Kiểm tra chặt việc khai thác cát sông

16/05/2017 07:04 GMT+7

Ngày 15.5, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã làm việc với lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL về tình hình sạt lở ven sông, ven biển diễn ra liên tục trong thời gian gần đây ở khu vực này.

Sáng 15.5, Phó thủ tướng thị sát khu vực sạt lở sông Vàm Nao, đoạn chảy qua ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông (Chợ Mới, An Giang) làm 15 căn nhà, 2 nền nhà rơi xuống sông vào ngày 22.4; thăm hỏi, chia sẻ với 16 hộ dân bị mất đất, mất nhà. Phó thủ tướng cũng đã đến điểm Trường tiểu học “A” Mỹ Hội Đông thăm hỏi các hộ dân trong vùng sạt lở đặc biệt nguy hiểm đang di dời đến đây ở tạm.
Chiều cùng ngày, Phó thủ tướng đã làm việc với các bộ, ngành về tình hình sạt lở ở các tỉnh vùng ĐBSCL. Ông Trần Quang Hoài, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, cho biết vùng ĐBSCL có trên 500 điểm sạt lở, thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng ở vùng biển như Gành Hào (Bạc Liêu), ở xã Đất Mũi (Cà Mau), sạt lở sông Vàm Nao ở An Giang và sạt lở sông Hậu ở Đồng Tháp…
Theo ông Hoài, sạt lở do nhiều nguyên nhân như khai thác cát sỏi trái phép; chặt phá rừng, khai thác tài nguyên vùng đầu nguồn; nước biển dâng, sụt lún đất do khai thác nước ngầm; thay đổi phân lưu sông Tiền, sông Hậu; mất cân bằng bùn cát, địa chất vùng ĐBSCL mềm yếu... Ông Hoài kiến nghị giao Bộ TN-MT rà soát các hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông, ven biển, trên cơ sở đó tổng hợp đề xuất báo Thủ tướng Chính phủ.
Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, kiến nghị nên có giải pháp như quan trắc thường xuyên lòng sông; chấn chỉnh tình hình khai thác cát… Còn ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đề xuất Bộ Xây dựng nên nghiên cứu có tiêu chuẩn chọn vật liệu thay thế cát nước ngọt, cát xây lắp… không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu về cát.
Kết thúc buổi làm việc, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo tỉnh An Giang trong việc di dời hàng trăm hộ dân ở khu vực sạt lở sông Vàm Nao ra khỏi vùng nguy hiểm. Phó thủ tướng nhận định một trong những nguyên nhân sạt lở có khai thác cát xây dựng công trình, khai thác cát công trình thượng nguồn mà không có trách nhiệm ảnh hưởng rất lớn đến vùng hạ nguồn. Phó thủ tướng cũng cho rằng biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, trong khi đó chúng ta chưa có các kịch bản hay giải pháp đồng bộ ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển, đặc biệt là vùng ĐBSCL. Phó thủ tướng nhấn mạnh ở các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, phải theo dõi chặt chẽ, đặc biệt có quan trắc cảnh báo di dân và tài sản kịp thời.
Phó thủ tướng đề nghị địa phương cần huy động lực lượng kiểm tra chặt chẽ việc khai thác cát sông, rà soát việc cấp phép khai thác cát sỏi, những nơi đã cấp phép rồi thì xem lại có ảnh hưởng bờ sông, bờ biển không. Địa phương nên rà soát lại quy hoạch kinh tế - xã hội, đặc biệt là quy hoạch xây dựng khu đô thị dân cư nông thôn, tuyên truyền nâng cao kiến thức cho người dân và cán bộ trong việc phòng chống thiên tai, trong đó có sạt lở bờ sông.
Cần Thơ đóng cửa các mỏ cát
Ngày 15.5, ông Nguyễn Chí Kiên, Phó giám đốc Sở TN-MT Cần Thơ, cho biết Sở đã có thông báo đóng cửa 2 mỏ cát còn lại trên địa bàn để chuẩn bị thực hiện theo quy hoạch khai thác khoáng sản của thành phố. Cả 2 mỏ cát này được cấp phép khai thác trên sông Hậu, đoạn gần P.Tân Lộc, Q.Thốt Nốt, trong đó 1 mỏ sẽ hết hạn vào tháng 6.2017, mỏ còn lại hết hạn vào tháng 3.2018.
Cũng liên quan đến khai thác cát, trước đó, ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, cho biết TP.Cần Thơ sẽ đề xuất Bộ TN-MT xem xét cũng như có các giải pháp quản lý khai thác cát đồng bộ cho cả khu vực, trên cơ sở xem xét tác động của từng hệ thống sông.
* Khoảng 21 giờ ngày 14.5, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Vĩnh Long kiểm tra hoạt động khai thác cát trên sông Tiền, đoạn qua xã Đồng Phú, H.Long Hồ, bắt quả tang sà lan số hiệu TG-12777, do Lý Văn Huỳnh (34 tuổi) điều khiển và sà lan không số hiệu do ông Nguyễn Văn Hết (38 tuổi, cùng ngụ xã An Cư, H.Cái Bè, Tiền Giang) điều khiển, đang dùng máy bơm công suất lớn để hút cát sông trái phép.
Đình Tuyển - Thanh Đức
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.