Kích hoạt 'Người Việt Nam du lịch Việt Nam'

10/05/2020 06:23 GMT+7

Chưa thể mở cửa với khách quốc tế, nhưng theo các chuyên gia du lịch hàng đầu, đã đến lúc ngành du lịch Việt Nam cần kích hoạt chương trình mới, đó là du lịch nội địa để vực dậy ngành kinh tế không khói sau đại dịch.

Giúp đất nước bằng việc đi khắp Việt Nam

Vừa đăng tải album “Nha Trang sau Tết Covi” trên trang Facebook cá nhân, chị Ngọc Huyền (26 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) hào hứng khoe với bạn bè đây là lần đầu tiên chị “mở sổ” du lịch trong năm của mình bằng một chuyến đi trong nước. Là một “tín đồ du lịch”, năm nào cũng đặt ra cho mình một kế hoạch du lịch chi tiết bao gồm các điểm phải đi trong năm, thời gian đi... và tập trung chủ yếu là xuất ngoại vì chị Huyền quan niệm “còn trẻ, chưa có gia đình phải đi xa trước; sau này lập gia đình rồi, vướng bận nhiều thứ hơn thì chỉ đi loanh quanh trong nước”.
Cần khoanh vùng các điểm đến an toàn, xây dựng bản đồ những điểm lưu trú an toàn, điểm tham quan an toàn để khách nắm bắt được và lựa chọn nơi du lịch cho phù hợp.
Giải tỏa được tâm lý cho khách hàng là bước đầu tiên cần làm để hồi phục thị trường du lịch
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Vietravel
Thế nhưng, đại dịch Covid-19 bùng nổ từ đầu năm đến nay đã phá hỏng hết kế hoạch của chị Huyền. Chị Huyền đã phải hủy chuyến đi Nhật Bản về quê bạn trai, dự kiến thực hiện vào tháng 3. Kế hoạch tháng 5 đi Hàn Quốc với hội bạn thân cũng đành hủy bỏ vì đường bay quốc tế chưa được nối lại.
“Mọi kế hoạch đổ bể nhưng ở nhà 3 tháng trời rồi. Không đi được nước ngoài thì mình kiếm chỗ đi trong nước. Thực ra, Việt Nam (VN) mình đi đâu cũng có chỗ đẹp. Đi nước ngoài khám phá văn hóa mới, đất nước mới nhưng cảnh thì không thể đẹp bằng VN được. Tôi đi Nha Trang cùng gia đình từ cách đây gần 10 năm, giờ mới quay trở lại. Bãi biển mọi khi ồn ào, đông đúc, nay vắng người hơn, thấy bình yên lắm. Hơn nữa, bây giờ kinh tế khó khăn, tự đi du lịch trong nước cho rẻ. Tôi đã lên kế hoạch thay đổi hết các điểm đến trong sổ du lịch. 2020 sẽ là năm để khám phá du lịch VN”, chị Huyền hào hứng chia sẻ.
Nguyễn Nhung (25 tuổi, quê Tây Ninh) cũng vừa thực hiện chuyến đi xuyên Bắc (Hà Nội - Thái Bình - Sa Pa) kết hợp thăm họ hàng và du lịch. Đây là lần đầu tiên Nhung Bắc tiến. “Tôi có cô bạn ngoài Hà Nội, nghe kể về các vùng cao như Sa Pa, Mộc Châu, Hà Giang, tôi mê lắm. Tiếc là đợt tết vừa rồi không có cơ hội trải nghiệm mùa đông miền Bắc. Giờ lệnh cách ly xã hội đã được nới lỏng, tha hồ mà du lịch xuyên Việt. Tôi cùng nhóm bạn đang triển khai theo chương trình đã được một số Vlogger du lịch nổi tiếng khởi động trước đó, gắn hashtag #Vietnam vào tất cả bức ảnh, video du lịch của mình trên các trang mạng xã hội. Tất cả sẽ tạo thành một cuốn từ điển chi tiết giới thiệu các điểm đến, các món ăn đặc trưng và nét văn hóa đặc sắc tại mỗi địa phương trên đất nước VN. Khẩu hiệu chung bây giờ là: Bạn từng giúp đất nước bằng việc ở nhà, bây giờ bạn lại giúp đất nước bằng việc đi khắp VN”, Nhung nói, ánh mắt không giấu nổi vẻ tự hào.
Khảo sát ở các công ty du lịch cũng cho thấy, khách hàng đi du lịch đã tăng mạnh trở lại, ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing của TST Tourist, cho biết ngay trong tuần đầu tháng 5, khách hàng đã bắt đầu liên hệ, thể hiện sự quan tâm đến các chuyến đi trong nước dành cho nhóm gia đình, bạn bè với số lượng dưới 10 người. Ngày 5.5, TST Tourist đã cung cấp dịch vụ hội nghị dành cho doanh nghiệp (DN) ở Cần Thơ. Cuối tuần qua, một nhóm khách đi Vũng Tàu gần 30 người cũng đã đăng ký mua dịch vụ của công ty này. Bên cạnh đó, còn có đoàn 6.000 khách thuộc DN nội thất ở phía bắc đang chờ tình hình yên ổn sẽ triển khai.
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị và truyền thông của Lữ hành Fiditour, thông tin từ giữa tháng 4 công ty đã nhận được nhiều yêu cầu tư vấn, đặt dịch vụ trên website, fanpage, đa phần khách quan tâm đến sản phẩm nội địa, không chỉ đặt tour cho thời điểm này mà đến mùa hè, thu và cuối năm. Bắt đầu tháng 5, Lữ hành Fiditour đã phục vụ khách hàng trở lại trên kênh trực tiếp, riêng kênh online vẫn phục vụ xuyên suốt thời gian qua để đảm bảo giữ tương tác, tư vấn và chăm sóc khách hàng. Các khách hàng lớn đã bắt đầu xúc tiến ký hợp đồng trở lại, nhiều đoàn khách đã mua tour, lên kế hoạch cho các chuyến đi vào tháng 6.

