Kiến nghị kiểm soát giá thực phẩm chức năng

05/05/2017 19:57 GMT+7

Tại tọa đàm về quản lý thực phẩm chức năng ngày 5.5, các đại biểu cho rằng, cần xem xét quy định kiểm soát giá , không chấp nhận thực phẩm chức năng bị đẩy lên quá mức bởi kinh doanh đa cấp.

Tọa đàm về quản lý thực phẩm chức năng đã được Hiệp hội thực phẩm chức năng tổ chức chiều 5.5 tại Hà Nội. Ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng cho biết, từ chỗ chỉ có 60 sản phẩm thực phẩm chức năng của 15 cơ sở sản xuất trong nước (năm 2000), hiện đã lên đến 3.600 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh với khoảng 6.800 sản phẩm lưu hành. Thực phẩm chức năng đã được bán ở khắp nơi, khoảng 90% nhà thuốc có bày bán; 63/63 tỉnh thành có người sử dụng; từ trẻ em đến người già, người khỏe đến người ốm đều dùng thực phẩm này.
Bác sĩ, luật sư Nguyễn Hưng Củng, Tổng thư ký Hiệp hội thực phẩm chức năng cho rằng, thực phẩm chức năng đang bùng nổ nhưng chưa được kiểm soát đầy đủ. Chúng ta có quản lý từ Chính phủ, ngành y tế, Bộ Công thương, tuy nhiên, trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật, có thể tồn tại một số kẽ hở để doanh nghiệp lách luật. Thực phẩm chức năng bản chất là tốt, nhưng tại Việt Nam lại biến tướng thành đa cấp, bất chính.
Ông Hưng Củng cho rằng, việc hơn 90% các công ty kinh doanh bán hàng đa cấp bán thực phẩm thức năng đã khiến sản phẩm này bị vạ lây, chính vì vậy, chúng ta cần tìm ra kẽ hở, góp ý đề xuất để chặn các kẽ hở, góp phần quản lý tốt hơn, không để thực phẩm chức năng đi ngoài luồng quản lý của Nhà nước. Trước xu thế thương mại hóa thực phẩm chức năng đang tăng mạnh, cần xem xét quy định về giá, không để bị đẩy lên quá mức. 
Ông Hưng Củng cũng nêu ý kiến, Việt Nam có 4.000 dược liệu, khoáng vật có thể làm thuốc, sản xuất thực phẩm chức năng, nhưng cần quản lý chặt hơn để các doanh nghiệp thực hiện các quy định thật nghiêm ngặt về chất lượng nguyên liệu đầu vào, đến quy trình sản xuất, thiết bị chuẩn, lưu thông phân phối.
Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), trong số các sản phẩm thực phẩm chức năng có mặt tại Việt Nam, 43% là sản phẩm nhập khẩu; 57% sản xuất trong nước. Dự kiến, từ 2018, các doanh nghiệp phải đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt, mới được sản xuất thực phẩm chức năng. Hiện vẫn còn nhiều cở sở sản xuất nhỏ, rất khó đảm bảo chất lượng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.