Kiến giải nguồn gốc người Việt

Ngọc An
Ngọc An
19/08/2019 06:17 GMT+7

Những tranh cãi về nguồn gốc người Việt tiếp tục dấy lên khi một nghiên cứu về bộ gien của người Việt mới được công bố, trong đó đưa ra kết quả bộ gien của người Việt độc lập với người Hán, và người Việt có thể khởi nguồn từ châu Phi.

Hôm 17.8 tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm Nguồn gốc người Việt: Kiến giải những huyền thoại chia sẻ về chủ đề nguồn gốc người Việt, từ khảo cổ học đến khảo cổ tri thức (do Tạp chí Tia Sáng tổ chức).

Người Việt có nguồn gốc châu Phi ?

Tạp chí di truyền quốc tế Human Mutation (IF 4,5) vừa công bố nghiên cứu về bộ gien của người Việt do Viện Nghiên cứu tế bào gốc - công nghệ gien Vinmec (VRISG) thực hiện, người đứng đầu chủ nhiệm đề tài nghiên cứu là GS-TS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện VRISG.
Nghiên cứu được thực hiện độc lập tại VRISG bắt đầu từ tháng 12.2016 - 3.2019. Trong đó, một nhóm nhà khoa học do GS-TS Nguyễn Thanh Liêm đứng đầu đã thu thập mẫu gien của 305 người có 3 đời là người Kinh và không mắc các bệnh di truyền, thực hiện giải trình tự gien trên hệ thống máy giải trình tự hiện đại của Illumina, Mỹ (Hiseq 4000).
Theo kết quả, khi so sánh với các cộng đồng người xung quanh, nhóm nghiên cứu đã phát hiện người Đông Nam Á hiện tại, bao gồm người Kinh ở VN có nguồn gốc từ người Đông Nam Á cổ đại. Trong khi đó, sự giao thoa và dịch chuyển gien từ các quần thể người Đông Á đến quần thể người Kinh là không đáng kể. Cụ thể, người Kinh và người Thái có hệ gien tương đồng cao và quan hệ tiến hóa gần gũi, nhưng lại độc lập với người Hán.

Phải có sự nghiên cứu đa ngành, liên ngành khoa học từ lịch sử, ngôn ngữ, địa lý đến khảo cổ học, kết hợp nghiên cứu gien... mới dần le lói câu trả lời cho câu hỏi chúng ta là ai, chúng ta từ đâu đến

PGS-TS Nông Văn Hải

Những kết quả của nghiên cứu này ủng hộ giả thuyết về việc người Việt có nguồn gốc từ nhóm người di cư từ châu Phi hàng trăm ngàn năm trước, và đến cư trú tại Đông Nam Á trong đó có VN, sau đó tiếp tục di cư lên các nước Đông Á.

Cần nghiên cứu liên ngành

Tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Việt (Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á), chuyên gia nghiên cứu khảo cổ học về Đông Sơn, tiền Đông Sơn, đã đưa ra các luận điểm phản bác lại kết luận của nghiên cứu nói trên. Ông lấy “lát cắt” khoảng 4.000 năm trước với việc phát hiện khu mộ táng ở di chỉ Mán Bạc (Yên Mô, Ninh Bình) tương đương giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên để nhìn nhận về bức tranh ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện dân cư chúng ta hiện nay.
Theo TS Việt, các chứng cứ khảo cổ học đã chứng minh, từ thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên, qua Đồng Đậu, Gò Mun, đến Đông Sơn là quá trình phát triển liên tục của người Việt cổ với phương thức mưu sinh săn bắt, hái lượm, trồng trọt. Ông cho rằng khoảng 500 năm trước Công nguyên ghi nhận nhiều những thay đổi, trong đó có việc di cư. Những biến động ở thời đại Chiến quốc đã tạo nên những cuộc di cư từ phương Bắc xuống, dẫn đến việc tại đây hình thành mô hình nhà nước sơ khai đầu tiên học theo lối tổ chức bộ máy nhà nước của Trung Nguyên. Theo TS Việt, việc nghiên cứu, phát triển gien học là đúng hướng, tuy nhiên còn quá nhiều vấn đề cần phải làm rõ.
Với những kiến giải theo khảo cổ học tri thức, TS Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN), nhà nghiên cứu Hán Nôm và cổ sử VN, không đưa ra câu trả lời ai đúng ai sai, mà để ngỏ câu trả lời. “Chúng ta đang trượt giữa những khung khổ tư duy khác nhau. Những tri thức lịch sử đã “găm” vào đầu chúng ta là những sản phẩm đã được kiến tạo qua các thời kỳ khác nhau”, ông nói.
Ông Dương ví dụ, trong cuốn Dư địa chí viết năm 1435, Nguyễn Trãi đã để Triệu Đà là người mở ra triều đại đầu tiên ở VN. Nhưng chỉ khoảng hơn 40 năm sau, năm 1479, Ngô Sĩ Liên vâng mệnh vua Lê Thánh Tông nhằm kéo dài và củng cố tính chính thống trong lịch sử của nhà Lê dưới hệ tư tưởng Nho giáo đã mở rộng chiều dài lịch sử vượt qua của triều đại Triệu Đà, Hùng Vương, Kinh Dương Vương tới Thần Nông. Điều này cho thấy việc nhìn nhận “sự thật lịch sử” còn cần đặt trong bối cảnh thời kỳ lịch sử với những hệ tư tưởng, quyền lực... khác nhau. TS Trần Trọng Dương cũng lấy ví dụ về việc nhìn nhân vật lịch sử Triệu Đà: “Qua các thời kỳ khác nhau, dưới các ý thức hệ khác nhau, dưới các quyền lực khác nhau, diễn ngôn khác nhau, dưới các hoàn cảnh, Triệu Đà luôn được kiến tạo, nhận thức, tái nhận thức nhằm cho các khuôn khổ ý thức hệ từng thời kỳ”.
PGS-TS Nông Văn Hải (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hệ gien, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ VN), cho rằng việc lý giải nguồn gốc người Việt rất phức tạp. “Ngay cả người Trung Quốc hay người Thái cũng đang nghiên cứu về nguồn gốc của mình”, ông nói và nhìn nhận: “Đây là vấn đề rất hay nhưng cũng rất phức tạp, phải có sự nghiên cứu đa ngành, liên ngành khoa học từ lịch sử, ngôn ngữ, địa lý đến khảo cổ học, kết hợp nghiên cứu gien... mới dần le lói câu trả lời cho câu hỏi chúng ta là ai, chúng ta từ đâu đến”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.