Kiểu chào hỏi… lè lưỡi Tây Tạng và một số phong tục độc đáo ở châu Á

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
12/01/2022 15:53 GMT+7

Đối với một số quốc gia, việc bắt tay được coi là lời chào trân trọng và nồng nhiệt, song ở những nơi khác trên thế giới thì cách chào hỏi khá đa dạng trong đó có kiểu chào hỏi… lè lưỡi đặc biệt ở Tây Tạng.

Ở Thái Lan người ta chào hỏi nhau bằng cách chắp hai bàn tay lại như thể đang cầu nguyện và hơi cúi đầu. Cử chỉ này được cho là có từ thế kỷ 12, ban đầu nhằm mục đích cho thấy rằng người chào không cầm vũ khí trong tay. Vị trí bàn tay và độ sâu của việc cúi chào thay đổi tùy theo tuổi và địa vị của người được chào. Đối với người ngang bằng thì đặt đầu những ngón tay ở dưới cằm, với người cao niên thì đặt trước mũi, còn người có địa vị cao thì đặt ngang tầm mắt. Phụ nữ có thể cúi đầu nhẹ và khụy chân (hơi cong đầu gối). Sự tôn kính cao nhất dành cho các nhà sư hoặc hoàng gia, người chào cúi đầu cho đến khi ngón tay cái ở giữa lông mày và lòng bàn tay trước ngực.

Cách chào chạm mũi ở Oman

Joetourist

Hai cách chào ở Đông Nam Á

sea.mashable.com

Theo nghi thức chào ở Ấn Độ, Nepal, Campuchia, Lào… người ta thường chắp hai bàn tay vào nhau giống như tư thế cầu nguyện ở Thái Lan, song chỉ cần để hai bàn tay hướng lên ngang bằng trái tim hoặc cao hơn, hai ngón cái chạm vào ngực, rồi hơi cúi đầu về phía trước để chào. Nếu ở Ấn Độ và Nepal, ta có thể nghe thấy lời chào bằng cụm từ “namaste”; trong tiếng Phạn thuật ngữ này có nghĩa là "tôi cúi đầu chào bạn", còn được coi là dấu hiệu của sự tôn trọng và biết ơn. Đôi khi người chào chỉ cần nói “namaste” mà không thực hiện cử chỉ hoặc dùng cử chỉ để thay lời nói. Cách chào namaste cũng thường được sử dụng trong những buổi tập yoga, đây là cách vô cùng trân trọng mà những người tập yoga đối với nhau.

Ở Miến Điện, cách chào nhìn chung có thể giống như trên hoặc chào theo truyền thống là đặt cả hai tay lên bụng. Khi chào các nhà sư, người ta thường chắp hai bàn tay lại và cúi đầu. Một cách chào trang trọng khác gọi là "Min-ga-la-ba". Đây là cách bắt tay, tay còn lại đỡ cùi chỏ, một số người Miến Điện, đặc biệt là ở thành phố, thường chào nhau bằng cách này.

Tại Nhật Bản, nghi thức chào cũng là cúi đầu, cúi càng sâu thì mức độ tôn trọng càng cao hơn (90 độ là mức tối đa), song người Nhật không sử dụng bàn tay cầu nguyện. Theo đúng cách thì nam giới đặt tay ở hai bên hông, còn nữ giới đặt tay trên đùi. Đối với thế hệ trẻ, việc cúi đầu (giống như một cái gật đầu, nhưng rõ ràng hơn) đang trở thành một chuẩn mực mới.

Người dân Philippines lại có một cách chào đặc biệt độc đáo khác để thể hiện sự tôn kính. Họ nắm lấy tay người lớn tuổi và ấn nhẹ vào trán của họ. Còn ở Ấn Độ thì người dân địa phương chạm vào chân người cao tuổi để thể hiện sự tôn trọng.

Ở Tây Tạng, lè lưỡi là một cách chào đón mọi người. Cách chào truyền thống này có nguyên nhân từ thế kỷ thứ 9. Mọi chuyện bắt đầu từ các nhà sư, họ thường lè lưỡi để chứng tỏ rằng họ đến trong hòa bình, không phải là hóa thân của vua Lang Darma tàn ác, người có cái lưỡi đen.

Lè lưỡi là cách chào ở Tây Tạng

opodo.co.uk

Đặt tay lên trái tim là cách chào truyền thống của người Malaysia. Đây là một nghi thức trang trọng, ẩn chứa một tình cảm đặc biệt đáng yêu đằng sau nó. Người chào nhẹ nhàng nắm lấy tay của người đối diện, sau đó thả tay họ ra rồi đưa tay lên ngực mình, gật nhẹ đầu để tượng trưng cho thiện chí và trái tim rộng mở. Cần lưu ý rằng nam giới nên đợi phụ nữ địa phương chìa tay ra, nếu họ không làm như thế thì người nam đặt tay lên ngực, gật đầu nhẹ là đủ.

Người Trung Quốc có xu hướng bảo thủ hơn. Khi gặp ai đó lần đầu tiên, họ thường gật đầu và mỉm cười, còn bắt tay thì trong tình huống trang trọng.

Ở Sri Lanka, người ta đan hai bàn tay vào nhau, đặt dưới cằm và hơi cúi đầu, đồng thời nói “Ayubowan”. Từ này có nghĩa đen là chúc bạn sống lâu, song lại có nghĩa rộng hơn là cầu chúc cho nhau sự thịnh vượng và hạnh phúc (cầu mong bạn luôn an khang trong cuộc sống).

Người Mông Cổ lại có một cách chào độc đáo khác, đó là zolgokh, thường được thực hiện vào ngày đầu năm mới cũng như trong một lễ kỷ niệm cổ xưa gọi là Tsagaan. Họ tặng nhau khăn quàng cổ (khadag) rồi hai người dang rộng vòng tay, ôm lấy khuỷu tay nhau (cánh tay người trẻ hơn ở phía dưới) và có thể hôn lên má nhau.

Nhiều nước khác cũng thích chào bằng cách hôn lên má. Ở các nước Ả Rập, bạn bè hoặc đồng nghiệp nam thân thiết ôm và hôn cả hai má. Họ chỉ bắt tay bằng tay phải, lâu hơn nhưng không chắc chắn như ở phương Tây. Việc tiếp xúc giữa những người khác giới ở nơi công cộng bị coi là khiêu dâm. Không đề nghị bắt tay người khác phái.

Cách chào truyền thống ở Nhật Bản

T.L

Ở Oman có cách chào khá lạ, đàn ông chạm mũi vào nhau; còn ở Uzbekistan, nam giới chào nhau bằng cách đặt tay phải trên ngực và nói lời chào truyền thống của người Hồi giáo: “Assalomu Alaykum” (hòa bình sẽ đến với bạn) hoặc “Salom” (xin chào). Phụ nữ chào đàn ông theo cách tương tự và thường giữ khoảng cách. Tuy nhiên, họ chào nhau và chào trẻ em thì lại khác. Phụ nữ đặt tay phải của họ lên vai trái của người được chào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.