Khuất tất tại Công ty xăng dầu Quảng Bình

08/05/2015 12:52 GMT+7

Qua 2 lần kiểm tra và phúc tra, Tập đoàn xăng dầu VN vẫn không nêu ra được bản chất sự việc xảy ra tại Công ty xăng dầu Quảng Bình; còn với những sai phạm nghiêm trọng đã phát hiện, tập đoàn lại xử lý mang tính “nội bộ” khiến dư luận bất bình.

Qua 2 lần kiểm tra và phúc tra, Tập đoàn xăng dầu VN vẫn không nêu ra được bản chất sự việc xảy ra tại Công ty xăng dầu Quảng Bình; còn với những sai phạm nghiêm trọng đã phát hiện, tập đoàn lại xử lý mang tính “nội bộ” khiến dư luận bất bình.

Hoạt động kinh doanh của Công ty xăng dầu Quảng Bình đã và đang xảy ra nhiều sai phạmHoạt động kinh doanh của Công ty xăng dầu Quảng Bình đã và đang xảy ra nhiều sai phạm

Sai phạm nghiêm trọng

Theo biên bản kiểm tra ngày 14.1 của đoàn kiểm tra, trong 2 năm 2013-2014 tại Kho cảng xăng dầu Sông Gianh có nhiều sai phạm. Cụ thể, kho không thực hiện giám định hàng hóa tại tàu trước và sau khi nhập, không đo tính hàng tại tàu, không kiểm tra giám định dầu máy, không kiểm tra hết hàng tại tàu sau khi nhập; không dựa vào kết quả đo tỷ trọng thực tế tại bể sau nhập. Việc xác định tỷ trọng khi xuất hàng tại kho theo phương pháp của công ty chưa đúng với quy định của tập đoàn. Đặc biệt, việc quản lý nhiệt độ khâu xuất hàng tại kho có một số hiện tượng bất thường: nhiệt độ tại nhiều thời điểm xuất hàng liên tiếp của cùng 1 mặt hàng có sự chênh lệch cộng trừ 20C; giữa các mặt hàng của cùng 1 xe hàng cũng có sự chênh lệch nhiệt độ; hiện tượng này phát sinh thời gian dài nhưng không kiểm tra, đánh giá và tìm nguyên nhân để điều chỉnh. Nhiệt độ phản ánh trên hóa đơn xuất chênh lệch so với nhiệt độ phản ánh tại sổ theo dõi phương tiện ra vào của kho. Việc phản ánh số liệu nhiệt độ như trên là không tuân thủ đúng quy trình kiểm soát, hoàn thiện hóa đơn xuất hàng, làm sai lệch số lượng hàng quy đổi về lít ở nhiệt độ 150C từ đó làm sai lệch giá vốn hàng bán và kết quả kinh doanh của công ty trong từng thời kỳ, dễ phát sinh tiêu cực trong quản lý hàng hóa.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, các bất thường và sai phạm trên chỉ xuất hiện trong thời gian từ 1.12.2012-28.2.2014 khi ông Lê Anh Hùng, Giám đốc Công ty xăng dầu Quảng Bình ra văn bản 1936/PLXQB-KD quy định thực hiện quản lý giao nhận hàng theo cách mới: “Kể từ ngày 1.12.2012, công ty chỉ quản lý lượng xăng dầu tại các cửa hàng theo số lượng ở nhiệt độ thực tế…”; việc giao nhận căn cứ theo nhiệt độ vận đơn; khi nhập hàng, cửa hàng không thực hiện xử lý nhập/xuất chênh lệch giữa nhiệt độ. Từ đó, khi nhập xăng dầu bằng ô tô xi tec từ Kho cảng xăng dầu Sông Gianh điều động đến, các cửa hàng đều không quan tâm đến việc đo nhiệt độ xăng dầu trên xe như trước đây; nghĩa là không có sự đối chiếu kiểm tra của bên nhận hàng xem nhiệt độ xăng dầu thực tế trên xe có khớp với trên hóa đơn không. Điều kỳ lạ ở chỗ, quy định đó chỉ áp dụng với hàng nhập từ Kho cảng xăng dầu Sông Gianh; còn hàng nhập từ các kho khác ngoài công ty (KV5, Nghệ An) thì vẫn kiểm tra, căn cứ nhiệt độ thực tế tại phương tiện, xử lý chênh lệch nhiệt độ. Vì thế, dư luận đặt câu hỏi liệu đó có phải là lá bùa được ban ra để cho “người nhà” cùng nhau ảo thuật “rút ruột” xăng dầu của chính mình? Đến 1.3.2014, khi toàn công ty rộ lên tình trạng thiếu hụt hàng, nhiều lời xì xào bàn tán thì công ty lại yêu cầu cửa hàng thực hiện xử lý nhập/xuất chênh lệch nhiệt độ.

