Kiều Thanh, Pha Lê phát ngôn 'bênh 2 nghệ sĩ' qua phân tích của một tiến sĩ

06/07/2022 12:10 GMT+7

PGS.TS Nguyễn Phương Mai - từng có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa - đã bày tỏ ý kiến không đồng tình trước phát ngôn "vơ đũa cả nắm" của ca sĩ Pha Lê, diễn viên Kiều Thanh về vụ hai nghệ sĩ Việt bị cáo buộc cưỡng dâm.

Liên quan đến vụ việc 2 nghệ sĩ Việt Nam bị cáo buộc cưỡng dâm tại Tây Ban Nha, một số diễn viên, ca sĩ trong nước đã có những phát biểu phản cảm, đi ngược chuẩn mực đạo đức, cũng như thể hiện sự cổ xúy cho các hành vi vi phạm pháp luật (ngoại tình, mua bán dâm...).

Ca sĩ Pha Lê (trái) và diễn viên Kiều Thanh

fbnv

Diễn viên Kiều Thanh viết trên trang cá nhân: "Đàn ông đi nước ngoài ông nào chẳng thử "dâu ngô" (râu ngô) một tí. Không chủ động thì cũng bị tác động bởi bạn bè hoặc người hâm mộ mời, tặng (đây là văn hóa đàn ông)!". Diễn viên Kim Oanh lại bày tỏ sự thách thức: "Tất cả chúng ta đều là những con người không hoàn hảo sống trong một thế giới không hoàn hảo. Vậy nên tôi bênh các bạn tôi đấy, tôi bênh đồng nghiệp của tôi đấy. Thì sao? Các bạn tôi làm đúng tôi cũng bênh, làm sai tôi cũng bênh, bênh ngu tôi cũng bênh đấy. Thì sao?... Hổ báo sa cơ không nhờ chó mèo phân xử...". Còn ca sĩ Pha Lê thì viết: "Đàn ông mà không chơi gái mới là lạ, đen thôi, đỏ quên đi, không có gì phải sốc hết. Thế mới là đời!".

Ảnh chụp màn hình facebook ca sĩ Pha Lê và nghệ sĩ Kiều Thanh

Phải nói, tất cả những quan điểm sai trái một cách "lạ lùng" của những nữ nghệ sĩ này đều đã bị dư luận xã hội, cộng đồng mạng lên tiếng chỉ trích, phê phán nặng nề.

Trước những quan điểm không đúng của các nghệ sĩ trên, PGS.TS Nguyễn Phương Mai - giảng dạy và nghiên cứu Giao tiếp/Quản Trị đa văn hóa tại Khoa Kinh tế thuộc ĐH Khoa Học Ứng Dụng Amsterdam Hà Lan, từng có một thời gian dài làm báo trước khi bước vào sự nghiệp học thuật, ra mắt nhiều cuốn sách tại Việt Nam, đã lên tiếng phản bác với nhiều lập luận, phê bình thuyết phục đông đảo cộng đồng mạng.

Chị viết: "Việc hai nghệ sĩ Việt Nam bị tố hiếp dâm ở Tây Ban Nha, chúng ta có lẽ không nên kết tội vội vàng, với cả hai anh lẫn cô gái liên quan.

Tuy nhiên, điều đáng sợ nhất là những phát ngôn của một số người làm nghệ thuật cho rằng 'đàn ông mà không chơi gái mới là lạ' (ca sĩ Pha Lê) và 'đi Tây đàn ông nào chẳng muốn thử dâu ngô' (NSƯT - diễn viên Kiều Thanh).

Nếu là một người đàn ông văn minh, hiếm ai có thể thấy những phát ngôn trên ổn thỏa.

Trước hết, đó là cách 'vơ đũa cả nắm', gộp mấy chục triệu đàn ông Việt Nam vào một rọ. Phát ngôn ấy cho rằng sự lang chạ, ngoại tình, ăn vụng bên ngoài, đi tìm của lạ là một phần BẢN CHẤT của tất cả đàn ông. Ai không có chắc có lẽ không phải đàn ông đích thực.

Đó cũng là tư tưởng coi thường đàn ông, đặt họ ở tầm bản năng thay vì bản lĩnh, nhìn họ như những con đực đói sex.

Nó gạt ra ngoài những người đàn ông văn minh, chung thủy, những người đàn ông theo đuổi những giá trị khác biệt hơn là sự phồn thực nông nổi của thịt da.

Nó cũng gạt ra ngoài những người đàn ông trưởng thành, chín chắn, có lý trí, có khả năng kiểm soát bản thân, biết nhìn nhận ham muốn nhưng cũng biết điểm dừng để tôn trọng chính mình và những người mình yêu thương.

Là con người, chúng ta ai cũng có những góc khuất, những ý nghĩ tội lỗi, những khi phần 'con' chiến thắng phần 'người'.

Cái sự 'ngoại tình', 'trà xanh tiểu tam' hay đi tìm của lạ cũng vậy. Một khi không có sự đồng thuận của bạn tình hay vợ chồng thì đó là sự lừa dối. Mà lừa dối là SAI.

