Không thể trì hoãn mở cửa kinh tế

27/09/2021 17:32 GMT+7

Tại sao cần tái mở cửa kinh tế? Cần chuẩn bị những gì cho việc mở cửa? Ưu tiên hành động cao nhất trong giai đoạn này là gì?...

Nhìn chung tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng điều này không có nghĩa là tiếp tục chờ đợi mà ngay lúc này phải tính đến các kịch bản mở cửa trở lại nền kinh tế. Nhiều địa phương đến nay đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và đang xây dựng kế hoạch tái mở cửa. Điều này rất cần thiết, song, do sự gắn kết về kinh tế khá chặt chẽ giữa nhiều địa phương nên cần phải có chiến lược tái mở cửa và phục hồi kinh tế một cách tổng thể theo cách tiếp cận toàn quốc hoặc tối thiểu là theo vùng mới hiệu quả.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

NVCC

Kịch bản nào cũng phải mở cửa kinh tế

Có nhiều lý do phải tính đến việc tái mở cửa kinh tế:
Thứ nhất, nền kinh tế đã trở nên kiệt quệ, sức khỏe của khu vực doanh nghiệp đã bị bào mòn nghiêm trọng; Thứ hai, đời sống người dân bị ngày càng bi sa sút do mất việc làm và thu nhập, chất lượng cuộc sống và dinh dưỡng giảm sút; Thứ ba, các lệnh phong tỏa, giãn cách theo các cấp độ ngày càng siết chặt khiến cho đời sống người dân bị đảo lộn, việc kéo dài có thể khiến cho tình cảnh người dân thêm khó khăn vượt sức chịu đựng, nhất là người nghèo, thu nhập thấp, các đối tượng yếu thế trong xã hội; Thứ tư, mạng lưới an sinh xã hội vốn đã mỏng manh, lại bị kéo căng quá mức dẫn đến rủi ro đứt gãy, các phương thức cứu trợ tạm thời dựa vào nhà nước nhưng khó có thể kéo dài mãi; nguồn lực của nhà nước vốn được huy động từ nền kinh tế chịu nhiều sức ép; Thứ năm, các cơ hội kinh tế bị bỏ lỡ, dòng vốn chuyển dịch ra nước ngoài đặt ra nhiều thách thức lên khả năng phục hồi kinh tế trong ngắn hạn và động lực tăng trưởng trong trung và dài hạn.
Mở cửa kinh tế là một quá trình mất nhiều thời gian, đòi hỏi cần phải có sự chuẩn bị trước và có rất nhiều việc phải làm. Dịch bệnh là yếu tố khiến cho việc mở cửa trở nên khó khăn nhưng không phải vì vậy mà chúng ta không tính đến việc mở cửa kinh tế từ lúc này. Trong cả hai kịch bản dịch tễ là: Lạc quan - tức dịch bệnh được kiểm soát tốt dần; hoặc không lạc quan - tiếp tục diễn tiến phức tạp, thì chúng ta đều phải tính đến việc mở cửa tương thích với cả hai kịch bản đó. Cả hai kịch bản này không phải là cố định mà có thể hoán đổi theo từng giai đoạn.

Sức khỏe của khu vực doanh nghiệp đã bị bào mòn nghiêm trọng sau thời kỳ đóng băng kinh tế

