Không tổ chức cho học sinh tham gia trò chơi có hình thức bạo lực, phản cảm

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
28/08/2023 13:07 GMT+7

Bộ GD-ĐT yêu cầu không tổ chức cho học sinh, sinh viên tham gia các trò chơi (trên môi trường mạng hoặc tương tác trực tiếp) có nội dung, hình thức bạo lực, phản cảm...

Xu hướng tội phạm trong học sinh, sinh viên tăng 

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 mới đây, thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, thông tin tội phạm trong học sinh, sinh viên tuy chiếm tỷ lệ thấp nhưng xu hướng tăng dần qua từng năm.

Không tổ chức cho học sinh tham gia trò chơi có hình thức bạo lực, phản cảm    - Ảnh 1.

Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024

MOET

Cụ thể, theo thượng tướng Lương Tam Quang, thống kê cho thấy, tội phạm trong học sinh, sinh viên tuy chỉ chiếm gần 3% nhưng xu hướng tăng dần qua từng năm: năm 2021 tăng 30% so với năm 2020, năm 2022 tăng 28,4% so với năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2023 tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2022.

Thượng tướng Lương Tam Quang cũng cho biết, Bộ Công an sẽ đánh giá, phối hợp với các bộ, ngành và tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT để có giải pháp đồng bộ phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý từ sớm các vấn đề tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự trong học sinh, sinh viên.

Năm học vừa qua, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT triển khai nhiều chương trình, thông tư liên tịch giữa hai bộ về sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật khác trong giáo dục.

"Chúng tôi cũng bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các kỳ thi, đồng thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng hợp tác quốc tế trong GD-ĐT để thực hiện thâm nhập, phá hoại nội bộ, phòng ngừa, kéo giảm hành vi vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên", ông Lương Tam Quang cho biết.

Thứ trưởng Bộ Công an cũng cảnh báo âm mưu lợi dụng hợp tác quốc tế về GD-ĐT; triệt để lợi dụng những điểm yếu của lứa tuổi thanh niên, lứa tuổi sinh viên để kích động tư tưởng chống đối, hoạt động phá hoại tư tưởng, đặc biệt trên không gian mạng tác động đến học sinh, sinh viên, thậm chí cả giáo viên.

Ông Quang khẳng định, thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT trong đảm bảo an ninh lĩnh vực giáo dục.

Kịp thời xử lý các vấn đề khó  khăn, bức xúc của học sinh, sinh viên 

Trong văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ công tác chính trị, học sinh, sinh viên năm học 2023 - 2024 vừa ban hành, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu theo dõi, nắm bắt tình hình chính trị, tư tưởng trong học sinh, sinh viên; tổ chức hiệu quả hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục với học sinh, sinh viên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời xử lý những vấn đề khó khăn, bức xúc của các em.

Chủ động phát hiện và phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan để xử lý các vấn đề phức tạp về chính trị, tư tưởng liên quan đến học sinh, sinh viên; không để học sinh, sinh viên bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia các hội, nhóm, tổ chức tôn giáo hoạt động trái pháp luật và các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, gây rối an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

"Phối hợp với tổ chức Đoàn, Đội, Hội rà soát, quản lý chặt chẽ về nội dung, hình thức của các trò chơi, các hoạt động ngoại khóa của học sinh, sinh viên; không tổ chức cho học sinh, sinh viên tham gia các trò chơi (trên môi trường mạng hoặc tương tác trực tiếp) có nội dung, hình thức bạo lực, phản cảm, không phù hợp với văn hóa dân tộc, chuẩn mực đạo đức xã hội", Bộ GD-ĐT yêu cầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.