Kiến nghị Bộ Chính trị xem xét 2 phương án nghị quyết phát triển nông nghiệp, nông thôn

19/01/2022 19:33 GMT+7

Ban Chỉ đạo T.Ư tổng kết Nghị quyết 26 kiến nghị Bộ Chính trị xem xét, trình Ban Chấp hành T.Ư Đảng ban hành nghị quyết mới phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo 2 phương án, có nhấn mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái .

Đến năm 2030, thu nhập nông dân gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020

Tại hội nghị góp ý dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26) do Ban Kinh tế T.Ư tổ chức hôm nay 19.1, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng ban Ban Kinh tế T.Ư, thay mặt Ban Chỉ đạo T.Ư tổng kết Nghị quyết 26, đã thông tin một nghị quyết mới về nông nghiệp, nông thôn, nông dân đang được xây dựng thay thế cho Nghị quyết 26 hiện nay.

Ông Nguyễn Duy Hưng thông tin về định hướng xây dựng nghị quyết mới về nông nghiệp, nông thôn, nông dân sẽ thay thế cho Nghị quyết 26 hiện nay

Thành Trung

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Ban Chỉ đạo đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, ngành nông nghiệp duy trì tăng trưởng GDP khoảng 3%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp đạt bình quân từ 5,5 - 6 %/năm giai đoạn 2021 - 2030. Các ngành công nghiệp, dịch vụ nông thôn tăng trưởng trên 10%/năm. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn khoảng 15%...

Bên cạnh đó, nghị quyết mới được xây dựng tiếp tục khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược lâu dài trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và người dân nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. “Nông dân, người dân nông thôn là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển; là lực lượng quyết định sự nghiệp phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới phồn vinh.

Nghị quyết mới đồng thời nhấn mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển nền nông nghiệp sinh thái, giảm phát thải và thích ứng biến đổi khí hậu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn phải chú trọng cơ cấu lại lao động, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn theo hướng “ly nông bất ly hương”.

Ông Hưng cũng cho biết, Ban Chỉ đạo đã kiến nghị Bộ Chính trị xem xét, trình Ban Chấp hành T.Ư Đảng ban hành nghị quyết mới với tên gọi theo 2 phương án:

Phương án 1: Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phương án 2: Nghị quyết hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII về nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại.

Bổ sung chỉ tiêu xuất khẩu nông sản đạt 80 tỉ USD

Được mời phát biểu chốt lại phần thảo luận tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng phải nhìn nhận nông nghiệp, nông thôn là thế mạnh, dư địa rất lớn trong nền kinh tế Việt Nam.

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường góp ý vào dự thảo báo cáo tổng kết Nghị quyết 26

Thành Trung

Theo ông Cường, nếu đặt mục tiêu Việt Nam là cường quốc về nông sản nghĩa là nông nghiệp phải tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và cần tận dụng được các thông tin dự báo hiện nay.

Thứ nhất, dân số toàn cầu tiếp tục tăng, nhu cầu “ăn” rất lớn, cần nhiều nông sản, thực phẩm.

Thứ hai, tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc, Ấn Độ tăng nhanh và đây là thị trường lớn để cung cứng nông sản.

Thứ ba, nhiều quốc gia trên thế giới có tốc độ đô thị hóa cao nhưng Việt Nam vẫn giữ được nông thôn, đây chính là lợi thế rất lớn phát triển du lịch xanh.

Theo đó, ông Cường đề nghị chỉ tiêu tăng thu nhập nông dân phải tăng ít nhất là 3 lần.

Để khẳng định vị thế Việt Nam là cường quốc nông nghiệp, ông Cường kiến nghị dự thảo báo cáo cần bổ sung chỉ tiêu xuất khẩu nông sản đến năm 2030 đạt 80 tỉ USD.

"Xuất khẩu nông sản Việt Nam năm nay đạt 48,6 tỉ USD. Những năm gần đây, tốc độ xuất khẩu nông sản đều tăng 3,3 tỉ USD/năm nên chỉ tiêu này hoàn toàn có cơ sở", ông Cường nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.