Chào sàn giá ‘mềm’, LienVietPostBank ‘hút’ nhà đầu tư

03/10/2017 16:53 GMT+7

Với mức giá chào sàn UPCoM “khá mềm” chỉ 14.800 đồng/cổ phiếu vào ngày 5.10, LienVietPostBank đang trở thành một trong những cổ phiếu ngân hàng “hot”, hấp dẫn nhà đầu tư.

Lên sàn, tăng vốn chờ đón “đại gia” ngoại
Trong buổi roadshow ngày 2.10 tại TP.HCM, hội trường khách sạn Caravelle chật kín nhà đầu tư, các quỹ tài chính, công ty chứng khoán. Buổi giới thiệu cơ hội, tiềm năng cổ phiếu LVB diễn ra hấp dẫn, thành công dưới sự chủ trì của ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc LienVietPostBank cùng Ban lãnh đạo nhà băng này.
Trước đó, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, phê duyệt niêm yết 646 triệu cổ phiếu LVB trên sàn UPCoM kể từ ngày 5.10 với mức giá 14.800 đồng/cổ phiếu.
Nhà băng này cũng đón nhận 2 tin vui khi HĐQT quyết định phát hành 20 triệu Trái phiếu chuyển đổi với giá trị 2.000 tỉ đồng. Đồng thời, Ngân hàng nhà nước cũng chấp thuận tăng vốn lên 7.500 tỉ đồng, với kế hoạch phát hành 104 triệu cổ phần trong năm 2017, gồm 38,76 triệu cổ phần trả cổ tức (tỷ lệ 6%) và 65,25 triệu cổ phần chào bán cho cổ đông hiện hữu, hoặc chào bán cho cán bộ nhân viên với giá phát hành 10.000/cổ phiếu.
Với 14.800 đồng/cổ phiếu, giá LVB được cho là khá “mềm” so với tiềm năng phát triển và lợi thế. Ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc LienVietPostBank cho biết, theo kế hoạch năm 2017 lợi nhuận ngân hàng đặt ra là 1.500 tỉ đồng, chỉ sau 9 tháng đã đạt 1.450 tỉ đồng. “Năm nay chắc chắn chúng tôi sẽ vượt chỉ tiêu đặt ra”, ông Sơn cam kết.
Song, lợi thế lớn nhất của LienVietPostBank mà không nhà băng nào có được nằm ở mạng lưới rộng lớn và mô hình tiết kiệm bưu điện đặc biệt. Sau sáp nhập, Tổng công ty Bưu Điện (VnPost) đã mang lại cho LienVietPostBank 10.000 điểm giao dịch trải dài khắp cả nước. Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó chủ tịch HĐQT cho biết hiện LienVietPostBank có 200 phòng giao dịch, con số này tăng lên 300 vào cuối năm 2017 và tăng lên 700 vào năm 2018.
Trong khi các ngân hàng khác đang đua nhau lập công ty tài chính, chấp nhận rủi ro cho vay lãi suất cao thì LienVietPostBank chọn cho mình hướng đi rất riêng. “Ngay khi lập ra LienVietPostBank, nguyên Chủ tịch Dương Công Minh và giờ là Chủ tịch Nguyễn Đức Hưởng đã xác định làm ngân hàng phải gắn liền với xã hội, không chỉ vì mục tiêu lợi nhuận nên chúng tôi không cho vay lãi suất quá cao mà cho vay hưu trí, cho vay cán bộ nhân viên với lãi suất thấp”, Tổng giám đốc LienVietPostBank Phạm Doãn Sơn khẳng định.
Đó cũng chính là lý do mà theo ông Sơn, hiện nay LienVietPostBank là nhà băng duy nhất triển khai cho vay qua sổ lương với lãi suất chỉ có 7%/năm, thậm chí thấp hơn để giúp đỡ người về hưu. Sắp tới ngân hàng cũng triển khai thêm gói vay dành cho cán bộ, công nhân viên chức.
Năm 2017 trả cổ tức 12%
Dù sinh sau đẻ muộn song nhìn vào các chỉ số hiện tại LienVietPostBank không thua kém bất cứ nhà băng nào. Ngân hàng này có vốn điều lệ 7.500 tỉ đồng, tổng tài sản đạt gần 150.000 tỉ đồng, tổng huy động vốn 138.000 tỉ đồng, tổng dư nợ trên 96.000 tỉ đồng. Đặc biệt, là ngân hàng có mạng lưới lớn nhất trong khối ngân hàng cổ phần tư nhân.
LienVietPostBank trẻ, khỏe và năng động vì lợi ích của nhà đầu tư
LienVietPostBank trẻ, khỏe và năng động vì lợi ích của nhà đầu tư
Tuy nhiên, điểm chính trong kế hoạch phát hành này theo ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, làm sao để LienVietPostBank trở thành ngân thương mại cổ phần đầu tiên mà tất cả các lãnh đạo cho đến mỗi nhân viên đều sở hữu cổ phần của ngân hàng mình. “Chính sách này nhằm tạo điều kiện để tất cả mỗi thành viên trong hệ thống đều có trách nhiệm với “nồi cơm chung” là uy tín, hiệu quả hoạt động của ngân hàng, đều có ý thức bảo vệ thương hiệu chung LienVietPostBank. Tất cả đều là cổ đông thì đó cũng chính là trách nhiệm và lợi ích sát sườn của họ”, ông Hưởng chia sẻ.
Không chỉ có cổ đông nội, trong “nồi cơm chung” này chắc chắn sẽ có sự xuất hiện của một “ông lớn” nước ngoài. Hiện nay LienVietPostBank đã khóa “room” tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài 25%. Theo ông Hưởng, LienVietPostBank muốn dành 25% đó để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là tổ chức có uy tín, có tiềm lực tài chính mạnh, có sự gắn bó và đồng hành lâu dài với sự phát triển lâu dài.
Năm 2016, LienVietPostBank đã nâng mức trả cổ tức từ 8 lên 10%, năm nay Hội đồng quản trị “chốt” cổ tức ít nhất 12%. Đó chính là cam kết, lời hứa rõ ràng nhất của nhà băng này với các nhà đầu tư về “nồi cơm chung” tất cả cùng hưởng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.