Chậm bồi thường sau khi dừng dự án cảng Kê Gà

27/04/2017 07:04 GMT+7

UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản gửi Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản VN (TKV) đề nghị chuyển 85,1 tỉ đồng vào tài khoản của Trung tâm phát triển quỹ đất Bình Thuận để bồi thường cho 9 dự án du lịch trên địa bàn, sau khi dừng dự án cảng Kê Gà.

Trước đó, UBND tỉnh Bình Thuận có Công văn số 283 (ngày 23.1) gửi Bộ Công thương đề nghị phê duyệt danh mục các dự án (DA) bị ảnh hưởng sau khi dừng xây dựng cảng Kê Gà với 11 khoản bồi thường. Trong số hơn 85 tỉ đồng mà UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị chỉ có 9 DA, còn 2 DA khác chưa đồng ý với số tiền bồi thường. Tuy nhiên, ngày 31.3, TKV có công văn (do Phó tổng giám đốc Khuất Mạnh Thắng ký) gửi UBND tỉnh Bình Thuận cho biết TKV chỉ bồi thường số tiền hơn 65,1 tỉ đồng cho 9/11 DA nói trên. Trong khi phương án chưa được phê duyệt, TKV sẽ chi ứng trước 25 tỉ đồng cho các doanh nghiệp (DN). UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã có công văn giao Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh là nơi đầu mối tiếp nhận số tiền hơn 65,1 tỉ đồng để bồi thường và hỗ trợ cho các DN bị thiệt hại sau khi dừng DA cảng Kê Gà.
Để nhường đất xây dựng cảng Kê Gà, năm 2007 UBND tỉnh Bình Thuận có thông báo cho 11 DA du lịch phải ngưng hoạt động. Đến năm 2009, Thủ tướng mới có phê duyệt DA cảng nước sâu Kê Gà trong hệ thống cảng biển VN. Ngày 9.6.2011, Thủ tướng chính thức có quyết định thu hồi đất để xây dựng cảng Kê Gà (vị trí tại xã Tân Thành, H.Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, nhằm phục vụ vận chuyển bauxite từ Tây nguyên). Sau 4 lần dự kiến khởi công, DA cảng Kê Gà vẫn phải tạm dừng. Mãi đến đầu năm 2013, Văn phòng Chính phủ có văn bản (Số 1434) truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo chính thức dừng cảng Kê Gà và giao cho Bộ Công thương chủ trì cùng UBND tỉnh Bình Thuận tính toán phương án bồi thường cho các DN bị thiệt hại.
Tuy nhiên theo Sở TN-MT Bình Thuận, tính đến ngày 25.4, TKV vẫn chưa chuyển đồng nào vào tài khoản của Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh. Hiện vẫn còn 2 chủ DA du lịch bị ảnh hưởng (Đức Hạnh và Thành Đạt) chưa thống nhất được khoản tiền bồi thường, hỗ trợ do bất đồng quan điểm với Hội đồng đền bù của TKV và UBND tỉnh Bình Thuận .
Chiều 25.4, trả lời PV Thanh Niên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Phạm Văn Nam cho biết UBND tỉnh vẫn giữ quan điểm và thống nhất con số bồi thường, hỗ trợ cho 9/11 DA du lịch bị ảnh hưởng là 85,1 tỉ đồng, dù TKV chỉ chấp nhận con số 65,1 tỉ đồng. “Nếu các chủ DA du lịch và TKV vẫn không thỏa thuận được thì hai bên tự giải quyết với nhau vì UBND tỉnh đã làm hết trách nhiệm của mình”, ông Nam nói.
Thiệt đơn thiệt kép
Ông Nguyễn Trường Vinh, chủ DA du lịch Đồi Phong Lan (được bồi thường hơn 36 tỉ đồng), than phiền: “DA của chúng tôi bị thiệt hại gần 10 năm nay rồi, giờ TKV vẫn kỳ kèo chưa bồi thường một đồng nào dù phương án đã rõ. Để giải quyết sớm, chúng tôi đã chấp nhận giảm đi nhiều khoản, từ hơn 50 tỉ đồng giờ chỉ được bồi thường hơn 36 tỉ đồng. Tiền đầu tư chúng tôi vay ngân hàng lãi suất rất cao, nhưng TKV chỉ chấp nhận bồi thường với lãi suất tiền gửi. Hơn 10 năm qua, cơ hội đầu tư của chúng tôi đã trôi đi bởi DA cảng Kê Gà nhưng không được bồi thường thỏa đáng. Vài chục tỉ đồng đối với tập đoàn kinh tế như TKV là không lớn nhưng với chúng tôi số tiền bị thiệt hại là quá lớn”.
Tương tự, bà Tạ Thị Phương Lý, chủ DA Phương Bắc (được bồi thường 1,2 tỉ đồng), cho biết: “Để được bồi thường 1,2 tỉ đồng trong 10 năm qua chúng tôi phải đi lại không biết bao nhiêu lần. Bộ Công thương đã có văn bản trả lời chúng tôi rằng việc đền bù sẽ được TKV thực hiện xong trước tháng 3.2017, nhưng tới nay gần hết tháng 4 rồi mà vẫn chưa thấy”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.