Kịch tính Đối thoại Shangri-La

Thục Minh
Thục Minh
01/06/2018 08:00 GMT+7

Diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương khai mạc tối nay 1.6 tại Singapore được mong đợi để xác quyết thái độ của các bên về những vấn đề nóng hổi hiện tại.

Hơn 500 đại biểu chính thức tham dự diễn đàn Đối thoại Shangri-La (SLD), diễn ra ngày 1 - 3.6, đến từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, hơn 40 đại biểu là bộ trưởng hoặc thứ trưởng quốc phòng, gần gấp đôi con số năm 2017.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ phát biểu dẫn đề trong phiên khai mạc tối nay. Ông Modi được mong đợi sẽ nói rõ về chính sách “Hướng Đông” của nước này trong nỗ lực hợp tác với các quốc gia ven biển khác vì hòa bình, ổn định ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Cử tọa cũng mong chờ qua bài phát biểu của ông Modi để đánh giá thái độ của Ấn Độ đối với láng giềng Trung Quốc trong bối cảnh hai nước đang tranh chấp về biên giới cũng như những cạnh tranh chiến lược khác.
Nóng bỏng Triều Tiên
Lần đầu tiên SLD dành hẳn một phiên thảo luận toàn thể sáng 2.6 để bàn về vấn đề bán đảo Triều Tiên. Phát biểu tại phiên này sẽ có Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-Moo cùng hai người đồng cấp Itsunori Onodera (Nhật Bản) và Harjit Singh Sajjan (Canada). Theo quan sát của Thanh Niên từ năm 2009, đây là lần đầu tiên một bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc tham gia phát biểu và đối thoại tại SLD dù vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên năm nào cũng được đề cập.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong phiên đầu tiên bàn về Sự lãnh đạo của Mỹ và các thách thức an ninh vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương chắc chắn cũng sẽ nói rõ lập trường của Washington về vấn đề này. Ông Mattis hôm 29.5 khẳng định quân đội Mỹ sẽ tiếp tục trú đóng tại Hàn Quốc, trái với điều kiện của CHDCND Triều Tiên để giải giới hạt nhân. Cử tọa vì thế rất háo hức đón chờ các phát ngôn được đong đếm tại SLD từ Mỹ, dự kiến sẽ tỏ ra cứng rắn nhưng vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử có thể diễn ra ngày 12.6, cũng tại Singapore, giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un.
Trung Quốc cử phái đoàn “nhẹ ký”
Bên cạnh vấn đề Triều Tiên, người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng khẳng định Mỹ sẽ nêu vấn đề Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông tại SLD và trong thực tế. Ngoài ra, ông Mattis sẽ nói rõ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà chính quyền của Tổng thống đang theo đuổi với sự hợp tác của các đồng minh, đối tác như Úc, Ấn Độ và Nhật Bản.
Trong khi đó, Trung Quốc chỉ gửi đến SLD năm nay đoàn đại biểu được dẫn đầu bởi Phó viện trưởng Viện Khoa học quân sự Hà Lôi, trưởng đoàn năm 2017. Năm ngoái, nước này lấy lý do đang chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản nên cử trưởng đoàn cấp thấp và hứa hẹn sẽ “nâng cấp” trong những năm sau. “Chúng tôi từng kỳ vọng chí ít Bắc Kinh sẽ cử Phó tổng tham mưu trưởng quân đội đến SLD 2018. Với đà này, trong vài năm tới, chúng ta không thể kỳ vọng cao hơn”, một chuyên gia nắm rõ về quốc phòng Singapore nói với Thanh Niên. Lý giải điều này, vị chuyên gia cho rằng Bắc Kinh cử cấp thấp để “không được” phát biểu trong các phiên đại thể, vốn chỉ dành cho các bộ trưởng hoặc nhân sự cấp cao, nhằm tránh bị chất vấn về hành động quân sự hóa Biển Đông. Đoàn Trung Quốc cũng vắng mặt trong phiên thảo luận nhóm về các giải pháp tăng cường an ninh biển như bộ quy tắc ứng xử và xây dựng lòng tin.
Mặt khác, đoàn VN do Bộ trưởng Quốc phòng, đại tướng Ngô Xuân Lịch dẫn đầu sẽ tham gia đầy đủ các phiên bàn về an ninh biển. Đại tướng Ngô Xuân Lịch sẽ có bài phát biểu trong phiên toàn thể thứ ba (ngày 2.6) với chủ đề Định hình trật tự an ninh đang biến chuyển ở châu Á cùng người đồng cấp Indonesia Ryamizard Ryacudu và nữ Bộ trưởng Úc Marise Payne.
Bên cạnh 2 vấn đề nổi cộm là bán đảo Triều Tiên và an ninh biển, SLD năm nay cũng quan tâm nhiều vấn đề khác như khủng hoảng nhân đạo ở Myanmar, khủng bố, công nghệ quân sự mới đi kèm các mối nguy xung đột và đặc biệt là cạnh tranh chiến lược ở Ấn Độ Dương.
Tàu sân bay Trung Quốc “bước đầu sẵn sàng tham chiến”
Ngày 31.5, Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường tuyên bố tàu sân bay đầu tiên của nước này đã “đạt được năng lực bước đầu về sẵn sàng tham chiến” nhưng không nêu thêm chi tiết. Liêu Ninh là tàu sân bay thời Liên Xô được Trung Quốc mua lại từ Ukraine hồi năm 1998 để tân trang. Thời gian gần đây, nhóm tàu sân bay này liên tục tham gia hàng loạt đợt diễn tập. Tàu sân bay (nội địa) thứ hai của Trung Quốc cũng bắt đầu thử nghiệm trên biển hồi tháng 5, dự kiến đến năm 2020 sẽ được đưa vào hoạt động.
Phúc Duy
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.