Kiểm định xe cơ giới 'dễ thở' hơn

05/01/2024 08:12 GMT+7

Từ ngày 15.2.2024, nhiều quy định mới sửa đổi về cải tạo xe cơ giới sẽ chính thức có hiệu lực, mang lại nhiều thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.

2 sự điều chỉnh đáng chú ý

Theo Bộ GTVT, cách đây 10 năm, Thông tư số 85/2014 quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được ban hành, tuy nhiên đến nay nhu cầu đã có nhiều thay đổi nên xuất hiện một số bất cập, không còn phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, Thông tư 43/2023 vừa được ban hành đã sửa đổi, bổ sung nhiều điều khoản quan trọng.

Kiểm định xe cơ giới 'dễ thở' hơn- Ảnh 1.

Nhiều quy định về cải tạo ô tô sẽ được thay đổi, xóa bỏ từ ngày 15.2.2024

QUANG THUẦN

Trong đó, quy định cụ thể những trường hợp xe cơ giới có sự thay đổi nhưng không được coi là cải tạo, bao gồm: thay đổi cửa lên xuống khoang hành khách (không bao gồm thay đổi vị trí và kích thước cửa); thay đổi một số kết cấu thùng chở hàng như: bịt kín hoặc thay đổi kết cấu cánh cửa thùng hàng; thay thế tôn bọc dạng phẳng thành dạng sóng hoặc ngược lại; bọc thêm tôn phần khung mui của xe mui phủ không làm tăng chiều cao thành thùng hàng; lắp thêm hoặc tháo bỏ nắp chắn bụi cho thùng chở hàng của xe ô tô tải tự đổ; lắp, thay thế hoặc tháo bỏ nắp che khoang chở hàng, hành lý của ô tô Pickup nhưng không làm thay đổi kích thước lòng thùng hàng và kích thước bao của xe.

Đối với hệ thống đèn xe, việc lắp đặt thêm đèn sương mù dạng rời; thay thế cụm đèn chiếu sáng phía trước bằng cụm đèn đã được chứng nhận hoặc công bố hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đặc tính quang học đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, QCVN 35:2017/BGTVT mà không cần phải gia công thay đổi kết cấu của xe để đảm bảo việc lắp đặt; thay thế bóng đèn thuộc cụm đèn chiếu sáng phía trước bằng bóng đèn loại khác có công suất tiêu thụ điện tương đương mà không cần phải can thiệp, thay đổi kết cấu của cụm đèn… cũng không được coi là cải tạo.

Ngoài ra, khi chủ xe thay đổi các chi tiết, bộ phận thân vỏ là tùy chọn của nhà sản xuất xe nhưng không làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe (trừ các trường hợp quy định tại điều 6 Thông tư 85/2014/TT-BGTVT); thay đổi về kiểu dáng một số chi tiết của phần thân vỏ xe như: lưới tản nhiệt trước xe, cánh lướt gió; lắp đặt thêm mui gió trên nóc ca bin ô tô tải, bậc bước chân lên xuống, trang trí ống xả, đai trang trí bảo hiểm đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu mà không làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe cũng không được xem là cải tạo.

Việc thay đổi của các xe cơ giới mà không làm thay đổi kiểu loại xe và đáp ứng yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng thì được kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ để được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định.

Ngoài ra, Thông tư 43/2023 cũng quy định thêm trách nhiệm của các cơ sở cải tạo ô tô. Theo đó, các cơ sở cải tạo phải chịu trách nhiệm thực hiện cải tạo xe cơ giới theo đúng thiết kế đã được thẩm định, bảo đảm xe cơ giới sau cải tạo phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; chịu trách nhiệm về nguồn gốc, chất lượng của các linh kiện, tổng thành, vật tư thi công cải tạo; chịu trách nhiệm về việc kiểm tra chất lượng xuất xưởng xe cơ giới cải tạo và tính chính xác của các hồ sơ, tài liệu theo quy định…

Mừng và lo

Chia sẻ với Thanh Niên, anh Phạm Minh Tuấn Đức, ngụ P.Cát Lái, TP.Thủ Đức (TP.HCM), kể: "Tôi có chiếc xe bán tải đời khá cũ, được mua sang tay từ chủ cũ nên có nhiều phụ tùng đã được thay thế và lắp thêm nhiều "đồ chơi" khác. Ở đợt đăng kiểm mới đây, tôi phải đi thuê một chiếc xe khác để thay đổi trở về nguyên bản, tháo hết các phụ tùng trang trí mới có thể kiểm định được. Nếu các quy định sửa đổi có hiệu lực sớm, chắc chắn nhiều chủ xe như tôi sẽ không phải vất vả tìm cách đối phó".

