Không thể lặp lại một 'Nghi Sơn thứ 2'

Chí Hiếu
Chí Hiếu
18/03/2022 06:59 GMT+7

Chia sẻ về việc xây thêm nhà máy lọc dầu, chuyên gia kinh tế Ngô Văn Tuyển cho biết Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có nhà máy lọc dầu bằng cách nhập khẩu dầu thô về chế biến, miễn là đem lại hiệu quả và đảm bảo nguồn cung xăng dầu thành phẩm cho nhu cầu nền kinh tế và VN có một thực tế đầy sinh động khi soi kỹ vào trường hợp của Dung Quất và Nghi Sơn.

Cụ thể, ông dẫn chứng, nguyên giá tài sản cố định của Dung Quất (công suất 6,5 triệu tấn/năm) chỉ 48.191 tỉ đồng nhưng của Nghi Sơn là 175.181 tỉ đồng (công suất 10 triệu tấn), trong đó máy móc thiết bị Dung Quất là trên 39.000 tỉ đồng, còn Nghi Sơn là 155.500 tỉ đồng.

“Công suất lọc dầu không chênh nhau nhiều nhưng tài sản cố định chênh gần 4 lần. Khấu hao vì vậy cũng chênh nhau 4 lần. Đặc biệt, tài sản cố định của Nghi Sơn gấp hơn 3 lần vốn góp chủ sở hữu, tức là đầu tư chủ yếu bằng vốn vay, cụ thể vốn vay gấp hơn 4 lần vốn góp chủ sở hữu. Một dự án vay nợ lớn như vậy nên chi phí lãi vay chiếm hơn 10% doanh thu, còn Dung Quất chỉ 0,5% doanh thu. Vay cao, khấu hao lớn thì rất khó để có lãi”, ông Tuyển phấn tích.

Cần phải nói thêm rằng, sản lượng 2021 của Dung Quất đạt xấp xỉ 2019, nhưng biên lợi nhuận của nhà máy nội này đạt 7,7% doanh thu, tăng gấp đôi so với hai năm trước đó và lợi nhuận vì thế cũng tăng hơn gấp đôi. Theo ông Tuyển, mặc dù Nghi Sơn chưa công bố báo cáo tài chính cả năm 2021, nhưng kết quả 9 tháng được công bố cho thấy lợi nhuận gộp chỉ đạt ~1% doanh thu. “Nếu Dung Quất và Nghi Sơn mua cùng giá dầu thô và bán giá sản phẩm ra tương đương thì khi biên lợi nhuận của Dung Quất đạt gần tới mức 10% thì may ra Nghi Sơn mới hy vọng có lãi do chênh lệch khấu hao quá lớn”, ông Tuyển đặt giả thiết.

Chuyên gia này cảnh báo, trong bối cảnh VN hiện nay, nếu tự bỏ tiền không dưới 5 - 7 tỉ USD để làm một nhà máy tương đương Dung Quất hay Nghi Sơn sẽ là bài toán khó. Trong khi nếu đi vay ngân hàng ngoại với lãi suất cao cộng thêm việc mua sắm gần như toàn bộ thiết bị máy móc do chưa có một nền công nghiệp lọc dầu như các nước Nhật, Hàn Quốc thì chi phí càng không hề rẻ.

Theo ông, trong trường hợp phải làm thêm nhà máy, thì VN cũng có thể tính toán liên doanh với các đối tác có mỏ dầu, nhưng phải tránh những bài học “vay nợ cao, chi phí khấu hao lớn” ăn hết vào lợi nhuận dẫn đến âm vốn chủ sở hữu như Nghi Sơn, chưa kể các ưu đãi về thuế, phân phối quá mức mà đáng ra khi xây dựng nhà máy thứ 2 thì không cần phải chấp nhận nhiều bất lợi vô lý đến vậy!

“Các nhà quản lý FDI cần từ thực tiễn đầu tư này rút ra các bài học khi thu hút đầu tư”, ông Tuyển nhấn mạnh. Thực tế, ngay trên diễn đàn Quốc hội, khi nhắc đến vấn đề của nhà máy lọc dầu lớn nhất nước là Nghi Sơn, Bộ trưởng Công thương đã phải dùng đến từ “ẩn số” trong việc đi tìm lời giải cho phương trình mất cân đối xăng dầu. Song chính Bộ trưởng cũng thuyết phục rằng, “chúng ta có lúc đã từng không có nhà máy lọc dầu nào mà đất nước này cũng không thiếu xăng dầu” thì chắc rằng, với trách nhiệm của mình, tư lệnh ngành công thương sẽ góp tiếng nói quan trọng để không tái diễn một “Nghi Sơn thứ 2”, trong trường hợp phải xây dựng thêm một nhà máy lọc dầu nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.