Kiểm soát quyền lực, tháo 'điểm nghẽn' kinh tế

09/06/2023 04:18 GMT+7

Sáng 8.6, sau phần trả lời chất vấn của 4 bộ trưởng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về nhiều vấn đề "nóng".

Kiểm soát quyền lực

Nêu câu hỏi từ chiều 7.6 khi chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT, đại biểu (ĐB) Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh) đề nghị Phó thủ tướng Lê Minh Khái nêu bài học kinh nghiệm từ các vụ án tại hàng loạt trung tâm đăng kiểm thời gian qua để công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng thực chất, hiệu quả, thay đổi về chất nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu "đánh chuột không để vỡ bình" như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Kiểm soát quyền lực, tháo “điểm nghẽn” kinh tế - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái báo cáo, giải trình một số vấn đề được Quốc hội, cử tri quan tâm

TTXVN

Trả lời ĐB, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nêu việc xử lý các sai phạm đăng kiểm thời gian qua đã rút ra những bài học kinh nghiệm "hết sức quý giá", góp phần làm sâu sắc thêm những bài học kinh nghiệm đã rút ra trong tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng vừa qua.

Phó thủ tướng khẳng định phải sớm rà soát để hoàn thiện cơ chế, chính sách, chức năng, nhiệm vụ của mô hình tổ chức trung tâm đăng kiểm để tách chức năng quản lý nhà nước với dịch vụ đăng kiểm. Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh các sai phạm trong đăng kiểm thời gian dài mới phát hiện cho thấy phải có giải pháp phòng ngừa bằng công khai, minh bạch… Một bài học kinh nghiệm rất quan trọng là phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để kịp thời phát hiện sớm, khi có vi phạm thì phải xử lý nghiêm, như vậy mới đáp ứng được yêu cầu "đập chuột nhưng không vỡ bình".

Phó Thủ tướng nêu bài học chống tham nhũng “đập chuột nhưng không vỡ bình”

ĐB Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) đề nghị Phó thủ tướng cho biết đâu là giải pháp cốt lõi để kiểm soát quyền lực khi tham nhũng, tiêu cực là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực. Và Đảng, Nhà nước cũng xác định đây là vấn đề cốt lõi để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hồi đáp ĐB, Phó thủ tướng nói một trong 8 bài học kinh nghiệm được rút ra khi tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua là: muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả thì phải kiểm soát được quyền lực. Do đó, kiểm soát quyền lực là việc phải làm.

"Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh và yêu cầu phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế", ông Khái nói.

Về giải pháp kiểm soát quyền lực, ông Khái nhấn mạnh trước hết phải hoàn thiện cơ chế để thực thi quyền lực nhà nước theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Cùng với đó là phải tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực và hiệu quả của các cơ quan thanh, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử liên quan tới phòng, chống tham nhũng. Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh giải pháp tăng cường giám sát việc thực thi công vụ của người có chức vụ, quyền hạn thông qua các cơ chế tập trung dân chủ, công khai, minh bạch trách nhiệm giải trình…

"Đặc biệt, đối với những người có chức vụ, quyền hạn phải tự soi, tự sửa, tự rèn luyện", ông Khái nhấn mạnh, đồng thời cho biết cùng với đó kết hợp chặt chẽ các cơ chế giám sát, nhất là giám sát của nhân dân.


Cần có nhiều giải pháp đột phá, hành động cụ thể

Kiểm soát quyền lực, tháo “điểm nghẽn” kinh tế - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn

TTXVN

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã tiếp tục phát huy tích cực tinh thần tận tâm, trách nhiệm của ĐB QH, Chính phủ, Thủ tướng, các phó thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành. Tuy nhiên, trong từng lĩnh vực, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn tồn tại, hạn chế cần phải có quyết tâm cao, có nhiều giải pháp đột phá, hành động quyết liệt, cụ thể, sâu sát để khắc phục trong thời gian tới.

Chủ tịch QH nêu rõ, QH đề nghị Chính phủ, các cấp, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực rõ rệt đối với những vấn đề vừa được chất vấn tại kỳ họp.

"Phiên chất vấn đã kết thúc tốt đẹp nhưng có thành công tốt đẹp hay không còn phụ thuộc vào kết quả thực hiện các cam kết và lời hứa của Chính phủ, các thành viên Chính phủ; đòi hỏi QH, các cơ quan của QH, nhân dân, cử tri giám sát nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp", Chủ tịch QH nhấn mạnh.


