Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể sớm quay trở lại

18/07/2017 09:19 GMT+7

Hai siêu cường kinh tế lớn của thế giới có thể sẽ sớm vấp phải những bất đồng trong quan hệ thương mại.

Mặc dù tỏ ra nhiệt tình với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp trực tiếp hồi tháng 4.2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đưa ra một lưu ý thận trọng khi ông viết trên trang Twitter cá nhân rằng: “Tình hữu nghị to lớn đã được hình thành. Nhưng chỉ có thời gian mới có thể trả lời cho những vấn đề về thương mại”.
Chính quyền Trump thậm chí còn đưa ra thời hạn 100 ngày để hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có những thay đổi tích cực để tiến hành các cuộc đàm phán tiếp theo. Tuy nhiên, thời hạn trên đã kết thúc vào hôm 16.7 không chỉ trong sự thất vọng, mà còn trong tình trạng căng thẳng về một cuộc đối đầu thương mại mới có thể sẽ bùng nổ giữa hai bên.
Thâm hụt thương mại ngày càng tăng
Thâm hụt thương mại đã trở thành nguyên nhân thường trực cho sự bất đồng giữa đôi bên. Ông Trump từng nhiều lần chỉ trích rằng chính những cách biệt lớn giữa nhập khẩu của Trung Quốc và xuất khẩu của Mỹ là nguyên nhân gây ra tình trạng mất việc làm của người dân Mỹ.
Vào năm ngoái, Mỹ đã phải chịu mức thâm hụt thương mại khổng lồ lên tới 310 tỉ USD từ Đại lục. Cho đến nay, con số này vẫn chưa có dấu hiệu thu hẹp, khi chỉ trong ba tháng đầu năm 2017, khoảng cách thâm hụt lại tiếp tục được nới rộng hơn so với quý trước đó.
Song, vẫn còn hàng trăm vấn đề khác cần phải được giải quyết giữa hai siêu cường kinh tế, đặc biệt khi các doanh nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn không ngừng phàn nàn về những rào cản mà họ đang gặp phải khi gia nhập vào thị trường Trung Quốc.
Yếu tố Triều Tiên
Sự chần chừ của Bắc Kinh trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến Triều Tiên đang khiến cho mối quan hệ Mỹ - Trung rơi vào trạng thái treo. “Tôi đã giải thích với Chủ tịch Trung Quốc rằng thỏa thuận thương mại giữa hai nước sẽ tốt hơn nếu họ nỗ lực giải quyết vấn đề Triều Tiên”, Tổng thống Trump viết trên trang Twitter cá nhân ngay sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo hồi tháng 4.2017.
Tuy nhiên, các nhà phân tích lại cảnh báo rằng ông Trump đã tự làm mình thất vọng khi quyết định dùng thương mại để ràng buộc Đại lục thực hiện các bước đi chính trị. Trung Quốc sẽ không bao giờ thẳng tay ép chế độ Kim Jong-un phải thay đổi những hành xử về vũ khí hạt nhân đang đe dọa an ninh thế giới. Vì nếu làm vậy, Trung Quốc có thể sẽ mất đi “quân bài” chủ chốt trong ván cờ tranh giành tầm ảnh hưởng với Mỹ.
Theo CNN, mặc dù đã cắt giảm phần lớn lượng nhập khẩu than từ nước láng giềng, nhưng thương mại Trung - Triều vẫn tăng 10% trong nửa đầu năm nay. Mới đây Washington đã nhắm thẳng vào Bắc Kinh khi tuyên bố lệnh trừng phạt đối với một ngân hàng của Đại lục và các thực thể khác vì nghi ngờ các tổ chức này đã giúp Triều Tiên rửa tiền. Nhiều ý kiến tin rằng chính quyền Trump có thể sẽ sớm tiến hành những động thái tương tự đối với các công ty khác của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nếu quốc gia châu Á vẫn lừng khừng, né tránh giải quyết vấn đề với đồng minh thân cận.
Thuế thép
Thuế thép là một chủ đề quen thuộc vốn xuất hiện nhiều lần trên bàn đàm phán thương mại nảy lửa giữa hai nền kinh tế. Tổng thống Trump hồi cuối tháng trước đã lên tiếng đe dọa về việc sẽ áp thuế nhập khẩu thép mới. “Họ đang bán phá giá thép và phá hủy ngành công nghiệp thép của Mỹ, không chỉ Trung Quốc mà cả những nước khác. Họ đã làm thế trong nhiều thập niên qua và tôi sẽ dừng lại tình trạng này”, ông Trump nói.
Hiện Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác đang chờ xem liệu chính quyền Trump sẽ thực hiện lời đe dọa đánh thuế lớn ra sao đối với các chuyến hàng nhập khẩu thép của họ đến Mỹ.
“Bắc Kinh dường như không có xu hướng sẽ thay đổi các kế hoạch kinh tế trong năm nay. Vì vậy, sẽ rất ngạc nhiên nếu các cuộc đàm phán thương mại sắp tới giữa hai nước sẽ dẫn tới những bước mở ngoạn mục”, David Dollar, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Brookings Institution, người trước đây từng làm việc cho Bộ Tài chính Mỹ, cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.