Cuộc kích cầu “khổng lồ”

Thị trường nội địa chưa bao giờ chứng kiến một cuộc kích cầu đồng loạt, khổng lồ trên diện rộng như hiện nay. Nổ phát súng đầu tiên là hệ thống khách sạn Vinpearl và công viên chủ đề VinWonders với gói ưu đãi chưa từng có cho du khách. Cụ thể, 14.000 voucher phòng khách sạn trên toàn hệ thống được ưu đãi lên tới 50% cho các đặt phòng trong tuần lễ ưu đãi vàng với thời gian lưu trú đến hết ngày 30.11.
VinWonders ưu đãi 50% với số lượng lên tới hơn 30.000 voucher trong 7 ngày, được áp dụng vào cổng vui chơi giải trí tại các công viên chủ đề VinWonders, vườn thú bán hoang dã Vinpearl Safari Phú Quốc, thủy cung Times City từ ngày 28.4 - 31.7 tại VinWonders Nha Trang và Nam Hội An từ 15.5 - 31.7. “Khủng” và hấp dẫn nhất dịp này chính là kỳ nghỉ trọn gói 5 sao combo 3 ngày 2 đêm thời thượng đã bao gồm vé máy bay khứ hồi với chi phí từ 2,499 triệu đồng/người tại hệ thống Vinpearl, thời hạn sử dụng combo tới 30.11.
Du khách tham quan Đại nội Huế sau dịch Covid-19 Ảnh: Bùi Ngọc Long

