Không thể tùy tiện ‘phục chế’ theo cảm tính

02/02/2017 11:15 GMT+7

Vừa qua, trên đường tham quan Angkor (Campuchia), tôi có đưa anh em Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ TP.HCM ghé thăm căn cứ T.Ư Cục miền Nam.

Mấy năm rồi mới trở lại, khu di tích như lột xác với các công trình phụ trợ bề thế, khang trang. Xế chiều, ngày chủ nhật, anh em vẫn trực và tận tình hướng dẫn đoàn tham quan. Huớng dẫn viên cho biết: “Trừ mái nhà lợp bằng lá trung quân, các hạng mục trong khu di tích hầu hết được phục chế bằng vật liệu mới”. Cách làm khá tinh tế nên ít ai nhận ra. Riêng những băng ghế trong hội trường được đóng mới hoàn toàn.
Hướng dẫn viên cho hay: “Trước đây, khu di tích còn lợp lá trung quân giả, làm bằng plastic nhưng nhiều người phản đối nên thôi”. May quá, dự án bị phá sản sớm vì sự phi lí không cần thiết.
Công bằng mà nói, căn cứ T.Ư Cục miền Nam là một trong số ít khu di tích còn giữ được bản sắc gốc của đời sống chiến tranh. Từ các hố bom, vật dụng, bàn ghế và cảnh quan. Chỉ tiếc là có những thứ không cần phải làm mới, vừa tốn kém không cần thiết, vừa phản cảm. Những lối mòn tự nhiên, hà cớ gì phải tráng bê tông? Các giao thông hào cũng không cần nhờ xi măng can thiệp. Phải tôn trọng sự thật. Nếu phục chế, phải giữ được nguyên trạng, ít nhất là bằng mắt thường, chứ không phải là làm mới một cách chủ quan, tùy tiện.
Không biết tự bao giờ, tôi rất thành kiến với từ “phục chế” ở Việt Nam.
Nhiều lần đi cùng khách tham quan, nhất là người nước ngoài và Việt kiều, họ rất khó chịu, thậm chí bỏ ngang việc tham quan vì cảm thấy sự giả tạo thô thiển trong phục chế. Họ cho rằng làm như vậy, không chỉ xem thường du khách mà còn xúc phạm đến tiền nhân.
Thực trạng du lịch Việt Nam hiện nay, để kéo du khách bình thường đến các bảo tàng, các khu di tích lịch sử đã là chuyện khó. Càng khó gấp mấy lần khi đến với các khu di tích cách mạng. Ngoại trừ một số trường hợp cá biệt như: địa đạo Củ Chi, Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất), Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM), bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội)… Không phải vì các điểm đến thiếu sự hấp dẫn mà do nhận thức và cách làm của các cấp quản lý.
Để kéo khách đến với Xẻo Quít - căn cứ của Tỉnh ủy Kiến Phong (Đồng Tháp ngày nay) thời chiến tranh - ngoài việc nâng cấp và đa dạng các dịch vụ, Đồng Tháp còn triển khai dự án “Các trò chơi mạo hiểm gắn với lịch sử cách mạng”. Khi tham gai các trò chơi, du khách, nhất là các bạn trẻ sẽ nhập vai vào những chiến sĩ du kích mưu trí, gan dạ, “xuất quỉ nhập thần” giữa rừng tràm bạt ngàn của “thủy đạo thép” kiên cường. Những nhà sàn bề thế của làng Nam bộ Hòa An trong quần thể khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, vốn chỉ để tham quan sẽ được Đồng Tháp cải tạo thành những nhà sàn lưu trú cao cấp. Khi du khách đến nghỉ, nhất định họ sẽ dạo chơi và ghé thăm khu di tích cụ Phó bảng.
Mấy bạn bên ngành điện ảnh kể rằng, trong phim “Người tình”, đạo diễn Jean Jacques Annaud (sản xuất năm 1990) yêu cầu phải tìm bằng được lụa Tân Châu chính hiệu cho diễn viên chính. Có người thắc mắc: “Khán giả xem phim làm sao biết lụa thật hay giả. Cứ phiên phiến cho nhanh và rẻ”. Đạo diễn kiên quyết không nhượng bộ: “Khán giả không biết nhưng đạo diễn và diễn viên biết. Nghệ thuật chân chính không cho phép sự giả dối, dù chỉ là việc rất nhỏ. Dù không ai biết thì lương tâm mình biết”. Thái độ lao động nghiêm túc, chuyên nghiệp của đạo diễn phải chăng đã góp phần thành công cho bộ phim.
Trong cuộc sống cũng vậy. Phải chân thực từ việc nhỏ trong khả năng có thể. Không thể tùy tiện “phục chế” theo cảm tính. Đó là sự tôn trọng du khách và trân trọng lịch sự. Đó cũng chính là lòng tự trọng tối thiểu của những người làm du lịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.