Khúc nhạc rừng

26/03/2017 06:00 GMT+7

Đêm. Tiếng lửa cháy rần rật, tiếng chim khuya bị chìm đi đâu đó xa lắm. Nhưng vòng tròn những thanh niên người dân tộc Ê Đê vẫn quây quanh đống lửa trong lễ cúng nhà mồ.

Có vẻ như ngọn lửa rừng đêm chưa bao giờ tàn, trong những ngày mùa khô trên cao nguyên Đắk Lắk.
Những ngày nắng tháng ba nơi đây hầu như không ngủ. Bởi tiếng cồng chiêng cứ vọng mãi khi màn đêm buông xuống. Giữa những cụm rừng, xung quanh là những tán cây dầu xòe ra, có đôi chỗ bằng phẳng và trống trải lạ thường. Đó là những nơi bà con người Ê Đê thường chọn để làm lễ cúng. Nhưng nhất định phải gần một con suối, nước lúc nào cũng trong và chảy róc rách. Lễ cúng thường diễn ra có khi đến 3, 4 ngày đêm. Ngày nắng, say với rượu cần. Khi đêm xuống, tiếng cồng chiêng lan ra rất xa, nhằm vào lúc trăng tròn bỗng dưng trở nên mờ ảo vô cùng. Có khi gió lớn, những cánh hoa dầu bay tự trên cao xoay tít hàng chục vòng mới đậu xuống vai những thiếu nữ đang nắm tay nhau nhảy múa bên đống lửa hồng.
Tôi vẫn nhớ lần say rượu cần đầu tiên ở nhà của một em học trò tên là Y Bli. Mới mang ba lô lên huyện vùng xa Easup được 2 ngày, một buổi chiều Y Bli và bạn mình là Y Don đã lân la về khu nhà tập thể, rủ rê tôi và anh bạn đồng nghiệp vào buôn chơi. Cả hai em đều muốn đãi mấy thầy giáo một bữa rượu cần để “chào sân” Tây nguyên. Đến nhà, việc đầu tiên là hai đứa chạy ù ra suối, gùi về 2 gùi nước trong veo. Y Bli vần ra một ché rượu, cắm một cây tre buộc lên xà nhà và buộc cổ ché rượu vào để giữ ché vững trên sàn. Trải ra chiếc chiếu rộng, rồi em đổ nước vào ché, cắm cần và mời mấy thầy thưởng thức. Ché rượu hôm ấy quá ngon, đậm mùi hoang dã của rừng và tiếng đàn guitar rất điệu nghệ của Y Bli.
Một người bạn lớn tuổi có hơn nửa đời người sống với Tây nguyên đúc kết một câu, đã sống ở đây là phải cảm nhận được hết cái thần tình của không gian Tây nguyên. Đó là tiếng cồng chiêng bên đống lửa và rượu cần, tất nhiên là phải nghe được tiếng gió và xào xạc của rừng, nếu có thêm những điệu nhảy dứt khoát mà không kém phần quyến rũ của những thiếu nữ nơi đây thì trọn vẹn không gì bằng. Và có thể, còn nữa tiếng chim đêm, tiếng voi gầm và tiếng suối chảy mãi như ngàn năm đã qua vẫn thế.
Tất cả tạo nên một khúc nhạc khó quên về rừng, mà mỗi dịp trở lại, ai cũng muốn đắm chìm trong đó. Mỗi lần nhớ, bỗng dưng lòng lại ngân lên những giai điệu, có thể là bởi một đoạn đời thanh xuân đã ở lại nơi ấy…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.