Trong khi đó, PV Thanh Niên nhận được phản ánh, lợi dụng quy định đó, một số người có chức trách tại kho đã tổ chức “rút ruột” xăng dầu bằng cách điều chỉnh giảm nhiệt độ xăng dầu ghi trên hóa đơn xuất từ kho cảng khi xuất cho hệ thống cửa hàng bán lẻ xuống thấp hơn nhiệt độ thực tế rồi rút phần chênh lệch do giãn nở xăng dầu (nếu tăng nhiệt độ xăng dầu thì sẽ làm tăng thể tích xăng dầu và ngược lại-PV). Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, nhiệt độ trên hóa đơn của quãng thời gian bị tố điều chỉnh hạ thấp để “rút ruột” thấp hơn nhiều so với thời điểm cùng kỳ trước và sau đó, cũng như nhiệt độ thực tế của khí tượng thủy văn.

Bao che sai phạm?

Ngày 11.2, công ty có báo cáo số 324 thực hiện các nội dung chỉ đạo của tập đoàn sau kiểm tra. Theo đó, công ty lý giải kết quả sai lệch nhiệt độ trên các sổ sách và hóa đơn xuất hàng mà đoàn kiểm tra của tập đoàn phát hiện là: “Do sổ bảo vệ gốc năm 2013 và 2014 của kho không ghi chép đầy đủ thông số về nhiệt độ; còn sổ bảo vệ trình cho đoàn kiểm tra của tập đoàn là sổ mới được tổ bảo vệ kho sao chép lại khi nhận được thông tin chuẩn bị kiểm tra. Khi sao chép, tổ bảo vệ tự ý điền thông số nhiệt độ vào theo cảm tính, do đó không chính xác”. Công ty cho rằng: “Nhiệt độ tại sổ bảo vệ không đủ cơ sở để đối chiếu với nhiệt độ trên hóa đơn xuất hàng nên sử dụng phiếu xuất kho (tích kê), trên đó có ghi nhiệt độ để đối chiếu. Và kết quả đối chiếu số liệu 2 năm 2013, 2014 cho thấy nhiệt độ tại phiếu xuất kho và tại hóa đơn xuất hàng cơ bản khớp đúng, có chênh lệch nhưng không đáng kể. Nguyên nhân sai lệch do chủ quan của bộ phận thống kê tại kho cảng không kiểm tra kỹ số liệu khi cập nhật hóa đơn xuất hàng”. Tuy nhiên, trong biên bản kiểm tra của công ty ngày 9.2 ghi rõ: “Tích kê không lưu trữ đầy đủ, chỉ có 10.353 tích kê trên tổng số 13.272 hóa đơn xuất; hầu hết tích kê không có chữ ký của các bộ phận, chỉ có một số ít có chữ ký của nhân viên thống kê”. Như vậy, việc thiếu đến 2.919 tích kê và sự mờ ám của 10.353 tích kê trên thì việc đối chiếu có chính xác không và có đúng thực tế bản chất không?

Trong biên bản ngày 1.4 của đoàn phúc tra tập đoàn có ghi: “Công ty thừa nhận không thể khẳng định được các chứng từ này (sổ bảo vệ, tích kê, lệnh điều động) là chứng từ gốc phản ánh đúng nhiệt độ tại họng xuất đối với từng xe hàng. Năm 2013 có ít nhất gần 2.000 hóa đơn và năm 2014 có ít nhất gần 1.200 hóa đơn không xác định được căn cứ để cập nhật thông số nhiệt độ. Đối với nội dung báo cáo về sai lệch nhiệt độ trên các sổ sách và hóa đơn xuất hàng của 2 năm 2013 và 2014, kết quả phúc tra cho thấy hệ thống số liệu nhiệt độ, hàng hóa phản ánh tại sổ sách, chứng từ của kho cảng là thiếu tin cậy, chưa chính xác; nội dung báo cáo của công ty với tập đoàn tại văn bản số 324 chưa đầy đủ, số liệu nhiệt độ chưa đủ cơ sở pháp lý”.

Ngoài ra, chúng tôi còn phát hiện 2 bản giải trình về việc sai lệch số liệu nhiệt độ giữa tích kê và hóa đơn xuất hàng của 2 nhân viên kho là Nguyễn Trung Thành (kế toán kiêm thống kê) và Nguyễn Thị Hải Lý (thống kê kiêm bảo vệ) giống y đúc nhau không thừa thiếu một chữ, kể cả lỗi chính tả; mặc dù 2 người làm nhiệm vụ khác nhau. Và 2 nhân viên này lý giải hài hước: “Trong quá trình làm phiếu, do có sự nhầm lẫn trong việc thao tác trên máy nên dẫn đến có sự đảo lộn nhiệt độ giữa các khoang các mặt hàng với nhau hoặc trong quá trình nhập nhiệt độ từ bàn phím do nhầm lẫn nên đã đánh nhầm số vào máy dẫn đến có sự sai lệch trong một số phiếu xuất hàng”.

Rõ ràng, có rất nhiều sự mờ ám, bất thường, chưa chính xác, chưa đủ cơ sở pháp lý xảy ra tại Kho cảng xăng dầu Sông Gianh và Công ty xăng dầu Quảng Bình; cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm sáng tỏ những vấn đề trên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.