Khoros Hussain đứng ngoài sân 974 và hét lên sung sướng

Đỗ Hùng
Đỗ Hùng
02/12/2022 07:57 GMT+7

Khoros Hussain là một tài xế người Bangladesh. Không có vé xem bất kỳ trận đấu nào tại World Cup nhưng anh vẫn có cách yêu bóng đá của riêng mình.

Sân 974, bấy giờ đã gần nửa đêm, bên trong là cầu trường sôi động với cuộc thư hùng Argentina - Ba Lan. Khán giả ngồi chật kín khán đài để xem cuộc đối đầu giữa hai ngôi sao tấn công Lionel Messi và Robert Lewandowski, đặc biệt là Messi, người được yêu mến nhất World Cup lần này.

Cùng lúc ấy, ở bên ngoài sân, hàng trăm người đứng hồi hộp theo dõi trận đấu theo một cách rất đặc biệt.

Đến gần thần tượng

Đúng 22 giờ, trọng tài nổi còi bắt đầu trận đấu. Cầu trường bùng nổ. Ở bên ngoài, Khoros Hussain kẹp chiếc điện thoại lên giá đỡ, cùng đám bạn ngồi bệt trên nền đá say sưa theo dõi. Màn hình bé tí, nhưng âm thanh từ trong sân không ngừng vọng ra, cuộc túm tụm ở đây vì thế mà không kém phần hào hứng. Cũng có xuýt xoa, trầm trồ, cũng có lúc mừng hụt, rồi bùng cháy; tất cả những gì mà người ta có với bóng đá thì ở khoảng rộng mênh mông bên ngoài sân 974 này đều có cả.

Đêm ấy, tôi đã dành phần lớn thời gian để đứng giữa những người mặc áo đấu của đội tuyển Argentina, ở phía ngoài sân 974. Nhiều người khoác áo có số 10 và tên Messi in trên lưng. Họ không nhất thiết là người Argentina. Nhìn qua mặt mũi, râu ria, có thể thấy phần đông họ là người Nam Á hoặc người Ả Rập. Điểm chung của họ là yêu mến Lionel Messi vô cùng và mong tuyển Argentina chiến thắng, không chỉ thắng trận đấu ấy mà còn là chiến thắng chung cuộc cả giải đấu.

Tác giả (phải) và Khoros Hussain bên ngoài sân 974 ở Doha

châu minh linh

Khoros là một công nhân nước ngoài tới Qatar làm việc, một cá nhân trong cái lực lượng khổng lồ góp phần tạo nên sự thịnh vượng của quốc gia giàu có bậc nhất hành tinh. Và khi World Cup đến, mỗi người đều muốn trở thành một phần của sự kiện trọng đại ấy. Với Khoros, World Cup còn hơn cả một mùa hội hè. Đó là cơ hội để anh có thể đến gần nhất thần tượng của mình: Lionel Messi. Mỗi trận đấu của Argentina, anh đều khoác lên mình chiếc áo số 10 với tên của Messi trên lưng và đến bên ngoài sân để xem và nghe trận đấu. Anh xem qua điện thoại và nghe âm thanh bên trong vọng ra. Trước trận đấu, anh có cơ hội chụp hình chung và hòa vào không khí bóng đá cùng hàng ngàn cổ động viên khác. “Thật vui khi gặp nhiều cổ động viên Argentina như vậy”, anh nói đầy xúc động. “Tất cả mọi người chưa từng quen biết, nhưng vì có điểm chung là tình yêu với Messi nên rất cởi mở với nhau”.

“Đây phải áo xịn không đấy?”, tôi hỏi đùa khi chúng tôi gặp nhau bên ngoài sân đấu 974. “Không phải đâu. Chỉ là một phiên bản giông giống thôi”, Khoros cười đáp. “Anh có vé xem trận đấu nào không? Ý tôi hỏi suốt World Cup ấy”. “Không. Tôi không mua vé xem trận nào cả. Vé rất đắt trong khi tôi thì phải tiết kiệm chi tiêu để giúp gia đình. Nhưng dù thế nào tôi vẫn xem được World Cup. Tôi đến sân vận động và bật điện thoại lên”, Khoros hào hứng. Nhìn cách anh theo dõi trận đấu, nhìn sự sôi nổi của anh, tôi không hề thấy một dấu hiệu nào của cảm giác thiệt thòi ở một người không có vé, hay chính xác hơn là không đủ tiền mua vé.

“Tôi muốn đến gần nhất thần tượng của mình. Tôi muốn có cảm giác của sân vận động”, Khoros giải thích khi tôi hỏi tại sao anh không đến Fan Festival để xem trên màn hình lớn. “Tôi từng đến Fan Festival để xem vài trận đấu khác. Ở Fan Festival thì đông hơn, có ca nhạc, có nhiều trò vui, nhưng ở đây cảm giác đặc biệt lắm”.