Từ góc độ khác, ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng nền công vụ quốc gia muốn hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì hệ thống luật lệ, quy trình phải rõ ràng, đầy đủ. Tuy nhiên, qua 2 ngày chất vấn cho thấy hệ thống luật lệ, quy trình, thể chế vẫn còn vấn đề, nhiều vướng mắc chưa được sửa đổi, xử lý triệt để. Theo ĐB, thực trạng này đã tác động khó khăn đến sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp (DN) và cũng là thách thức không nhỏ cho cán bộ thực thi công vụ. ĐB đề nghị Phó thủ tướng cho biết giải pháp căn cơ.

Trả lời, Phó thủ tướng cho biết hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược nên Chính phủ thời gian qua rất quan tâm. Tại nhiệm kỳ này, mỗi tháng một lần, Chính phủ đều họp để bàn về thể chế để nâng cao chất lượng các chính sách trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH). Phó thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ có nhiều giải pháp như nâng cao chất lượng thẩm định văn bản pháp luật, thực hiện nghiêm luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp chế, lắng nghe phản biện của dư luận xã hội đối với các quy định pháp luật…

Phó thủ tướng nêu giải pháp cho 1,2 triệu tỉ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn

Gỡ khó trái phiếu, hạn chế sở hữu chéo ngân hàng

Nhiều "khúc mắc" của nền kinh tế cũng được các ĐB QH đưa ra chất vấn Phó thủ tướng Lê Minh Khái, từ thị trường bất động sản, trái phiếu DN, sở hữu chéo giữa các ngân hàng cho tới vấn đề lao động mất việc làm, điều hành giá…

ĐB Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) nêu thời gian qua thị trường bất động sản "đóng băng", DN bất động sản khó tiếp cận vốn. Cùng với đó, thị trường trái phiếu DN khủng hoảng, nhiều DN bất động sản chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu, nhất là khi áp lực đáo hạn và trả lãi trái phiếu DN năm 2023 rất lớn.

"Đề nghị Phó thủ tướng cho biết trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này. Quan điểm chỉ đạo và giải pháp căn cơ nào để thúc đẩy phát triển an toàn, lành mạnh thị trường bất động sản và trái phiếu DN?", ĐB chất vấn.

Hồ sơ rất đẹp nhưng vẫn sai phạm

Thêm 1 giờ chất vấn sáng 8.6, song phần đăng đàn của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vẫn rất "nóng" khi các ĐB tiếp tục hỏi về sai phạm đăng kiểm, cấp giấy phép lái xe (GPLX). Trả lời ĐB Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) về sai phạm trong việc đăng kiểm các xe hết niên hạn, trong khi nhiều xe dùng chở học sinh rất nguy hiểm, gây nhiều vụ tai nạn, Bộ trưởng Bộ GTVT thừa nhận do số lượng trung tâm đăng kiểm (TTĐK) "nở rộ" lên tới 281 trung tâm, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, tiêu cực. Nhiều xe hết niên hạn vẫn được đăng kiểm, đưa vào sử dụng.

"Vấn đề này liên quan tham nhũng, tham ô, cấu kết, có vấn đề đạo đức các bộ phận từ lãnh đạo đến cán bộ cấp phòng của Cục Đăng kiểm VN (Bộ GTVT) cấu kết với các TTĐK, đã vô hiệu hóa công tác kiểm tra, giám sát", Bộ trưởng Thắng nói và cho rằng, "khi cấu kết rồi thì không thể lấy đá ghè chân được". Đăng kiểm là hoạt động tương đối khép kín, khi thanh tra vào chỉ kiểm tra được trên hồ sơ. Nhưng sai phạm lại không nằm trên hồ sơ, hồ sơ rất đẹp nhưng vẫn sai phạm. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng thừa nhận có vấn đề lỗ hổng trong hệ thống công nghệ thông tin của đăng kiểm. Dù hệ thống tự động, song phần mềm này bảo mật rất kém, dễ bị lợi dụng, các TTĐK phía dưới sử dụng can thiệp vào. Nếu thanh tra nghiệp vụ bình thường thì không phát hiện được. "Không thể phủ nhận được do thanh tra chưa làm hết trách nhiệm", ông Thắng nêu.

