Đại án AIC tại Quảng Ninh:

Không xử lý hình sự nhiều cựu quan chức có vi phạm tại Quảng Ninh

Trần Cường
Trần Cường
16/07/2023 14:24 GMT+7

Trong vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc Tế (Công ty AIC) xảy ra ở Quảng Ninh, công an đã khởi tố nhiều cán bộ cấp phòng, còn các lãnh đạo cấp sở, cấp tỉnh không bị xử lý hình sự vì không có căn cứ.

Nhiều cán bộ cấp phòng bị đề nghị truy tố

Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 16 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh, Công ty AIC và các đơn vị liên quan về 2 nhóm tội.

Trong đó, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Tổng giám đốc Công ty AIC; Hoàng Đình Sơn, cựu Phó giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình y tế (thuộc Sở Y tế Quảng Ninh); Phạm Ngọc Dũng, cựu chuyên viên Phòng Kế hoạch tài chính (thuộc Sở Y tế Quảng Ninh); Nguyễn Quý Thịnh, cựu Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Ban Quản lý dự án (thuộc Sở Y tế Quảng Ninh) và 10 bị can khác bị đề nghị truy tố tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Không xử lý hình sự nhiều nguyên quan chức tại Quảng Ninh dù có vi phạm - Ảnh 1.

Bị can Nguyễn Anh Dũng cùng em gái Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng bị đề nghị truy tố trong vụ án này

BỘ CÔNG AN

Hai bị can còn lại là Lương Văn Tám, cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án (Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh) và Lê Thị Phú, cựu Phó trưởng phòng Quản lý giá (Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh), bị đề nghị truy tố tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Bộ Công an đề nghị làm rõ trách nhiệm 2 nguyên chủ tịch tỉnh Quảng Ninh

Theo kết luận điều tra, để được trúng các gói thầu trong dự án cung cấp trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh, bà Nhàn đã lập ra "hệ sinh thái AIC" để làm "quân xanh" tham gia đấu thầu. 

Đồng thời, bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới sửa các báo cáo kinh tế, hồ sơ dự thầu rồi móc ngoặc với các bị can là cán bộ thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh để "thông thầu". Qua đó, Công ty AIC và công ty thuộc "hệ sinh thái AIC" đã trúng toàn bộ 6 gói thầu với tổng số tiền hơn 232 tỉ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 50 tỉ đồng.

Lãnh đạo không bị xử lý hình sự

Trong vụ án này, ngoài 16 bị can kể trên, C03 còn xác định hàng chục người khác có liên quan, vi phạm ở các mức độ khác nhau nhưng không bị xử lý hình sự.

Trong đó, C03 xác định ông Phạm Trọng Hiệu, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch tài chính (Sở Y tế Quảng Ninh) và ông Nguyễn Đức Quang, nguyên Phó trưởng phòng này là 2 người đã giúp sức tích cực để bà Nhàn thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại cho Nhà nước. Cụ thể, C03 xác định toàn bộ việc thông thầu giữa chủ đầu tư, nhà thầu và công ty thẩm định giá đều do 2 người này chỉ đạo và trực tiếp thực hiện.

Không xử lý hình sự nhiều nguyên quan chức tại Quảng Ninh dù có vi phạm - Ảnh 2.

Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh

LÃ NGHĨA HIẾU

Hành vi của ông Hiệu và ông Quang đủ yếu tố cấu thành tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", tuy nhiên, do 2 người này đã chết nên C03 không xem xét xử lý hình sự.

Theo kết luận điều tra, ông Nguyễn Tiến Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, là người ký các tài liệu của dự án, tuy nhiên, ông Hưng làm theo chỉ đạo cấp trên và không biết cấp dưới vi phạm. Do đó, C03 không có căn cứ chứng minh ông Hưng thông đồng với nhà thầu, công ty thẩm định giá hay có yếu tố vụ lợi, không xử lý hình sự.

Ông Phan Doãn Thức, nguyên Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh, là người ký các công văn thông báo kết quả thẩm định giá cho Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, theo phân công của cấp trên. C03 cũng cho rằng, ông Thức không biết cấp dưới thực hiện trái quy định và không có căn cứ chứng minh ông Thức thông đồng với nhà thầu, công ty thẩm định giá hay có yếu tố vụ lợi. Do đó, không xử lý hình sự.

Không xử lý hình sự nhiều nguyên quan chức tại Quảng Ninh dù có vi phạm - Ảnh 3.

Công an khám xét trụ sở Công ty AIC tại Hà Nội

TRẦN CƯỜNG

Ông Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh, với vai trò Chủ tịch Hội đồng Khoa học của bệnh viện, đã cùng 14 thành viên ký biên bản thông qua danh mục trang thiết bị điều chỉnh, bổ sung về số lượng so với quyết định được phê duyệt trước đó trong khi ông Hùng và các thành viên không có chuyên môn về thiết bị và ký với mong muốn bệnh viện được mua thiết bị mới để sử dụng. Tuy nhiên, C03 cũng không có căn cứ chứng minh ông Hùng phạm tội, do vậy không xử lý hình sự.

Ngoài những người trên, C03 cũng xác định nhiều cá nhân khác cũng vi phạm ở các mức độ khác nhau, nhưng không có căn cứ để xử lý hình sự. C03 kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý nghiêm về mặt Đảng và chính quyền.

Quá trình điều tra, C03 cũng làm việc, ghi lời khai của nhiều cựu lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, trong đó có ông Nguyễn Văn Đọc và ông Nguyễn Đức Long là 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Văn Thành và bà Vũ Thị Thu Thủy là 2 nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Văn Minh, nguyên Giám đốc Sở Tài chính, nguyên Giám đốc Sở KH-ĐT, và ông Vũ Xuân Diện, Giám đốc Sở Y tế. 

Tuy không có căn cứ xác định những người này vi phạm, C03 vẫn kiến nghị lãnh đạo địa phương làm rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm theo các quy định của Đảng và hành chính.

Xem nhanh 20h ngày 13.7: Cựu chủ tịch AIC lại bị đề nghị truy tố | Nghi ngờ tàn thuốc gây cháy rừng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.