, 11 điểm có chuyển biến nhưng còn phức tạp và 4 điểm không chuyển biến. Tuy nhiên, trong 6 điểm đã thoát danh sách điểm đen ùn tắc theo đánh giá của Sở GTVT, còn nhiều khu vực vẫn thường xuyên diễn ra tình trạng xe cộ chen chúc vào giờ cao điểm. Đơn cử, tại giao lộ Lê Văn Việt - Đình Phong Phú (Q.9), cứ tới khoảng 18 - 18 giờ 30 phút là bắt đầu kẹt xe. Mỗi khi trời mưa, cả đoạn đường hơn 1 km kéo dài từ đây hướng về phía ngã ba Mỹ Thạnh lại ngập nặng, có khi nước ngập tới nửa bánh xe, khiến ùn tắc càng thêm trầm trọng. Đường Hoàng Minh Giám (Q.Phú Nhuận và Q.Gò Vấp), Bến Vân Đồn (Q.4)... cũng thường xuyên ùn ứ giờ cao điểm.
Kết hợp giải pháp công trình và phi công trình
Theo lý giải của Sở GTVT TP.HCM, tiêu chí xác định điểm đen là tình hình tai nạn giao thông xảy ra trong năm thuộc một trong các trường hợp sau: xảy ra 2 vụ tai nạn có người chết; 3 vụ tai nạn trở lên, trong đó có 1 vụ có người chết hoặc có 4 vụ tai nạn trở lên nhưng chỉ có người bị thương. Chiếu theo tiêu chí này, những “bẫy” tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn rất cao nhưng vẫn nằm ngoài danh sách điểm đen cần xóa.
Về danh sách các điểm có nguy cơ ùn tắc, ngành giao thông TP đang rà soát, bổ sung các điểm phát sinh mới để xây dựng kế hoạch tập trung xử lý trong năm 2020.
Để xóa các điểm đen giao thông năm 2020, Sở GTVT cho biết sẽ tập trung triển khai các giải pháp thông qua việc xây dựng kế hoạch chi tiết đối với từng điểm. Trong đó, chủ yếu thực hiện theo hai nhóm giải pháp chính là công trình và phi công trình. Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các dự án giao thông theo quy định, nhanh chóng thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình đã được quy hoạch. Đồng thời, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, hiệu quả thông qua việc bảo trì hệ thống hạ tầng đường bộ hiện hữu, cải tạo kích thước hình học, lắp đặt bổ sung hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, dải phân cách...
Một lãnh đạo Sở GTVT TP thông tin thêm: Các giải pháp trên chỉ mang tính cục bộ, nhằm giải quyết nhanh các điểm ùn tắc, điểm đen tai nạn giao thông để hỗ trợ việc di chuyển và đảm bảo đời sống của người dân TP trong ngắn hạn. Về dài hạn,
phát triển hệ thống giao thông công cộng mới chính là lời giải mấu chốt cho bài toán giao thông của TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.