Người hâm mộ Messi ở bên ngoài Sân vận động 974 khi trận đấu đang diễn ra

đỗ hùng

Cuộc trò chuyện giữa tôi và Khoros bên ngoài sân 974 vào đêm ấy cứ đứt quãng, vì anh còn phải theo dõi thần tượng của mình trên màn hình điện thoại. Anh cùng bạn bè xuýt xoa tiếc rẻ khi Messi sút hỏng phạt đền, và hét lên sung sướng khi Argentina vươn lên dẫn trước, rồi nhân đôi cách biệt. Từ bên trong cầu trường, âm thanh như sấm dậy vọng ra, bên ngoài cũng rộ lên tiếng reo mừng sau đó chừng một phút theo độ trễ khi hình ảnh truyền qua đường truyền internet, những màn nhún nhảy và hò hét ở ngoài này về cường độ và quy mô thì lép vế hoàn toàn so với bên trong nhưng cảm xúc đâu cứ phải đông người là vượt trội.

Kết thúc trận đấu, Argentina bảo vệ được chiến thắng, giành luôn ngôi đầu bảng. Khoros cùng các bạn thở phào, chuyển từ trạng thái hồi hộp qua nói cười rổn rảng, vừa lúc làn sóng người từ trong sân ào ra. “Bước đầu tiên như vậy là ổn. Giờ chờ xem Argentina sẽ giải quyết những trận đấu tới như thế nào. Tôi tin mọi chuyện đang tốt dần lên. Argentina đang cải thiện phong độ qua từng trận đấu. Messi sẽ có được chiếc cúp đang thiếu của anh”, Khoros tính toán hành trình cho thần tượng một cách gọn ghẽ.

Chân dung một cổ động viên chân chính

Khoros Hussain mới ngoài 30, từ Bangladesh đến Qatar làm việc cách đây 7 năm. Anh làm nghề lái xe cho một công ty gần khu Pearl Qatar giàu có. Mỗi tháng nhận lương 3.800 riyal (khoảng 25 triệu đồng), anh gửi về cho gia đình ở Bangladesh khoảng hơn 2.000 riayl, gần 1.800 riyal còn lại anh dùng để chi tiêu cho cuộc sống tại Doha, bao gồm khoản tiền thuê nhà. “Tụi tôi thuê chung một căn hộ nhỏ, 8 người cùng chia nhau khoản tiền thuê 2.000 riyal mỗi tháng”, anh kể. “Chỗ ấy rộng không?”, tôi tò mò. “Không rộng lắm, giá 2.000 thì không rộng đâu. Nhưng chúng tôi tới đây để làm việc, có chỗ để ngả lưng, để nấu nướng là ổn rồi”.

Hồi hộp theo dõi trận đấu ở bên ngoài sân vận động

đỗ hùng

“Tại sao anh rời Bangladesh để đến Qatar? Anh thấy cuộc sống ở đây ổn không?”, tôi hỏi. Khoros nói rằng cuộc sống ở quê vất vả, rất khó kiếm được việc làm. Mục đích mà anh đến Doha là để kiếm tiền nuôi sống gia đình và bản thân, và anh thấy cuộc sống, việc làm ở Qatar “rất ổn”. “Anh ở đây một mình à?”. “Ừ, gia đình tôi vẫn ở quê nhà Bangladesh. Tôi ở đây với bạn bè, cùng nhau thuê nhà trọ”. “Anh có định đưa gia đình sang đây không?”. “Không đâu. Tôi ở đây theo thị thực làm việc. Tôi tính ở vài năm nữa rồi lại về”.

Dù cuộc sống còn nhiều vất vả và còn nhiều thứ phải lo toan, dù gánh nặng gia đình cứ đè nặng, Khoros vẫn dành một góc lớn trong tim mình cho bóng đá, cho thần tượng. Đối với anh, World Cup với những đấu trường bùng nổ không chỉ có trên ti vi, mà rất gần, chỉ cách chỗ anh ngồi vài cái cổng soát vé, hay một phần trong khoản lương tháng của anh. Nhưng chẳng có gì phải nề hà cả, hãy cứ đến sân, ở bên ngoài cũng được, và yêu bóng đá theo cách của mình.

Trong cái đêm diễn ra trận đấu giữa Argentina và Ba Lan ấy, có hàng trăm cổ động viên, với thành phần sắc tộc đa dạng, đã ở bên ngoài sân như thế. Một số người hỏi mua vé, trong nỗ lực vớt vát chút hy vọng cuối cùng được vào sân. Nhưng phần lớn thậm chí chẳng bận tâm tới việc có vé vào sân, họ vui vẻ ở lại bên ngoài xem bóng đá. Đó là những người không có tiền, nên mua vé không nằm trong dự tính của họ. Nhưng xem World Cup, trở thành một phần của ngày hội bóng đá này thì không nhất thiết cứ phải vào sân. Dù không được thấy thần tượng bằng xương bằng thịt, dù không được chìm vào cái không khí sôi động trên khán đài, thì việc rút ngắn cự ly với sân đấu cũng đã là một điều gì đó rất đặc biệt rồi.

“Kết thúc thế này thật tốt. Tôi sẽ về đây. Tạm biệt anh và hẹn gặp trong trận đấu tới”, Khoros nói với tôi trước khi hòa vào dòng người đang đổ về ga tàu Ras Bu Abboud. Anh lặng lẽ, nhưng trong lòng hẳn đang vui với một buổi đêm có quá nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Được ở rất gần thần tượng và có một chiến thắng “đúng dự tính”.

Tôi cũng dọn dẹp đồ đạc rời sân 974 để kịp đón chuyến xe buýt trở về khu nhà trọ ở Al Janoub. Lúc bấy giờ đã quá nửa đêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.