Kinh doanh, sử dụng vỉa hè ở TP.HCM thế nào để không bị 'dọn dẹp'?

22/02/2017 12:20 GMT+7

Lãnh đạo UBND quận 1 liên tục chỉ huy các lực lượng 'xuống đường' để lập lại trật tự đô thị. Lực lượng này xử lý hàng loạt hộ gia đình để bồn hoa, cây cảnh trước nhà, đậu xe trên vỉa hè khiến nhiều người ngỡ ngàng. Vậy sử dụng vỉa hè như thế nào thì không phạm luật?

Những ngày gần đây, lãnh đạo UBND quận 1 liên tiếp chỉ huy các lực lượng quản lý trật tự đô thị, công an,… “xuống đường” để lập lại trật tự đô thị trên địa bàn.
Việc lực lượng chức năng xử lý hàng loạt hộ gia đình để bồn hoa, cây cảnh trước nhà, đậu xe trên vỉa hè khiến nhiều người ngỡ ngàng. Vậy sử dụng vỉa hè như thế nào thì không phạm luật?
VIDEO: Lực lượng chức năng đập bỏ bồn hoa của cơ quan nhà nước lấn chiếm vỉa hè
Trao đổi với Thanh Niên, ông Phan Trọng Hùng, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị quận 1 cho biết UBND TP.HCM đã ban hành quyết định số 74/2008/QĐ-UBND về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP.HCM có hiệu lực từ tháng 11.2008.
Các trường hợp được sử dụng vỉa hè
Các trường hợp được sử dụng vỉa hè gồm: tổ chức tiệc cưới, tang lễ; phục vụ thi công xây dựng, sửa chữa công trình; trông giữ xe công cộng có thu phí; phục vụ việc kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa; hoạt động xã hội và để xe 2 bánh tự quản trước nhà. Cụ thể:
Giấy phép sử dụng một phần vỉa hè cho mục đích để xe khách và nhân viên
 Ảnh: Vũ Phượng
- Đối với tổ chức tiệc cưới, tang lễ: khi có nhu cầu sử dụng sử dụng tạm thời một phần vỉa hè phục vụ cho việc cưới, việc tang, người dân cần thông báo với UBND phường, xã để được hướng dẫn.
- Các hoạt động phục vụ thi công xây dựng, sửa chữa công trình như rào chắn, tập kết, trung chuyển vật liệu, sửa chữa công trình cần được UBND cấp quận, huyện thẩm định và xem xét trên nguyên tắc không gây cản trở giao thông cho người đi bộ, đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh và mỹ quan đô thị.
Trong trường hợp việc tập kết vật liệu xây dựng đòi hỏi mặt bằng lớn, vượt quá phạm vi cho phép sử dụng tạm thời vỉa hè, cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét việc cấp phép sử dụng tạm thời toàn bộ vỉa hè để phục vụ hoạt động trên.
Tuy nhiên, thời gian cho phép chỉ được thực hiện từ 21 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, sau đó phải trả lại nguyên trạng vỉa hè. Tổ chức, cá nhân được cấp phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè không được tự ý đào bới, xây dựng làm biến dạng lòng đường và vỉa hè.
- Đối với việc trông giữ xe công cộng có thu phí sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét theo từng vị trí, địa điểm. Các bãi giữ xe phải bảo đảm thuận lợi cho người đi bộ, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và không ảnh hưởng đến sinh hoạt của các gia đình gần đó.
- Riêng hoạt động phục vụ việc kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa chỉ áp dụng tại các tuyến đường nằm trong danh mục công trình và tuyến đường đặc thù được phép sử dụng vỉa hè vào kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa.
- Hoạt động xã hội bao gồm các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ nhằm phục vụ cộng đồng, chào mừng lễ hội sự kiện lớn.
- Ngoài ra, UBND các quận, huyện nghiên cứu ban hành danh mục các tuyến đường có vỉa hè rộng rãi, dành một phần vỉa hè cho người dân để xe 2 bánh tự quản trước cửa nhà (chỉ phục vụ cho xe của gia đình và xe của khách hàng).
Vỉa hè rộng bao nhiêu thì được sử dụng?
Theo Quyết định số 74, đối với vỉa hè rộng hơn 3m, cho phép sử dụng tạm thời ngoài mục đích giao thông tối đa 1,5m tính từ mép tiếp giáp nhà bên trong vỉa hè trở ra hoặc từ mép bó vỉa trở vào.
Người đi bộ không còn vỉa hè để đi Ảnh: Đ.T
Hiện nay, vỉa hè nhiều tuyến đường rộng trên 3m như Trần Quang Khải (quận 1), An Dương Vương (quận 5),…. được sơn 1 vạch màu trắng hoặc vàng để phân định phạm vi sử dụng vỉa hè. Tức là các hộ dân được để xe máy, xe đạp bên trong vạch sơn, phần bên ngoài vạch sơn dành cho người đi bộ.
Đối với vỉa hè rộng chưa tới 3m, việc cấp phép sử dụng ngoài mục đích giao thông chỉ được xem xét với các hoạt động: tổ chức đám cưới, tang lễ; hoạt động phục vụ thi công xây dựng, sửa chữa công trình và hoạt động xã hội.
Trách nhiệm của người dân 
Theo Điều 14, Quyết định số 74/2008
1. Nghiêm cấm các hoạt động ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường trên bề mặt lòng đường và vỉa hè, bao gồm:
a) Sử dụng vỉa hè để phục vụ sinh hoạt ăn uống, vệ sinh của cá nhân, hộ gia đình.
b) Đổ nước sinh hoạt, chất lỏng độc hại, nước thải chứa hóa chất ra lòng đường và vỉa hè.
c) Để phế thải xây dựng, rác, bùn đất, xác súc vật, chất thải súc vật trên bề mặt lòng đường và vỉa hè.
d) Tháo dỡ gạch vỉa hè, đục bỏ bó vỉa tạo dốc từ vỉa hè xuống lòng đường.
đ) Lắp đặt, xây dựng bục, bệ dắt xe, bậc tam cấp vào nhà và công trình bên đường gây ảnh hưởng đến hoạt động của phương tiện giao thông và người đi bộ; gây
mất mỹ quan đô thị và dẫn đến thay đổi kết cấu vỉa hè dọc tuyến đường.
e) Trộn vữa, bê tông, xi măng trực tiếp trên bề mặt lòng đường và vỉa hè.
g) Họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày hàng hóa, để vật liệu không có giấy phép trên lòng đường, vỉa hè.
h) Giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác trên vỉa hè không có giấy phép hoặc không đúng nơi quy định.
i) Đậu xe ô tô trên các tuyến đường không có biển báo giao thông hướng dẫn và cho phép đậu xe dưới lòng đường.
k) Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cơ quan có trụ sở tiếp giáp với vỉa hè phải có trách nhiệm tham gia đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị tại khu vực vỉa hè, lòng đường trước trụ sở tổ chức, cơ quan.
3. Hộ gia đình, cá nhân có nhà riêng tiếp giáp với vỉa hè và không có nhu cầu xin sử dụng tạm thời một phần vỉa hè có trách nhiệm tham gia giữ gìn vệ sinh tại khu vực vỉa hè, lòng đường trước nhà riêng.
4. Tổ chức, cơ quan, hộ gia đình và cá nhân có trách nhiệm không để người khác vi phạm quy định về bảo quản lòng đường và vỉa hè tại khu vực trước trụ sở tổ chức, cơ quan, nhà riêng và thông báo sớm với chính quyền địa phương trong trường hợp xảy ra các vi phạm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.