Những tín hiệu cho thấy đến lúc cần phải tái mở cửa  

Các số liệu dịch tễ gần đây cho thấy một số tín hiệu tích cực. Thứ nhất, xu hướng dịch tễ khi số ca nhiễm mới bắt đầu có xu hướng đi ngang hoặc có giảm xuống tương đối đều, nhất là khi các ca trong cộng đồng và các ca bệnh nặng được kiểm soát tốt; ngày càng nhiều địa phương hay khu vực được xếp vào nhóm "vùng xanh". Thứ hai là năng lực của hệ thống y tế dù vẫn còn chịu tải lớn, tuy nhiên theo các chuyên gia dịch tễ, khi số ca khỏi bệnh ngày càng tăng và vượt số ca nhiễm mới, năng lực của hệ thống y tế sẽ dần được khôi phục.
Thứ ba, tình trạng xói mòn đời sống của người dân. Thời gian qua chính quyền các địa phương đã thực hiện khá tốt các chính sách an sinh xã hội, cung cấp các nhu yếu phẩm cho người dân, nhất là những người khó khăn. Sự tham gia rộng rãi của các bên, nhất là quân đội và công an, chính quyền cơ sở và các nhóm xã hội, đã góp phần giải quyết được nhiều bài toán hóc búa không chỉ về phân phối thực phẩm mà còn nhiều khía cạnh khác của mạng lưới an sinh và bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, chúng ta đều nhận thấy rằng có nhiều thứ nhà nước dù đã cố gắng vẫn không thể thay thế được thị trường. Hơn nữa, về mặt lâu dài nhà nước sẽ đuối sức nếu tiếp tục duy trì mãi các cơ chế phân phối như vậy.
Thứ tư, sức chịu đựng của nền kinh tế đã đến giới hạn. Gần 2 năm qua, dịch bệnh đã bào mòn sức khỏe của nền kinh tế. Sau 3 đợt dịch đầu nền kinh tế vẫn chưa kịp phục hồi, nhất là lĩnh vực thương mại và dịch vụ, thì đợt dịch lần thứ 4 này có thể đã đánh dấu chấm hết cho rất nhiều doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sống sót đến thời điểm này vốn phần lớn là những doanh nghiệp khỏe mạnh nhưng gần như cũng đã đến giới hạn chịu đựng.
Thứ năm là đặt trong bối cảnh quốc tế với sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế trong khu vực và thế giới, đó là vấn đề thời cơ và chi phí cơ hội. Các tập đoàn đa quốc gia có chi nhánh sản xuất ở nhiều nước trên thế giới, các đơn hàng sản xuất dễ dàng được tái phân bổ cho các cơ sở ở nước ngoài, khiến doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam không chỉ mất đi cơ hội phục hồi trong ngắn hạn mà còn khiến động lực tăng trưởng trong trung và dài hạn bị ảnh hưởng.
Thứ sáu, trong đợt dịch lần thứ 4 này, các tỉnh phía nam, đặc biệt là các tỉnh Vùng Kinh tế trọng điểm phía nam chịu tác động nặng nề nhất. Trong khi đó, đây là Vùng kinh tế có đóng góp lớn nhất cho kinh tế cả nước với hơn 45% GDP, 40% thu ngân sách, 40% xuất khẩu, hơn chục triệu việc làm, hơn ½ số doanh nghiệp hoạt động trong cả nước, chưa kể các động lực lan tỏa gián tiếp đến tăng trưởng của các vùng kinh tế khác như ĐBSCL, Tây nguyên. Do đó, một chiến lược tái phục hồi và chính sách hỗ trợ cho Vùng Kinh tế trọng điểm phía nam cũng chính là hỗ trợ cho sự phục hồi và duy trì sức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Cùng với vắc xin, năng lực của hệ thống y tế cũng đóng vai trò quan trọng. Chúng ta cần tiếp tục tái lập và nâng cao hơn nữa năng lực của hệ thống y tế, đó là năng lực ứng phó, xét nghiệm, truy vết, cách ly, cấp cứu, điều trị, nhất là đối với các ca bệnh nặng nhằm kiểm soát tỷ lệ tử vong ở mức thấp. Kinh nghiệm các nước mở cửa và sống chung với Covid-19 cho thấy mặc dù đã tiêm vắc xin thì vẫn có thể nhiễm bệnh, tuy nhiên tỷ lệ nhiễm bệnh thấp và đặc biệt là khả năng bệnh nặng phải nhập viện điều trị vẫn thấp hơn nhiều so với người không tiêm vắc xin. Điều này không có nghĩa là vắc xin kém hiệu quả bởi mục đích của vắc xin là ngăn bệnh nặng và tử vong. Do đó, chiến lược ứng phó sẽ ưu tiên tập trung vào số ca bệnh nặng cần phải nhập viện. Chúng ta cần tham vấn lời khuyên của các chuyên gia dịch tễ về vấn đề này.
 

Cần một chiến lược tái phục hồi và chính sách hỗ trợ cho Vùng Kinh tế trọng điểm phía nam

ĐỘC LẬP

Mở cửa kinh tế thì không thể chỉ tập trung dữ liệu về dịch tễ mà còn là phải có dữ liệu đánh giá về kinh tế. Cụ thể, các cơ quan thống kê cần cung cấp kịp thời, chính xác số liệu về kinh tế và lao động, trong đó phải đánh giá nhanh tình trạng sản xuất và việc làm trong các ngành, lĩnh vực hiện như thế nào, nhất là số doanh nghiệp phá sản, giải thể, đang cầm cự, tạm ngưng hoạt động; các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề phải tham gia đánh giá trung thực bức tranh của ngành mình; các gánh nặng tăng thêm về chi phí hoạt động, chi phí lao động, chi phí tài chính; tình hình lao động đang làm việc, tạm ngưng, thất nghiệp, khả năng kết nối lại thị trường lao động như thế nào khi nguồn cung lao động thời gian qua bị đứt gãy do dịch chuyển lao động về quê chưa thể trở lại hoặc đã chuyển sang các lĩnh vực khác.

(Kỳ 2 : Cần chuẩn bị gì cho tái mở cửa kinh tế)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.