Kim sách triều Nguyễn kể chuyện hoàng cung

01/04/2016 07:00 GMT+7

'Bộ sưu tập kim sách triều Nguyễn của Bảo tàng Lịch sử quốc gia có thể nói là độc nhất và vô cùng quý giá', một chuyên gia về kim bảo ngọc tỷ nhận xét.

'Bộ sưu tập kim sách triều Nguyễn của Bảo tàng Lịch sử quốc gia có thể nói là độc nhất và vô cùng quý giá', một chuyên gia về kim bảo ngọc tỷ nhận xét.

Kim sách bằng bạc mạ vàng niên hiệu Khải Định thứ 7 (1922) - Ảnh: Ngữ ThiênKim sách bằng bạc mạ vàng niên hiệu Khải Định thứ 7 (1922) - Ảnh: Ngữ Thiên
Kim sách triều Nguyễn (1802 - 1945) là một loại thư tịch cổ, được làm từ kim loại quý. Kim sách ghi lại việc chính sự, lễ nghi triều đình như hoàng đế lên ngôi, lập hoàng thái tử, hoàng hậu hay ghi công, phong tước, ban tôn hiệu cho hoàng thân, quốc thích...; lời sách do hoàng đế soạn hoặc đại thần chấp bút. Kim sách vì thế không chỉ quý vì bằng vàng hay bạc mà còn quý về giá trị sử liệu.
Cơ hội chạm vào lịch sử
Theo các nhà nghiên cứu, nếu như ngay tại Huế - kinh đô của nhà Nguyễn, kim sách hiện còn khó tìm thì những hiện vật như vậy lại tập trung khá đầy đủ tại Hà Nội. Bộ sưu tập kim sách triều Nguyễn của Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện được đánh giá vô cùng quý giá, có một không hai. “Dưới góc độ trưng bày được tiếp cận thì hầu hết kim sách kim bảo trong sưu tập đều xứng đáng là bảo vật quốc gia”, ông Nguyễn Quốc Hữu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia nói.
Chính vì thế, trưng bày sưu tập kim sách và một số ấn liên quan từ ngày 31.3 đến đầu tháng 8 tới đây tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ là cơ hội cho người xem chạm vào lịch sử. Ban tổ chức cho biết, 22 quyển kim sách tiêu biểu và 10 kim bảo liên quan sẽ được trưng bày trong dịp này. “Cũng có những kim ấn được giới thiệu, nhưng theo tôi đó chỉ là cách bổ trợ giá trị của kim sách. Ấn được trưng bày cùng với kim sách cùng thời để hình dung về hiện vật rõ hơn”, một chuyên gia của bảo tàng này chia sẻ.
Bảo tàng cho biết, một trong những hiện vật giới thiệu lần này là kim sách hoàng đế Minh Mệnh truy phong Chiêu Nghi Hồ Thị Hoa làm Thần phi. Kèm theo kim sách là ấn Chính hậu chi bảo. Khi 16 tuổi, bà được tuyển làm thiếp của hoàng thái tử Nguyễn Phúc Đảm, tức vua Minh Mệnh sau này. Một năm sau, bà sinh hoàng tử trưởng Nguyễn Phúc Miên Tông, tức hoàng đế Thiệu Trị sau này. Sau khi sinh con 13 ngày, bà mất. Sinh thời bà là người nết na, đoan chính, hiền thục, hiếu kính nên cha mẹ chồng hết lòng yêu quý. Vua Gia Long bấy giờ thương xót, lệnh cho khắp dân gian phải kiêng húy tên gọi của bà. Hàng loạt địa danh trong nước có từ “hoa” đã phải đổi tên và dùng chính thức cho tới tận ngày nay như: tỉnh Thanh Hoa, đổi thành Thanh Hóa, chợ Đông Hoa thành chợ Đông Ba…
Không chỉ có thế, chồng bà (vua Minh Mệnh) sau khi lên ngôi 1 năm, cho đúc kim sách phong bà làm Thuận Đức Chiêu Nghi. Sau đó, lại phong bà lên Thần phi, kèm theo ấn vàng Chính hậu chi bảo. Suốt thời gian trị vì, hoàng đế Minh Mệnh có rất nhiều phi tần, nhưng vì tưởng nhớ bà nên vẫn bỏ trống ngôi chính cung.
Trong sưu tập kim sách triều Nguyễn, chỉ có một cuốn về giáng chức liên quan đến Trang Ý hoàng thái hậu. Bà là hoàng quý phi của hoàng đế Tự Đức. Được sủng ái, nhưng bà bị giáng chức làm trung phi do một lần cung nhân do bà cai quản tiến cơm chậm làm trái ý hoàng đế. Mặc dù vậy, trước khi mất, vua Tự Đức để lại di chiếu tôn phong bà làm Khiêm hoàng hậu. Năm 1887, hoàng đế Đồng Khánh cho đúc kim sách tấn tôn bà làm Trang Ý hoàng hậu.
Kim sách bằng vàng niên hiệu Hàm Nghi thứ 1 (1885)
Kim sách bằng bạc mạ vàng niên hiệu Bảo Đại thứ 9 (1934). Hoàng đế Bảo Đại phong lập hoàng hậu Nam Phương
Bảo vật quốc gia
Khi thực hiện cuộc trưng bày này, ban tổ chức cũng tham khảo tài liệu Trung Quốc về kim sách để so sánh. “Sơ qua chỉ thấy nhắc nhiều đến bộ sách vàng nhà Thanh ban/dâng cho Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Tây Tạng. Nhưng hình thức bộ sách này hoàn toàn khác kim sách triều Nguyễn. Ở ta đóng thành quyển có gáy, có bìa và ruột, đúng là quyển. Bộ sách kia lại liên kết các tờ bằng bản lề, xếp mở tương tự như bộ bình phong. Cũng có tài liệu nói về quy chế kim sách nhà Thanh dùng để sách lập hoàng tử, hoàng hậu, thân vương nhưng lại không thấy hình ảnh hiện vật chứng minh”.
Theo ông Hữu, ở VN, thư tịch cổ cho thấy việc đúc và ban kim sách đã rất phổ biến từ đời vua Lê Thái Tổ, đầu thế kỷ 15. Nếu nhìn sơ qua dễ có cảm giác các cuốn kim sách rất giống nhau dù không phải vậy. Chính vì thế, giải pháp trưng bày kim sách kèm với giới thiệu thêm các hình ảnh phụ trợ giúp người xem dễ phân biệt hơn. Các hình ảnh về vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Nam Phương hoàng hậu... sẽ được giới thiệu kèm với các hiện vật liên quan. Người xem có thể xem các thông tin này qua màn hình cảm ứng lắp đặt ngay tại khu vực trưng bày.
“Tuy kim sách chưa được làm hồ sơ bảo vật quốc gia, nhưng nếu làm chắc chắn sẽ được công nhận danh hiệu. Có lẽ vì Bảo tàng Lịch sử quốc gia có quá nhiều bảo vật nên chưa làm hồ sơ cho kim sách thôi”, một chuyên gia về kim bảo ngọc tỷ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.