Kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ 'nghề' hái đọt choại

15/11/2016 11:15 GMT+7

Hàng chục hộ gia đình ở xã Hựu Thạnh (H.Đức Hòa) và xã Lương Bình (H.Bến Lức, Long An) đã thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ “nghề” hái đọt choại bán cho khách qua đường.

Chịu khó là kiếm được tiền
Suốt tuần qua, ngày nào các con của bà Nguyễn Thị Phước (70 tuổi, ngụ ấp 1, xã Lương Bình) cũng vào rừng hái đọt choại (một loại dây leo mọc ở những vùng đất hoang hóa ven sông Vàm Cỏ Đông) về cho mẹ bán.

tin liên quan

Lò bánh pía thủ công, gần 70 năm quyết giữ nghề
Lò bánh Mỹ Hiệp Thành luôn làm bánh với quan niệm “gói cho nhà ăn”. Mỗi ngày, lò bánh không cho ra số lượng quá nhiều để bán đại trà như nhiều lò bánh pía khác ở tỉnh Sóc Trăng nhưng với hương vị độc đáo riêng biệt.
Mỗi khi các con mang bao đọt choại về, bà Phước lại phân thành những bó nhỏ theo yêu cầu của khách, cân xong bà lại bốc một nhúm để tặng thêm. “Mình hái chứ có mua đâu mà sợ lỗ”, bà Phước nói.
Bà Phước kể khoảng 10 năm trước, các con của bà đi làm công nhân, lương cũng kha khá nhưng rồi tiền ở trọ, ăn uống… mỗi tháng còn chẳng bao nhiêu. Ở nhà một mình chẳng biết làm gì, bà bèn ra mấy miếng biền ven sông Vàm Cỏ Đông hái đọt choại đem ra ven lộ bán 5.000 đồng/kg.
Không ngờ “làm chơi, ăn thiệt”, khách đi ngang thấy đọt choại là tấp vào mua. Tuy nhiên, do tuổi đã cao, nên mỗi ngày bà chỉ hái được 4 - 5 kg đọt choại, chỉ đủ dành cho khách “mối” mua về tặng người thân, bạn bè.
Thế rồi, nhu cầu càng tăng nên giá cả cũng tăng theo. “Bây giờ giá 1 kg đọt choại lên đến 25.000 đồng, hái bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Mấy đứa con tôi cũng nghỉ làm công nhân về nhà hái đọt choại bán. Trung bình mỗi đứa hái một buổi được 10 kg, 4 đứa cộng lại 40 kg, kiếm được triệu đồng mỗi ngày, ngon ơ”, bà Phước khoe.
Choại thuộc họ dương xỉ, loại dây leo, đọt non thường xoắn tít giống như con cuốn chiếu cuộn mình nên còn gọi là rau tóc quăn. Vị nhạt, nhớt giống như rau đay nhưng hậu ngọt. Choại có nhiều loại, choại rừng toàn thân và lá có màu xanh lẫn chút màu hồng tươi hoặc hồng thẫm. Choại rừng bò đến đâu bám rễ đến đó. Choại vườn thường mọc tự nhiên ở bờ tre hoặc bờ mương, xen lẫn trong vườn tạp, thân cao, to và mập hơn choại rừng. Choại vườn có vị ngọt, giòn, mùi vị hấp dẫn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Lâm (38 tuổi, ngụ ấp 4, xã Hựu Thạnh), để kiếm ra tiền cũng không phải dễ, bởi muốn hái được đọt choại non, cọng to phải lội vào giữa cánh đồng hoang rộng hàng chục héc ta.
Mùa nước nổi phải dùng xuồng đi hái đọt choại, nhưng do không có sẵn kênh rạch nên mọi người phải lội dưới làn nước ngập sâu để kéo xuồng đi. Rồi muốn đến chỗ có nhiều choại, phải vượt qua những lùm cây dại đầy gai nhọn.
Ngoài ra, hôm nào lỡ quên không mang ủng, vắt, đỉa đeo hút máu từ đùi xuống tới bàn chân. Tuy nghề hái đọt choại khổ cực như vậy, nhưng có rất nhiều người theo.
Ông Lâm nói: “Vào mùa mưa, đọt choại ra nhiều, mỗi ngày tôi hái được từ 15 - 20 kg, bỏ túi 400.000 - 500.000 đồng, khỏe hơn đi làm công nhân rất nhiều. Tính ra, tại xã Hựu Thạnh và Lương Bình hiện có vài chục hộ sống bằng nghề này chứ không ít đâu”.
Tuân theo… hương ước
Theo ông Nguyễn Văn Sanh (65 tuổi, ngụ ấp 4, xã Hựu Thạnh), vùng bưng biền ven sông Vàm Cỏ Đông (thuộc khu vực ấp 3 và ấp 4, xã Hựu Thạnh) hoang sơ từ mấy chục năm nay. Trước đây, một số người từ nơi khác đến đây mua đất nhằm “đón gió” quy hoạch, rồi bỏ hoang không sản xuất khiến cây cỏ dại mọc um tùm, nhiều nhất là dây choại.
Mặc dù không ai chăm sóc, bón phân, xịt thuốc; cũng không có ai là chủ của những rừng choại này, nhưng mỗi người đều “xí phần” khoảng vài héc ta cho riêng mình. Ai chọn chỗ nào thì chỉ hái đọt ở đó, không được xâm canh sang phần người khác.
Dù chẳng có quy định cụ thể nào nhưng đây là… hương ước, là… luật bất thành văn mà ai cũng phải tuân theo. “Tuy nhiên, “luật” này chỉ áp dụng cho những người chuyên hái đọt choại bán. Còn người dân nơi khác đến hái về ăn thì… vô tư, hái bao nhiêu cũng được”, ông Sanh cho biết.
Bà Nguyễn Thị Lan (54 tuổi, ngụ ấp 4, xã Thạnh Lợi, H.Bến Lức) nói có một điều khá lạ là mặc dù đám choại vừa được hái xong bữa trước, nhưng hôm sau người khác đến vẫn còn nhiều đọt để hái.
Bởi vậy nên người dân địa phương gọi đọt choại là đọt… ma, hôm nay hái mai lại có. Hay những khi thấy đám choại già cỗi, ít ra đọt non, người ta chỉ cần dùng cây quất một trận cho tơi tả. Vài ngày sau, đám choại ấy sẽ mọc đầy đọt non, mặc sức mà hái.
Bà Lan còn cho biết vài năm gần đây, nhiều khách hàng từ TP.HCM đi xe đời mới đến mua đọt choại với với số lượng mỗi lần hàng chục ký. Ngoài ra, còn có một số gia đình cứ vài tuần lại chạy xe du lịch xuống rồi tự đi hái đọt choại đem đi về TP.HCM để dành ăn dần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.