'Không thu phí, TP.HCM sẽ mất 15 năm mới hoàn thiện hạ tầng đáp ứng nhu cầu'

13/06/2021 14:12 GMT+7

Đó là khẳng định của lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM liên quan đến đề xuất lùi thời gian triển khai thu phí hạ tầng cảng biển của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.

Đã triển khai chậm so với quy định

Như Thanh Niên đã đề cập trong bài viết Doanh nghiệp lại oằn mình lo phí, ngay từ khi dự thảo đề án thu phí hạ tầng cảng biển ra đời đến khi được HĐND TP.HCM thông qua vào cuối năm 2020, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã liên tục gửi văn bản kiến nghị TP xem xét giảm mức thu, đồng thời lùi thời hạn áp dụng cho tới lúc thích hợp hơn. Việc TP.HCM dự kiến tiến hành thu phí hạ tầng cảng biển ngay trong đợt cao điểm dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp lo ngại sẽ tạo thêm gánh nặng, làm khó doanh nghiệp. Tuy nhiên, trả lời Thanh Niên ngày 13.6, lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM khẳng định khó có thể lùi thời gian thu phí này.
Cụ thể, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết Sở GTVT không có quyền quyết định điều chỉnh thời gian thu phí vì đây là Nghị quyết đã được HĐND TP ban hành. Có 3 lý do để việc lùi thu phí không khả thi.
Thứ nhất, TP.HCM quy định thu phí hạ tầng cảng biển là dựa theo luật Phí và lệ phí đã được Quốc hội thông qua và đã có hiệu lực từ năm 2017, đến giờ thành phố mới triển khai là đã chậm so với quy định của luật. Hơn nữa, theo Nghị quyết của HĐND TP, ban đầu thời gian dự kiến chính thức thu phí là từ 1.1.2021, nhưng cũng vì chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, thành phố đã lùi lại đến 1.7.
Thứ hai, theo thống kê 3 năm gần nhất (2019, 2020, 2021), sản lượng vận tải đường thủy tăng đều từ 10 - 15%, kể cả giai đoạn dịch bệnh. Do đó, tình hình thực tế cũng không quá khó khăn đối với các doanh nghiệp. TP.Hải Phòng vẫn thu phí này đều trong vài năm qua và các doanh nghiệp cũng hợp tác, hỗ trợ tốt.
Thứ ba, đến thời điểm này, áp lực lên hạ tầng giao thông TP.HCM đã quá nặng nề. Với việc phân bổ ngân sách như hiện nay, nếu không thu phí, TP.HCM sẽ mất thêm khoảng 15 năm mới có thể xây dựng hạ tầng theo kịp nhu cầu thực tế. Mặt khác, theo thống kê, có 40% hàng hóa làm thủ tục hải quan tại TP.HCM, cộng thêm 5% gửi kho ngoại quan hàng tạm nhập tái xuất, chỉ 5% làm ở các tỉnh ngoài thành phố. Việc thu phí hạ tầng cảng biển không chỉ nhằm bổ sung ngân sách cho các công trình hạ tầng mà còn nhằm mục đích phân luồng hàng hóa, chia sẻ với các tỉnh bạn như Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Bình Dương để giảm áp lực lên hệ thống hạ tầng của TP.HCM.

Vẫn giữ kế hoạch thu phí 

"Về khó khăn trong đại dịch, Trung ương và TP.HCM cũng đã có nhiều gói hỗ trợ như cơ cấu khoản nợ, giảm, giãn thuế và các chính sách khác đối với người lao động. TP.HCM vẫn giữ kế hoạch giữa tháng 6 này sẽ triển khai thử nghiệm hệ thống thu phí hạ tầng cảng biển, trước khi thu phí chính thức từ 0 giờ ngày 1.7" - ông Bùi Hòa An thông tin. 
Mức phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM sẽ áp dụng là 15.000 đồng/tấn và cao nhất 4,4 triệu đồng/tấn, tùy theo chủng loại hàng hóa và container. Theo Sở GTVT TP, dự kiến nguồn thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển giai đoạn 2021 - 2025 theo đề án khoảng 16.000 tỉ đồng.
Cùng với sự đầu tư của TP cho các công trình giao thông kết nối cảng biển đã và đang triển khai hiện nay, nguồn thu này sẽ bổ sung cho ngân sách TP để tập trung xây dựng các công trình giao thông kết nối cảng biển giai đoạn 2021 - 2025 gồm: Đầu tư mở rộng đường Nguyễn Thị Định; Nút giao thông Mỹ Thủy; Khép kín đường Vành đai 2; Mở rộng đường Võ Chí Công, Nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh; Xây dựng đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu, xây dựng mới cầu Thủ Thiêm 4 (theo hình thức PPP); Xây dựng đường Vành đai 3; Xây mới cầu Cát Lái; Xây dựng cụm cảng trung chuyển - ICD tại phường Long Bình, Q.9; Đầu tư xây dựng mới cầu Thủ Thiêm 4; Mở rộng đường Nguyễn Văn Linh kết hợp với mở rộng đường Lưu Trọng Lư để tổ chức lại giao thông và kết nối khu vực bến cảng Tân Thuận với đường Nguyễn Văn Linh; Nghiên cứu bổ sung tuyến đường ven sông để kết nối giữa các bến cảng dọc sông Soài Rạp, đồng thời nghiên cứu mở rộng đường Huỳnh Tấn Phát và đầu tư các tuyến đường kết nối từ đường Huỳnh Tấn Phát sang đường Nguyễn Hữu Thọ… Đầu tư nạo vét, duy tu luồng Soài Rạp, tuyến đường thủy nội địa; Đầu tư xây dựng cảng cạn, cảng thủy nội địa để tăng năng lực khai thác vận tải hàng hóa bằng đường thủy, giảm áp lực giao thông đường bộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.