Khung phạt rộng dễ làm “hư” cán bộ

19/11/2011 00:39 GMT+7

Hôm qua, QH thảo luận về dự luật Giá và luật Xử lý vi phạm hành chính.

Hôm qua, QH thảo luận về dự luật Giá và luật Xử lý vi phạm hành chính. 

Khi thảo luận về dự luật Xử lý vi phạm hành chính, một số đại biểu (ĐB) quốc hội (QH) đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật khi cho rằng khung tiền phạt từ tối thiểu đến tối đa có khoảng cách quá lớn (từ 50 nghìn đồng đến 2 tỉ đồng) dễ dẫn đến việc lạm quyền của người có thẩm quyền xử phạt. ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) lo ngại khung tiền phạt quá lớn sẽ dẫn đến tình trạng làm “hư” cán bộ. Ví dụ, mức phạt lẽ ra là hàng chục triệu đồng nhưng có thể người có quyền xử lý vi phạm chỉ phạt vài trăm nghìn đồng…

 
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) - Ảnh: Ngọc Thắng

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đưa ý kiến thời gian qua chúng ta vẫn kêu rằng mức tiền phạt, chế tài xử lý vi phạm hành chính chưa đủ sức răn đe nên vi phạm ngày càng tăng, nhưng không nhắc đến nguyên nhân quan trọng không kém là chế tài cũng chưa đủ sức răn đe với người thực hiện chế tài đó. Nếu mức phạt có khoảng cách từ 50.000 đồng lên tới 2 tỉ đồng như vậy thì rất dễ tạo kẽ hở cho người xử phạt vi phạm tiêu cực.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) và một số ĐB khác cũng nhận định phạt đến 2 tỉ vẫn là xử phạt hành chính thì e rằng sẽ hành chính hóa các vụ án hình sự. 

Cần để tòa án xét xử

Nhiều ý kiến ĐB đề nghị giao cho TAND quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính vì cho rằng, các biện pháp xử lý hành chính là những biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc của Nhà nước, do đó việc áp dụng các biện pháp này cần được tòa án quyết định theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ, bảo đảm khách quan, thận trọng, chính xác.

Tuệ Nguyễn

Liên quan đến việc dự luật không quy định đưa đối tượng là người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh và xử phạt hành chính, ĐB Ngô Văn Minh phát biểu: “Nếu không công nhận mại dâm là một nghề thì cần phải thống nhất xử lý dứt khoát. Còn nếu công nhận thì phải có quản lý, thu thuế, khám chữa bệnh định kỳ… chứ bỏ quy định người bán dâm phải vào cơ sở khám chữa bệnh, tôi rất lo lắng”.

ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) nói: “Giao đối tượng này về cho gia đình, chính quyền địa phương quản lý là không khả thi vì không mấy ai bán dâm tại nhà, tại quê hương. Họ sẵn sàng đi nơi khác để hành nghề. Tuy nhiên, nếu tiếp tục duy trì biện pháp này thì cần cải tiến, nâng cấp cơ sở chữa bệnh, có biện pháp quản lý, giáo dục hữu hiệu, tạo công ăn, việc làm ổn định giúp họ trở thành người lương thiện”.

Tuy nhiên, cũng có ĐB cho rằng, nếu cưỡng chế tất cả người bán dâm vào cơ sở khám chữa bệnh là vi phạm nhân quyền. Theo ĐB Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh), thực chất đưa vào cơ sở giáo dưỡng là ảnh hưởng đến quyền tự do của công dân.

Mạnh tay hơn trong xử lý các vi phạm về giá

Theo nhận định của ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM), những bất cập về giá cả vừa qua là do yếu kém về quản lý chứ không phải do yếu kém về khung pháp lý.

Ông Lịch dẫn chứng: “Giá cả thị trường chịu ba ức chế”. Trên thực tế đã thấy, đó là do tình trạng đầu cơ thái quá, không kiểm soát được; do can thiệp không phù hợp của Nhà nước trong một số trường hợp; và do hệ thống phân phối bị tắc nghẽn, không thông suốt. “Ba ức chế này làm cho giá cả méo mó, thực chất luật này khó khăn nhất là giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường, về cách tiếp cận làm sao để Nhà nước kiểm soát được giá, bình ổn được giá nhưng phải làm cho thị trường nhiều hơn chứ không phải Nhà nước nhiều hơn”, ông Lịch nói thẳng.

Từ đó, ông Lịch cho rằng phải tập trung nhiều hơn trong luật này về vấn đề chống độc quyền, chống đầu cơ, chống lũng loạn.

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng cũng nhận xét thời gian vừa qua những biến đổi về giá, ví dụ như giá vàng chênh lệch với thế giới tới 5 triệu đồng, giá nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp tăng một cách đột biến, tạo nên sự bất an trong xã hội… các biện pháp chúng ta đưa ra “chủ yếu là biện pháp tình thế để giải quyết hậu quả”. Vì vậy, luật này cần quy định các biện pháp phòng ngừa hơn là đưa ra các biện pháp tình thế.

Liên quan đến xử lý các vi phạm về giá, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị nên quy định rõ trong dự án luật này về xử lý vi phạm và hình thức xử lý vi phạm, nếu trong quá trình định giá, can thiệp bình ổn giá gây thiệt hại cho DN hoặc thiệt hại cho người tiêu dùng. Đặc biệt, phải có hình thức xử lý vi phạm về nguồn ngân sách nhà nước, ví dụ như sai phạm trong thực hiện nguồn quỹ bình ổn giá.

Thủ tướng và 5 bộ trưởng trả lời chất vấn

Sáng 18.11, các ĐBQH đã tán thành tờ trình của Ủy ban TVQH, chốt danh sách trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ. Theo đó các Bộ trưởng GTVT, NN-PTNT, GD-ĐT, Tài chính, và Ngân hàng Nhà nước sẽ trả lời chất vấn trực tiếp tại nghị trường, từ 23 - 25.11.

Thủ tướng sẽ là người “đăng đàn” sau cùng trong sáng 25.11 để giải trình, làm rõ thêm những vấn đề các bộ trưởng trả lời và trả lời chất vấn các câu hỏi của ĐBQH.

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cùng nhiều thành viên Chính phủ khác cũng sẽ tham gia giải trình làm rõ thêm vấn đề ĐBQH và cử tri quan tâm khi có nội dung liên quan cần làm sáng tỏ.

Trước mối quan tâm của báo giới về việc có ĐB nào chất vấn về Vinashin, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Chính phủ sẽ có một báo cáo cụ thể gửi các ĐB về quá trình thanh tra, kiểm tra tập đoàn này. “ĐB có thể hỏi trực tiếp về vấn đề này, tuy nhiên nếu quá nhiều câu hỏi khác nhau thì sẽ tản mạn và QH khó ra một Nghị quyết”, ông Phúc nhận định.

Nguyệt Minh

Tuệ Nguyễn - Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.