Kinh doanh dịch vụ ăn, uống tại TP.HCM: Cửa đóng then cài

10/09/2021 18:58 GMT+7

Trưa 10.9, nhiều hàng quán ở TP.HCM vẫn 'cửa đóng then cài' trong khi các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống được phép bán mang về.

Nhiều hàng quán, cửa hàng ăn uống vẫn đóng cửa 

TP.HCM đã cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày theo hình thức bán hàng mang về. Tuy nhiên, nhiều chủ quán, cửa hàng kinh doanh ăn uống cho biết việc mở cửa trở lại ngay lúc này sẽ gặp không ít khó khăn nên vẫn còn phân vân, chưa mở bán.

Quán hủ tiếu trên đường Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú) treo biển nghỉ bán do dịch Covid-19

TRẦN KHA

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong hai ngày 9 và 10.9, trên nhiều tuyến đường như: Tân Kỳ Tân Quý, Tên Lửa, Tỉnh Lộ 10, An Dương Vương, Mã Lò, Hương Lộ 2 (Q.Bình Tân), Võ Văn Vân (H.Bình Chánh), đường Hậu Giang, Hồng Bàng (Q.6), Lũy Bán Bích, Hòa Bình, Vườn Lài, Nguyễn Sơn (Q.Tân Phú), các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn, uống ở đây hầu hết chưa mở cửa. Một số ít hàng quán chỉ bắt đầu dọn dẹp lại quán.
Có hơn 10 năm mở quán kinh doanh, buôn bán, chủ quán hủ tiếu trên đường Tỉnh Lộ 10 (P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân), ông Nguyễn Văn Sơn (quê Long xuyên) phải đóng cửa quán hơn 3 tháng nay do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Không buôn bán, mất thu nhập, gánh nặng về tiền điện, tiền nước, tiền thuê nhà khiến ông Sơn thật sự khổ tâm. Nghe thông tin loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống được mở cửa bán trở lại từ ngày 8.9, ông Sơn hết sức vui mừng. Tuy nhiên, do chưa nắm hết thông tin nên ông cũng có phần lo lắng và cho biết sẽ liên hệ với phường hỏi về các thủ tục để có thể mở bán lại.

Ngày 10.9: Cả nước 13.321 ca Covid-19, 12.751 ca khỏi | TP.HCM 7.539 ca

Lo ngại về nguồn hàng, chi phí vận chuyển và dịch bệnh

Chị Bùi Thị Ngọc Diễm (42 tuổi, quê Long An) có tiệm cơm trên đường Tỉnh Lộ 10 (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân). Thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát, quán chị Diễm rất đông khách do gần khu công nghiệp, nhân viên làm việc từ sáng đến chiều muộn không ngơi nghỉ. Tuy nhiên nói về việc mở cửa quán trở lại lúc này, chị Diễm cho hay sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Các nguyên vật liệu chế biến trước đó các đầu mối làm ăn của mình cung cấp, giờ họ đã nghỉ, bán lại phải tự đi mua, làm cách nào để có giấy đi đường. Ngoài ra, các chợ giờ đã nghỉ bán, nếu lấy nguồn hàng từ xa chi phí vận chuyển quá cao sẽ rất khó bán”, chị Diễm chia sẻ và cho biết sẽ chờ thêm một thời gian nữa sẽ mở lại quán.

Nhiều hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn, uống tại TP.HCM vẫn chưa bán lại

TRẦN KHA

Trong khi đó, chị Tô Thị Lam Phượng (quê Thái bình), chủ tiệm phở trên đường Hương Lộ 2 (Q.Bình Tân) cho biết hiện quán đã đủ điều kiện để hoạt động như giấy phép đăng ký hộ kinh doanh, thực hiện 3 tại chỗ, các nhân viên của chị cũng đã tiêm ngừa đầy đủ. Chị Phượng không quá lo lắng về việc cung ứng nguồn hàng vì chị có các đầu mối cung cấp đến tận nơi. “Quán đa số là người đến ăn tại chỗ nhiều, việc chỉ giao shipper thôi thì khách hàng bị hạn chế nên mình cũng đang phân vân, chưa vội mở lại quán”, chị Phượng chia sẻ.
Chỉ tay vào các con hẻm trên đường Vườn Lài (Q.Tân Phú), anh T., chủ quán bún đậu mắm tôm, cho hay mình cũng giống như nhiều hộ kinh doanh dịch vụ ăn, uống khác tại Q.Tân Phú hiện rất ngại tiếp xúc người lạ do dịch bệnh tại địa bàn còn diễn biến phức tạp.
Một số người kinh doanh cửa hàng ăn chia sẻ thêm, hiện người dân trên địa bàn được nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng và song song với đó là công tác tiêm ngừa đang được đẩy mạnh. Phần lớn các tuyến đường trên địa bàn còn rào chắn nên việc buôn bán sẽ ảnh hưởng. Do đó người kinh doanh cũng chưa vội, họ cho biết sẽ mở cửa lại dịch vụ ăn, uống vào thời điểm thích hợp.

Thu giữ 9.600 hộp thuốc “điều trị Covid-19” dán nhãn mác Trung Quốc

Ngày 8.9, UBND TP.HCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống; cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày theo hình thức bán hàng mang về. Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; shipper giao hàng phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.

Các loại hình vừa nêu phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện, TP.Thủ Đức để được cấp giấy đi đường; phải đảm bảo điều kiện người lao động đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vắc xin phòng Covid-19 và thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với Covid-19 tần suất 2 ngày/1 lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

UBND TPHCM giao Chủ tịch UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức chịu trách nhiệm chỉ đạo và kiểm tra, giám sát các phường, xã, thị trấn trong việc xác nhận trường hợp đủ điều kiện được phép hoạt động kinh doanh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.