Kiểm định xe cơ giới 'dễ thở' hơn- Ảnh 2.

Các điều chỉnh mới sẽ "cởi trói" cho việc cải tạo ô tô

Cùng tâm trạng trên, anh Bùi Tường Nhân, ngụ P.An Khánh, TP.Thủ Đức (TP.HCM), cũng cho biết: "Hiện nay việc trang trí ô tô rất phổ biến, nhất là thay thế lưới tản nhiệt trước xe, cánh lướt gió; lắp đặt thêm mui gió hoặc gắn thêm khung bảo vệ đèn xe. Trước đây những xe kiểu như vậy khi đi đăng kiểm đều bị đánh rớt và yêu cầu phải tháo bỏ toàn bộ, phải trở về gần như nguyên bản theo hồ sơ xuất xưởng mới vượt qua được kiểm định. Bây giờ quy định mới không bắt buộc những cái này, xem như chủ xe đỡ lo hơn, và cũng không phải "lót tay" để được kiểm định viên du di cho qua".

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Ô tô vận tải Bình Dương, nhận định: "Tôi có xem qua những thay đổi trong Thông tư sửa đổi lần này, ý kiến của tôi cũng như các hội viên nói chung là ủng hộ. Trước đây, các tài xế xe tải thường thay đổi công năng từ xe thùng sang xe bạt, hoặc xe bán tải lắp thêm nắp thùng, và nhiều trường hợp xe đời cũ đèn không đủ sáng nên phải lắp thêm đèn thì thường xuyên gặp khó khăn khi đăng kiểm. Bây giờ được "cởi trói" nên tài xế không còn phải lo tìm cách đối phó nữa, rất đáng hoan nghênh".

Tuy nhiên, nhiều tài xế vẫn còn lo lắng vì "phép vua thua lệ làng" hoặc "trên bảo dưới không nghe". Anh Nhật Trung, ngụ H.Củ Chi (TP.HCM), đặt câu hỏi: "Tôi thấy quy định ở trên như vậy nhưng khi đi đến từng trung tâm đăng kiểm thì lại khác nhau. Ví dụ như cũng là đèn bi LED nhưng có nơi lại được cho qua, có nơi gần chỗ tôi không cho kiểm định. Gắn đèn gầm cũng không ảnh hưởng đến an toàn, nhưng có nơi cho đậu đăng kiểm, có nơi bắt tháo ra. Như vậy liệu việc "cởi trói" sắp tới có thống nhất hay không?".

Đối với việc thay đổi kích cỡ lốp xe, thông tư mới cũng không đề cập đến. Anh Trần Bảo Trung, chủ một garage ô tô tại Q.7 (TP.HCM), băn khoăn: "Trước đây khi đăng kiểm làm căng thì rất nhiều xe đến chỗ tôi hỏi thuê lốp để đối phó. Điều này chứng tỏ việc thay đổi lốp, vỏ ô tô rất phổ biến. Khi kiểm định thì chủ xe sẽ tìm cách đối phó hoặc chung chi để được kiểm định. Như vậy vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu thực tiễn. Nên chăng cởi mở luôn cả vấn đề thay đổi lốp xe thì tôi cho rằng Thông tư sẽ được ủng hộ nhiều hơn nữa".

"Cục Đăng kiểm VN cần phải tiếp tục tập trung rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực đăng kiểm để kịp thời đề xuất bổ sung, sửa đổi nhằm đảm bảo tính đồng bộ, nâng cao hiệu quả nhà nước, đáp ứng thực tiễn sản xuất kinh doanh, phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong quá trình triển khai các quy định trên thực tế có sai khác, vướng mắc, phải mạnh dạn đề xuất sửa, không được có tâm lý sợ sai, ngại cầu thị. Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm VN cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, giảm thời gian thực hiện thủ tục đăng kiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, từ đó giảm tiếp xúc giữa người dân và cán bộ, góp phần giảm tiêu cực".

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.