3 vấn đề Ả Rập Xê Út trong chuyến công du của Tổng thống Donald Trump

21/05/2017 06:00 GMT+7

Điểm dừng chân trước hết trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Ả Rập Xê Út. Đây cũng có thể là nơi ông sẽ bận rộn nhất.

Theo CNN, Tổng thống Mỹ sẽ tham dự ba hội nghị thượng đỉnh trong hai ngày, chứng kiến việc ký kết một số thỏa thuận trị giá hàng tỉ USD. Chuyên gia Ahmed Alibrahim về quan hệ Ả Rập Xê Út - Mỹ tại Riyadh nói: “Chuyến thăm của ông Trump có chiều sâu kinh tế”, cho biết thêm Tổng thống Mỹ sẽ ký kết nhiều thỏa thuận lớn với Ả Rập Xê Út và các nước Vùng Vịnh.
Các thỏa thuận giúp đôi bên cùng có lợi khi vừa mở thêm hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp Mỹ, vừa đầu tư vào các nhu cầu khẩn cấp của Ả Rập Xê Út. Nước này đang có kế hoạch giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu thô vào năm 2030 đầy tham vọng.
“Sẽ có khoản đầu tư đáng kể từ Ả Rập Xê Út vào Mỹ, song cũng sẽ có nhiều lợi ích đáng kể dành cho Ả Rập Xê Út. Hai nước sẽ có thêm việc làm, đầu tư sẽ từ cả hai bên và bạn sẽ biết chi tiết khi các thỏa thuận được công bố”, Bộ trưởng Tài chính Ả Rập Xê Út Mohammed Al-Jadaan cho hay. Dưới đây là một số vấn đề lớn có thể chiếm ưu thế trong các cuộc đàm phán của ông Trump.
Hợp đồng quốc phòng
Cục Điều tra Dân số Mỹ cho biết Ả Rập Xê Út là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông. Hai nước trao đổi số hàng hóa trị giá 35 tỉ USD trong năm qua. Phần lớn trong số này là dầu khí, Ả Rập Xê Út là nước xuất khẩu dầu lớn nhất đến Mỹ, sau Canada.
Thiết bị quân sự chiếm khối lượng lớn trong thương mại giữa hai nước và điều này có thể gia tăng. Quốc gia Ả Rập là nước chi cho quốc phòng nhiều thứ năm thế giới, phân bổ khoảng 51 tỉ USD, tương đương 21% ngân sách năm 2017, cho quốc phòng. Trong khi đó, Mỹ là nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu. Gần một nửa số hàng xuất khẩu từ Mỹ đến Trung Đông, nơi mà Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) là hai khách mua lớn nhất.
CEO hãng tư vấn an ninh INEGMA Riad Kahwaji cho hay: “Chuyến thăm Ả Rập Xê Út rất có thể sẽ chứng kiến việc ký kết nhiều thỏa thuận quốc phòng, chủ yếu liên quan đến phòng thủ tên lửa và cách tăng cường năng lực không quân, hải quân”.
Song song với hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Quốc vương Ả Rập Xê Út Salman hôm 20.5 là một diễn đàn kinh doanh gồm các giám đốc điều hành cấp cao đến từ khoảng 45 doanh nghiệp Mỹ. Sếp nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin, Raytheon dự kiến đến dự. Ngoài ra, hội nghị cũng có sự góp mặt của giám đốc Beoing, ExxonMobil, Dow Chemical, General Electric, Citigroup, Morgan Stanley.
Đầu tư song phương
Thu hút thêm đầu tư nước ngoài là cần thiết nếu Ả Rập Xê Út muốn thực hiện tầm nhìn của họ về một tương lai không dầu mỏ. Riyadh muốn kéo khu vực tư nhân từ 40% ở thời điểm hiện tại lên 65% GDP đến năm 2030. Ông Al-Jaadan cho hay Ả Rập Xê Út muốn thực hiện điều này bằng cách khuyến khích đầu tư địa phương, đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Quốc gia Trung Đông vừa công bố thành lập hãng sản xuất quân sự mới mà họ cho rằng sẽ đóng góp 14 tỉ riyal, tương đương 3,7 tỉ USD, vào GDP đến năm 2030. Nước này muốn hiện thực hóa mục tiêu thông qua hợp tác trong nước và quốc tế.
Đến tham dự diễn đàn CEO còn có các giám đốc điều hành của SoftBank, hãng công nghệ Nhật Bản vừa tung ra quỹ đầu tư 100 tỉ USD với Ả Rập Xê Út. Đất nước Trung Đông cam kết 45 tỉ USD trong tổng số tiền trên. Nhà sáng lập kiêm CEO SoftBank Masayoshi Son hứa với ông Trump vào tháng 12 rằng sẽ đầu tư 50 tỉ USD vào Mỹ, nói trên tờ The Wall Street Journal rằng số tiền sẽ đến từ quỹ đầu tư mới giữa hãng và Ả Rập Xê Út.
Thỏa thuận dầu thô khủng
Ngoài khoản đầu tư lớn, Mỹ và Ả Rập Xê Út cũng có thể bàn về kế hoạch niêm yết Saudi Aramco trên sàn chứng khoán của Ả Rập Xê Út. Giới chức nước này đang lên kế hoạch bán khoảng 5% thị phần hãng dầu khí quốc doanh lớn trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) được cho là lớn kỷ lục thế giới.
Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) được cho là đang thảo luận nghiêm túc với Ả Rập Xê Út. Dù vậy, NYSE vấp phải đối thủ cạnh tranh lớn vì Sàn Giao dịch Chứng khoán London cũng đang tích cực vận động Saudi Aramco.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.