Không vội vàng 'lên đời' 5 huyện

03/12/2022 05:26 GMT+7

Dù nâng cấp 5 huyện ngoại thành lên quận hay thành phố cũng phải quy hoạch bài bản và có cơ chế thu hút các nguồn lực xã hội hình thành các khu đô thị hiện đại, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.

Hạn chế xin chủ trương

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan vừa đề nghị Huyện ủy và UBND 5 huyện ngoại thành (Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ) không đề xuất hoặc kiến nghị TP.HCM việc xin chủ trương chuyển huyện thành quận hay thành phố. Theo ông Hoan, quan điểm chung của thành phố là nghiên cứu, tổ chức không gian các huyện nhằm khai thác lợi thế của từng huyện, hình thành vùng động lực, cực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế của thành phố phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả. Nhiệm vụ trước mắt cần tập trung nghiên cứu giải pháp quy hoạch không gian, hình thành bộ khung về kết cấu hạ tầng, các trục giao thông quan trọng, tuyến đường huyết mạch, khu đô thị lớn cùng với thiết chế văn hóa - xã hội đi kèm...

Khu dân cư Trung Sơn (xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM) đã đô thị hóa nhưng vẫn quản lý theo mô hình nông thôn

Ngọc Dương

Trên cơ sở đó, TP.HCM đề xuất các giải pháp, đề án, chương trình để đầu tư, xây dựng các huyện phát triển trở thành đô thị vệ tinh. Sau khi các huyện đạt tiêu chuẩn theo quy định, TP.HCM sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định mô hình đơn vị hành chính đô thị phù hợp với từng huyện.

Đề án đầu tư xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021 - 2030 được đề ra tại nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ông Hoan cũng giao các sở, ngành thẩm định, nghiệm thu 5 đề án nhánh: văn hóa đô thị, con người đô thị, quản lý nhà nước, kinh tế đô thị và hạ tầng đô thị trong tháng 12.2022, rồi báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy trong quý 1/2023. Theo thống kê của Sở Nội vụ, đối chiếu tiêu chí khi chuyển từ huyện thành quận trên các yếu tố về dân số, diện tích, trình độ phát triển kinh tế xã hội và cơ sở hạ tầng thì Bình Chánh dẫn đầu trong 5 huyện với 26/30 tiêu chí, Nhà Bè và Củ Chi đạt 23 tiêu chí, Hóc Môn đạt 22 tiêu chí và thấp nhất là Cần Giờ đạt 19 tiêu chí.

Xem nhanh 20h ngày 2.12: Lật tẩy ê kíp Nguyễn Phương Hằng | Diễn biến vụ Phó chánh án nhận hối lộ

Các thông tin 5 huyện “lên đời” xuất hiện liên tục khiến lãnh đạo TP.HCM quan ngại về giá đất tăng dù thực tế hạ tầng chưa được đầu tư. TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, đánh giá để một khu vực nông thôn thành đô thị không phải “ngày một ngày hai” mà có khi mất cả chục năm mới đạt tiêu chuẩn nên công tác quy hoạch cần được ưu tiên hàng đầu. Muốn đầu tư nâng cấp hạ tầng thì vốn ngân sách chỉ phát triển hạ tầng dùng chung, còn lại là tạo cơ chế thu hút nguồn lực khối tư nhân. Khi đó, đô thị sẽ tự thân phát triển theo điều kiện tự nhiên và nhu cầu thị trường, nhà nước quản lý theo đúng quy hoạch. Chuyên gia này cũng cho rằng, việc tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo rồi công bố thông tin khi hạ tầng chưa được đầu tư có thể khiến thị trường nhiễu loạn, giá đất tăng ảo.

Các huyện ưu tiên quy hoạch

Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Trần Văn Nam cho biết huyện tập trung cho công tác quy hoạch, nhất là lập quy hoạch xây dựng vùng H.Bình Chánh đến năm 2040 và điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Mục tiêu trước mắt của huyện là khắc phục sự chồng chéo, bất cập trong các đồ án quy hoạch hiện hữu cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn tới. Để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, ông Nam cho rằng cần có các cơ chế mở, thông thoáng thu hút nguồn lực đầu tư bên ngoài, chứ không thể chỉ trông chờ vào ngân sách.

Theo bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND H.Củ Chi, huyện đang khảo sát, đánh giá hiện trạng để phân tích tiềm năng, lợi thế, cơ hội, thách thức, cũng như những điểm yếu để xác định mô hình đô thị, giải pháp và lộ trình thực hiện. Những công việc ưu tiên gồm rà soát điều chỉnh quy hoạch không gian, hình thành bộ khung về kết cấu hạ tầng, các khu đô thị; bổ sung đầu tư công các tuyến đường liên kết vùng theo quy hoạch. Đồng thời, điều chỉnh lại quy hoạch chung xây dựng nhằm điều chỉnh các bất cập, phân bổ lại các chức năng đô thị, nông thôn phù hợp với thực tế phát triển. Cụ thể, huyện sẽ điều chỉnh tính chất, chức năng của 10 đồ án quy hoạch phân khu ven sông Sài Gòn thành khu đô thị sinh thái, tăng tỷ lệ đất ở để thu hút đầu tư. Song song đó, điều chỉnh, cập nhật 4 dự án vào quy hoạch chung TP.HCM, gồm: nghĩa trang công viên ở xã An Phú và xã An Nhơn Tây (25 ha); khu công nghiệp kỹ thuật cao, khu cảng sông và logistics (420 ha); khu nông nghiệp công nghệ cao (350 ha) và dự án cảng cạn (15 ha) tại xã Bình Mỹ để kêu gọi đầu tư.

Ngoài ra, huyện cũng định hướng phát triển một số khu đô thị (khoảng 200 ha) tại các nút giao với đường cao tốc Mộc Bài - TP.HCM, Vành đai 3, Vành đai 4; điều chỉnh quy mô dân số của huyện đến năm 2030 là 900.000 người; cập nhật các khu đất đang kêu gọi đầu tư vào quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 của huyện. Bà Hiền đề xuất TP.HCM quan tâm điều chỉnh quy hoạch chung của huyện, phân bổ kinh phí thực hiện đề án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.