Khu vườn rau củ quả của đôi vợ chồng 8X Sài Gòn

Tấn Đạt
Tấn Đạt
07/04/2021 14:22 GMT+7

Không chỉ có khu vườn rau củ quả, đôi vợ chồng trẻ 8X ở Sài Gòn còn cưu mang nhiều chú chó bị bỏ rơi, tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện.

"Ngắm cây trái trĩu quả thấy có động lực, sáng tạo hơn"

Có mặt tại ngôi nhà hai vợ chồng anh Quách Cường và chị Lê Thị Ngọc Diễm, đều là thế hệ 8X ở TP.Thủ Đức, TP.HCM, chúng tôi không khỏi bất ngờ với khu vườn rộng gần 100 mét vuông trước nhà. Mảnh đất này không chỉ có nhiều loại rau củ quả, mà còn là nơi sinh hoạt, vui chơi, chuyện trò của đôi vợ chồng này mỗi khi cuối ngày, kết thúc công việc.
Chị Ngọc Diễm cho hay năm 2019, sau vài lần di chuyển chỗ ở để thuận tiện cho công việc thì vợ chồng chị quyết định xây nhà trên mảnh đất nhỏ tại TP.Thủ Đức. Chị Diễm với ông xã ban đầu dự tính sẽ trồng hoa để làm đẹp một góc nhà và ít rau, chứ chưa có ý tưởng phát triển thành một khu vườn đầy ắp rau củ quả như bây giờ.

Khu vườn trước nhà được tạo dựng khoảng 3 tháng

Ảnh: ND

“Sau một thời gian trồng hoa với nhiều nguồn từ Cần Thơ, Sa Đéc, Đà Lạt... thì kinh nghiệm trồng trọt của mình tốt hơn. Thế là mình mới bàn bạc với ông xã quy hoạch lại các góc khác để trồng cây ăn quả và rau nhằm cải thiện bữa ăn gia đình cũng như nâng cao chất lượng sống với nguồn rau xanh sạch tự tay gieo trồng”, chị Diễm chia sẻ.

Hiện tại vườn đã xanh tươi

Cây cảnh, hoa đều nở rộ

Ảnh: Tấn Đạt

Theo đó, chị Ngọc Diễm và chồng trồng những giống rau phổ biến như cải xanh, rau muống, xà lách. Rồi dựng giàn để trồng bầu, mướp.
Chị Diễm cho biết: “Những cây trái này ban đầu trồng kết quả rất khả quan và năng suất cao. Nhưng sau khoảng 1 năm thì có nhiều vấn đề xuất hiện, đầu tiên là sâu bệnh, nấm rồi đến đất bạc màu. Mình phải tận tay bắt sâu, phơi đất với vôi, xịt kháng nấm. Song song đó mình phải trồng thêm 1 số cây họ đậu để cải tạo đất”.

Những ăn cây quả cũng bắt đầu lớn

Trĩu quả

Mọi ngóc ngách đều là góc sống ảo

Chị Ngọc Diễm còn cho hay chị cũng thử trồng các loại rau cải trong thùng chuyên dụng. “Thay đổi như thế giúp việc luân canh và theo dõi chất lượng đất dễ dàng hơn. Bây giờ mình còn có cả củ cải, ớt, hành, lá cách, xả, cải mầm... Gần một năm nay mình còn trồng thêm các giống cây ăn trái như chuối, mít, ổi, táo, nho... ”, chị Diễm nói.

Cung cấp thực phẩm sạch hằng ngày

Mướp "trúng mùa"

Đến khoai lang

Chị Diễm háo hức chia sẻ: “Việc xây dựng khu vườn cũng bắt đầu từ việc cải tạo không gian sống, đến bây giờ trở thành một đam mê, một thói quen sống thường nhật. Khi ngắm nhìn cây trái trĩu quả, hoa nở thì thấy có động lực sáng tạo. Môi trường xanh này giúp sức khỏe mình tốt hơn hẳn".

Hoa đậu biếc

Ảnh: Tấn Đạt

Bông so đũa...

Thực phẩm tươi sạch ăn hằng ngày trong bữa cơm

Chị Diễm cho hay hiện nay các giống đã được biến đổi gen bán ở các tiệm cung cấp vật tư nông nghiệp hoặc siêu thị là những giống khá dễ trồng, không tốn nhiều công sức. Tuy nhiên mọi người cần cẩn thận gieo hạt theo líp thẳng hàng sẽ đẹp và sau này dễ chăm sóc, thu hoạch. Còn bón phân nên dùng phân cá ủ, vỏ trứng, chuổi ủ, phân bò và định kỳ 10 ngày/lần.
"Mình hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, vôi bột để tẩy mầm bệnh trên đất dù là đất đã trộn sẵn. Còn đối với cây dây leo thì dùng bột ớt pha tỏi giải quyết ruồi vàng ăn lá. Nếu thấy có nấm, đốm lá phải diệt ngay tránh hư cả dàn dây leo. Mình ủ ruột cá và chuối để làm phân. Còn với hoa nên dùng thêm thuốc kích thích rễ...", chị Diễm chia sẻ.

Cây ổi

Tắc trong khu vườn

Nuôi chó bị bỏ rơi, thích làm thiện nguyện

Không chỉ mê sống “xanh”, đôi vợ chồng 8X này còn cưu mang nhiều chú chó bị bỏ rơi ngoài đường. Chị Diễm cho biết hai vợ chồng chị bắt đầu nuôi chó từ hơn 6 năm về trước. Mỗi chú chó là mỗi câu chuyện khác nhau.
“Lớn tuổi nhất là con chó màu trắng, ngót nghét cũng được 7 năm rồi. Nó được chồng mình mua lại khi đang trong tình trạng sắp bị người ta làm thịt. Con màu đen thì hai vợ chồng gặp khi đi uống nước buổi tối, thấy cái thùng rác nhúc nhích mới chạy lại xem, lúc đầu tưởng người ta bỏ em bé bên trong. Khi lấy nó ra khỏi thùng rác, nó hôi lắm, bụng trương tích nước, 2 chân sau què (suy dinh dưỡng kiểu bị bỏ đói). Hai đứa phải đưa nó đi cấp cứu đến 3 giờ sáng... và thức trắng đêm để chăm nó. Rồi chú chó này cũng vượt qua, nhưng giờ chân vẫn còn yếu”, chị Diễm tâm sự.

Mỗi chú chó là mỗi câu chuyện khác nhau

Hai chú chó đầu tiên được vợ chồng chị Diễm đem về

"Từ khi nuôi chó thấy cuộc sống mình có nhiều niềm vui hơn. Nhất là mỗi khi đi làm về là đám chó nhỏ đòi "ẵm bồng" chứ không tụi nó "khóc" lớn lắm, cả xóm nghe luôn", chị Diễm nói.
Bên cạnh đó, anh Cường và chị Diễm còn thích đi làm thiện nguyện. "Hai đứa mình thích đi du lịch khám phá, thường tự láy xe ô tô đi. Từ các tỉnh miền Tây đến miền Trung, vùng cao hầu như đều có "dấu chân" của chúng mình. Nhưng qua nhiều nơi thì gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn, nên lúc đầu thường giúp những gì có thể. Sau vài chuyến thì có dự trữ trong cốp xe một vài áo ấm nếu đi vùng cao, hoặc đồ thường nếu là miền Tây. Còn bánh kẹo, mì gạo luôn có trên xe trong mỗi chuyến đi", chị Diễm chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.