Du khách tham quan Đại nội Huế sau dịch Covid-19

Ảnh: Bùi Ngọc Long

Ngay trong tuần tới, Lữ hành Fiditour cũng sẽ ra mắt chương trình ưu đãi mạnh tay cho tuyến du lịch nội địa như bán vé máy bay phí dịch vụ 0 đồng, giảm giá 25% hành trình thuê ô tô và tặng combo quà tặng du lịch an toàn cho du khách mua tour trong tháng 5 và tháng 6. Các hãng hàng không cũng đồng loạt “tung” chương trình khuyến mãi “cực sốc” như bán vé giá 0 đồng, 199.000 đồng vé khứ hồi chặng TP.HCM - Hà Nội, Đà Nẵng...
Không chỉ DN, các địa phương cũng rất chủ động kích hoạt du lịch bằng những chính sách kích cầu chưa từng có. Tại kỳ họp bất thường lần thứ 8 vừa diễn ra sáng qua (9.5), HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thông qua nghị quyết về chính sách kích cầu du lịch nhằm phục hồi và phát triển ngành du lịch bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Trong đó, đáng chú ý là giảm 50% phí tham quan các điểm di tích từ ngày 8.5 - 31.7. Trước đó, UBND tỉnh này đã ban hành chính sách miễn phí 100% vé vào các khu di tích ngay khi mở cửa trở lại từ ngày 30.4 - 7.5, giúp cố đô thu hút được hơn 22.000 lượt du khách đến tham quan trong dịp lễ 30.4 - 1.5 vừa qua.
Tương tự, Quảng Ninh miễn phí vé tham quan vịnh Hạ Long, Khu di tích danh thắng Yên Tử cho người dân Quảng Ninh và du khách trong nước đến tỉnh qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Từ ngày 1.6, tỉnh sẽ triển khai những chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm kích cầu du lịch. Đồng thời, sớm đưa vào hoạt động tuyến xe buýt miễn phí từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến Hạ Long và Yên Tử (TP.Uông Bí), tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan.

Bắt đầu từ nguồn khách hàng thân

Ông Trần Hùng Việt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, đánh giá trong bối cảnh hiện nay, khách trong nước là quan trọng nhất đối với ngành du lịch VN. Người Việt hiểu rõ nhất nơi nào an toàn, nơi nào an tâm để đưa thân nhân đi du lịch, nghỉ dưỡng trong thời điểm hè 2020. Đẩy mạnh du lịch nội địa, phục hồi tất cả cơ sở lưu trú, vận chuyển, dịch vụ là nhiệm vụ hàng đầu của ngành du lịch. Chúng ta có 100 triệu dân, các DN trong nước cần ngồi lại bàn với nhau làm sao để phục vụ, khuyến khích 100 triệu dân đi du lịch ngay trong chính VN. Hiệp hội Du lịch TP.HCM đang phối hợp cùng các sở, ngành, các hiệp hội nhiều ngành nghề liên kết để tạo ra các chương trình khuyến mãi, xây dựng tour giá tốt để kích cầu thị trường nội địa.
Theo ông Việt, đối với các DN, hãy bắt đầu từ nguồn khách hàng truyền thống, khách hàng thân thiết. DN nào cũng sẽ có danh sách các đối tác là DN, tổ chức, đơn vị hằng năm ký kết hợp đồng đưa cán bộ, công nhân viên đi nghỉ định kỳ. Đây là nhóm đối tượng tiềm năng đầu tiên mà công ty lữ hành cần nhanh chóng kết nối lại. Cùng với số lượng khách đi lẻ, đi tour, du lịch trong nước sẽ dần hồi phục.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Vietravel, với riêng ngành du lịch, Chính phủ cần áp dụng cơ chế như đối với thời kỳ dịch SARS năm 2003, đó là giảm thuế GTGT từ 10% xuống 5% trong vòng một năm để giá các sản phẩm dịch vụ giảm, kích thích thị trường. Tương tự, đề nghị giảm thuế thu nhập DN xuống còn 15% thay vì 20% như hiện nay, sau đó Chính phủ sẽ tăng dần tùy theo tình hình khôi phục. Đối với thuế thu nhập cá nhân, Chính phủ có thể xem xét phương án: Các khoản chi tiêu vượt mức giảm trừ gia cảnh nếu có hóa đơn sẽ được trừ lui. Điều này sẽ kích thích người dân chi tiêu để có hóa đơn được hoàn thuế thu nhập cá nhân trong khoản chi tiêu đó. Từ đây, kích thích thúc đẩy tiêu dùng nhiều hơn, tăng lưu thông hàng hóa. Bù lại nhà nước sẽ có thể thu lại từ khoản thuế thu nhập DN tăng thêm do người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn.
“Du lịch chắc chắn sẽ quay trở lại nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn là an toàn. Nhiệm vụ tiên quyết hiện nay là quản trị được khách, đưa khách vào trật tự, trong khuôn khổ, quy định, đi du lịch theo luồng tuyến thì sẽ tạo nên sự phục hồi an toàn và lâu dài. Cần khoanh vùng các điểm đến an toàn, xây dựng bản đồ những điểm lưu trú an toàn, điểm tham quan an toàn để khách nắm bắt được và lựa chọn nơi du lịch cho phù hợp. Giải tỏa được tâm lý cho khách hàng là bước đầu tiên cần làm để hồi phục thị trường du lịch”, ông Kỳ đánh giá.
Bộ VH-TT-DL vừa ban hành Kế hoạch phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Mục tiêu chương trình nhằm kích cầu du lịch nội địa, tạo điều kiện để người dân du lịch tới các vùng miền trong cả nước trong bối cảnh bình thường mới sau dịch Covid-19. Bộ yêu cầu các đơn vị thực hiện phải thu hút sự vào cuộc tích cực của các địa phương, hãng hàng không, DN liên quan du lịch nhằm khôi phục thị trường nội địa. Song song đó, đảm bảo các quy định, điều kiện về an toàn phòng chống dịch cho khách du lịch, người lao động và cộng đồng người dân địa phương.