ĐB Lý Văn Huấn (đoàn Thái Nguyên) thì cho rằng thanh tra về đào tạo cấp GPLX tại 63 tỉnh, thành nhưng chỉ phát hiện và chuyển 6 vụ vi phạm cho công an. "Do chất lượng thanh tra giao thông hay do năng lực cán bộ, hay do nể nang, né tránh? Liên quan đến cấp GPLX, một số tỉnh có chuyện "bôi trơn", chống trượt, Bộ trưởng có biết không?", ông Huấn nêu. Bộ trưởng Thắng khẳng định đã nhận diện các vấn đề sai phạm trong đào tạo sát hạch cấp GPLX. Về giải pháp, Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện thể chế và tăng cường siết chặt công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt với việc phân định trách nhiệm của Bộ GTVT và sở GTVT các tỉnh.

Trả lời ĐB, Phó thủ tướng Lê Minh Khái thừa nhận thị trường bất động sản và trái phiếu DN gặp rất nhiều khó khăn. Thị trường trái phiếu hiện chưa bền vững về cơ cấu, số nhiều là rủi ro như trái phiếu DN bất động sản, do đó thanh khoản của trái phiếu DN "rất khó khăn". Tương tự, thị trường bất động sản cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân về pháp lý, cơ cấu sản phẩm.

Phó thủ tướng cho biết hiện nay Chính phủ cũng đang tiếp tục chỉ đạo để làm sao tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và trái phiếu DN. Trong quý 1 vừa qua, mặc dù khó khăn nhưng DN, cơ quan nhà nước đã ổn định được tình hình, tiếp tục tháo gỡ khó khăn trên tinh thần trách nhiệm đi cùng với nghĩa vụ. Đồng thời Nhà nước tham gia kiểm tra, kiểm soát để thúc đẩy thực hiện cam kết theo nghĩa vụ. "Nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm, bảo vệ quyền lợi người dân, nhà đầu tư", Phó thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: “Sở hữu chéo sẽ tác động đến hành vi thao túng ngân hàng”

Trong khi đó, ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) phản ánh tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng rất đáng lo ngại, bất chấp ngành ngân hàng đã trải qua nhiều giai đoạn tái cơ cấu. "Hệ lụy là nguy cơ rủi ro chéo trong hệ thống ngân hàng lại bùng lên, đặc biệt là sau vụ Vạn Thịnh Phát xảy ra năm 2022. Đề nghị Phó thủ tướng cho ý kiến về vấn đề này", ĐB chất vấn.

Hồi đáp ĐB, Phó thủ tướng cho biết thời gian qua Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm tới việc xử lý việc sở hữu chéo trong các ngân hàng. "Hiện nay không còn trường hợp sở hữu chéo trên hồ sơ, sổ sách. Tuy nhiên, trong thực tế có thể đứng tên hộ, nhờ người khác… nên cũng rất khó khăn", Phó thủ tướng nói và cho rằng phải có sự phối hợp, đánh giá giữa các cấp, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật, mới giải quyết được.

Cạnh đó, theo Phó thủ tướng, sở hữu chéo không chỉ gồm sở hữu về vốn, mà sở hữu về các hoạt động của ngân hàng như đầu tư, tín dụng. "Như việc dành món tín dụng cho những nhóm lợi ích có sở hữu chéo cũng rất nguy hiểm, làm méo mó hoạt động kinh tế", Phó thủ tướng nói. Để hạn chế đến mức tối đa việc sở hữu chéo ngân hàng, Phó thủ tướng cho hay Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường kiểm tra, giám sát; tăng cường hệ thống kiểm soát nội bộ để tự phát hiện ra những vấn đề lệch chuẩn nhằm xử lý kịp thời…

Trả lời chất vấn ĐB Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) về giải pháp giải quyết tình trạng cắt giảm lao động, giãn việc, Phó thủ tướng nói Chính phủ đã có nhiều giải pháp, trong đó quan trọng nhất là làm sao để các DN hoạt động có hiệu quả thì việc làm của các công nhân sẽ đáp ứng được và sẽ xử lý được tình huống mất việc, giảm việc. Bên cạnh đó là các chính sách về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, tăng cường kết nối cung - cầu, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận việc làm…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.