4 bài học đắt giá từ scandal của Uber

22/03/2017 12:32 GMT+7

Hàng loạt bê bối gần đây liên quan đến tố cáo quấy rối tình dục, đánh cắp công nghệ, qua mặt các cơ quan quản lý... đã làm xấu đi hình ảnh của Uber.

Uber sẽ tiếp tục giải quyết ra sao và liệu những lùm xùm này sẽ còn ảnh hưởng đến hãng như thế nào chưa thể kết luận được. Tuy nhiên, có một điều mà chúng ta hoàn toàn có thể chắc chắn đó là những bê bối của Uber hiện tại chính là những bài học đắt giá cho các doanh nhân sau này.
Không có chỗ cho thái độ thiếu trưởng thành nếu muốn thành công
Nỗ lực xây dựng từ một ý tưởng đến một công ty có khả năng hoạt động khả thi, sinh ra lợi nhuận và cuối cùng là phát đạt không phải là trò chơi dành cho người có thái độ hời hợt. Nó đòi hỏi sự hi sinh đáng kể từ những người sáng lập và đội ngũ của họ. Đặc biệt, khi một doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ đã đi vào guồng phát triển thì những thái độ, hành vi mang tính xấc xược, kiêu ngạo, bốc đồng, thiếu nhiệt tình, đôi co với khách hàng hay chê bai đối thủ sẽ không mang lại kết quả gì ngoài việc khiến cho doanh nghiệp tự đào hố chôn mình.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải được ưu tiên hàng đầu
Có một thực tế đáng buồn là chuẩn mực văn hóa và đạo đức doanh nghiệp hiện vẫn chưa được các chủ doanh nghiệp và lãnh đạo chú ý nhiều, đặc biệt là ở các công ty khởi nghiệp khi người sáng lập ban đầu là những người bạn cùng chơi chung, làm chung dự án với nhau. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp phát triển, nhu cầu cấp thiết về nhân lực, mục tiêu tăng lên thì thái độ thoải mái và cách tiếp cận, quản lý lỏng lẻo đó sẽ là con đường nhanh nhất đẩy công ty vào tình trạng lộn xộn.
Vì vậy, điều quan trọng là người sáng lập ban đầu phải có một bức tranh rõ ràng về những gì công ty của mình đại diện, giá trị của công ty là gì, và nhân viên như thế nào thì sẽ phù hợp với những giá trị đó. Một khi văn hóa doanh nghiệp đã được hình thành, các chủ doanh nghiệp hãy chứng minh với tất cả nhân viên rằng không ai có thể đứng trên nguyên tắc công ty. Và cho dù tham vọng là một trong những yếu tố cơ bản điều khiển kinh doanh thì bản thân doanh nghiệp cũng không vì quá tập trung vào lợi nhuận mà bỏ qua quyền lợi nhân viên. Có thể thấy Uber đã ngó lơ các nguyên tắc văn hóa doanh nghiệp này và im lặng trước sự chịu đựng của nhân viên.

tin liên quan

5 nước tốt nhất để khởi nghiệp
Mặc dù cơ hội có thể tồn tại ở khắp nơi, nhưng Nhóm Ngân hàng Thế giới (The World Bank Group) đã đánh giá các nước sau là những nơi tốt nhất trên thế giới cho việc khởi nghiệp, theo Entrepreneur.
Người lãnh đạo phải thật sự có khả năng lãnh đạo
Một giám đốc điều hành hành động bốc đồng, cãi nhau với tài xế và một vài lãnh đạo cao cấp khác để lộ các vụ bê bối đã cho thấy năng lực lãnh đạo kém cỏi trong bộ máy đầu tàu của Uber. Và không thể phủ nhận được rằng, chính các vị lãnh đạo này là một phần nguyên nhân khiến hình ảnh Uber bị méo mó.
Thật vậy, thông thường các doanh nghiệp không thể phát triển hoặc thậm chí lao đao, thất bại là vì người lãnh đạo thiếu kỹ năng quản lý, cách tư duy hạn chế và không biết cách tiếp cận nhân viên dưới góc độ con người. Người ở vị trí lãnh đạo cao cấp có thể không hẳn phải là người sáng lập ban đầu, nhưng nhất định phải có mức độ trưởng thành và kỹ năng lãnh đạo phù hợp để dẫn dắt công việc kinh doanh và sự sống còn lâu dài của doanh nghiệp.
Cần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình
Cuối cùng, việc thiết lập các hệ thống nhằm nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cũng quan trọng không kém vì nó được ví như ngọn đèn thắp sáng và giữ cho những giá trị công ty không đi chệch hướng.
Thông tin không chỉ được lưu trữ bởi ban quản lý cấp cao mà nhân viên cũng thực sự cần được biết để dễ dàng hiểu và hợp tác. Đối với trách nhiệm giải trình, nó không chỉ liên quan đến các mục tiêu hoạt động được đặt ra cho nhân viên hay giải thích trước các cơ quan chức năng bên ngoài, mà còn cần bao gồm các đánh giá thường xuyên cách thức lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.