Ta có thể lắng nghe, thấu hiểu, cảm thông. Đôi khi ta thậm chí có thể im lặng và che giấu cho một người lang chạ. Ta làm được bởi ta hiểu mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Bởi ta hiểu những lắt léo của mỗi phận người. Bởi ta hiểu chính ta cũng sẽ có lúc yếu lòng hoặc lầm lỗi. Bởi ta biết không ai là hoàn hảo.

Nhưng SAI vẫn là SAI.

Ta không nên biến sai thành đúng, biến đen thành trắng, bình thường hóa chuyện lang chạ, bình thường hóa chuyện lừa dối, đổi màu cái sự ngoại tình, 'thử của lạ' và gian dâm thành một nét văn hóa (đàn ông), đổi màu sự bê tha, buông thả thành bản chất giống loài (đàn ông), đánh tráo khái niệm để định nghĩa lại thế nào là con người có lý trí.

Một cách dễ dàng để nhìn ra định kiến giới là #hoandoigioitinh (hoán đổi giới tính - một nghiên cứu của tác giả trước đây - PV). Thử hỏi có nghệ sĩ nổi tiếng nào dám tuyên bố rằng 'ngoại tình' là văn hóa của đàn bà? Rằng phụ nữ ở nhà ăn khoai lang mãi cũng chán nên đi nước ngoài bà nào chả muốn thử khoai tây? Thử hỏi có ai hạ thấp lý trí và bản lĩnh của phụ nữ như vậy không?

Đàn ông cũng là người. Bản chất của chữ 'đàn ông' không nhất thiết phải là xấu xí. Họ xứng đáng được tôn trọng và đánh giá theo một thang điểm công bằng, văn minh hơn.

Những phát ngôn như trên không những coi thường đàn ông mà còn làm hại chính phụ nữ.

Nó gián tiếp biến phụ nữ thành nạn nhân. Nếu bị tấn công tình dục, họ là người phải chịu trách nhiệm vì không bảo vệ được mình. Họ sẽ bị đổ lỗi cho nạn nhân. Ví dụ: đã biết đàn ông ai cũng chơi gái rồi mà sao mày lại ăn mặc hở hang, đồng ý đi cùng, đồng ý nói chuyện? Bị hiếp là đáng.

Việc bình thường hóa tội gian dâm của đàn ông biến các bà vợ thành nạn nhân tiềm năng. Họ chỉ có thể chịu đựng mà không thể lên tiếng, vì ĐÀN ÔNG AI CHẢ THẾ?".

Dưới bài đăng của PGS.TS Nguyễn Phương Mai, nhiều người đọc đã để lại những bình luận: "Chính xác. Những phát ngôn của diễn viên Kiều Thanh, ca sĩ Pha Lê như vậy chỉ thể hiện sự thiếu tôn trọng chính bản thân phụ nữ mà thôi. Và thể hiện trình độ văn hóa, tinh thần thượng tôn pháp luật rất kém". Một bạn nữ bày tỏ: "Rất ủng hộ bài viết của chị! Đàn ông có những thứ cần theo đuổi hơn là vẻ đẹp phồn thực xác thịt! Thời đại giờ đã khác rồi, đừng đánh giá nhau quá thấp rồi tự chấp nhận đó là điều dĩ nhiên!".

Với các thông tin được xác nhận từ các cơ quan chức năng, đến nay, nhiều thông tin đã xác nhận hai công dân Việt Nam bị cáo buộc là diễn viên Hồng Đăng và nhạc sĩ Hồ Hoài Anh nhưng vẫn đang là "nghi vấn phạm tội", do chưa có kết luận của nước sở tại

t.l

Tung tin giả 'diễn viên Hồng Đăng về Việt Nam' có thể bị xử lý thế nào?

Một bạn nam bình luận: "Ngày xưa non trẻ mình cũng từng nghĩ đàn ông thì phải ham của lạ, lớn lên 1 tí thì mình thấy lối suy nghĩ đó dẫn đến 2 hệ luỵ. Thứ nhất: nó dẫn tới việc cả bản thân mình và đàn ông đều xem thường sự chung thủy, xem chuyện ngoại tình là bình thường. Thứ 2, nó dẫn đến việc bản thân mình tự xem thường chính mình và đàn ông. Từ đó, mình không bao giờ xem việc 'đàn ông ham của lạ' là đúng. Thật ra nó vô đạo đức và cần lên án"; hay như: "Mình là đàn ông mà đọc quan điểm của hai nghệ sĩ Kiều Thanh, Pha Lê này cũng thấy chướng mắt nữa, chả ra cái thể thống gì".

Rất đông khán giả cho biết cảm thấy thuyết phục bởi những quan điểm mà PGS.TS Nguyễn Phương Mai đã nêu ra, trong đó có ý kiến: "Thấy các nghệ sĩ lập luận để bênh nhau kỳ ghê. Phát ngôn của họ phô diễn nhận thức tầm thường của họ. Thật đáng thất vọng. Các nghệ sĩ cứ im đi thì sự việc có khi lại lắng lại, chờ kết quả xét xử. Mấy kiểu giải cứu bất chấp thế này, 'vơ đũa cả nắm' càng hại nhau thêm".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.