 Ý kiến

Vực dậy doanh nghiệp du lịch

Số lượng DN vừa và nhỏ trong ngành du lịch rất lớn, chiếm tới 97%, nên tổn thất từ đại dịch Covid-19 gây ra rất nặng nề. Đa số DN đều đang chật vật, thoi thóp trước ngưỡng phá sản.
Sự phục hồi trở lại của ngành du lịch phụ thuộc rất lớn vào sức sống và sức bật của từng DN. Với những DN vừa và nhỏ, để có thể bật trở lại thì đầu tiên cần những hỗ trợ trực tiếp từ chính sách tài khóa. Sở Du lịch TP.HCM đã chủ động tham mưu, kiến nghị những chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, để DN có thể tái đầu tư trở lại các hoạt động.
Sở đã xây dựng cuốn cẩm nang tập hợp những chính sách hỗ trợ, chính sách hiện hành, chính sách dự kiến mà Chính phủ đang trong quá trình thương thảo để hướng dẫn DN, đồng thời phối hợp Trung tâm trọng tài quốc tế hỗ trợ tư vấn trực tiếp với DN. Sở vẫn đang tiếp tục tìm những giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất giúp DN sớm có được nguồn vốn để tái đầu tư, hồi phục sau dịch. Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM

Phải mở cửa đồng bộ

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, không thể phục hồi trong bối cảnh hệ thống cung ứng bị đứt gãy. Đơn cử, hàng không, vận tải được hoạt động trở lại nhưng hệ thống dịch vụ cung ứng như ăn uống, vui chơi giải trí chưa sẵn sàng thì cũng không thể mở cửa du lịch. Nói vậy để thấy chỉ cần 1 mắt xích trong hệ thống cung ứng dịch vụ đứt đoạn thì du lịch sẽ bị ảnh hưởng. Vì thế, muốn mở cửa du lịch, phục hồi du lịch thì phải mở cửa đồng bộ, không thể nói cứ phát triển du lịch trong khi những ngành khác, dịch vụ khác còn đóng. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Vietravel
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.