Không thể chấp nhận sự gian dối trong nghiên cứu khoa học

28/02/2022 05:58 GMT+7

Loạt bài “Siêu nhân” làm dịch vụ đăng bài báo để tính điểm xét GS, PGS trên Thanh Niên nhận rất nhiều ý kiến của bạn đọc, trong đó yêu cầu cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc làm rõ, trả lại sự liêm chính trong khoa học.

Trong loạt bài “Siêu nhân” làm dịch vụ đăng bài báo để tính điểm xét GS, PGS, Báo Thanh Niên phản ánh về nhân vật có tên Đ.T.N.H tuy chưa có bằng tiến sĩ nhưng rất nổi tiếng trong giới học thuật từ hơn 2 năm nay bởi làm dịch vụ “công bố quốc tế”. Ông này tự quảng bá đã xuất bản khoảng 400 - 450 bài báo, trong đó có khoảng 300 bài ISI/Scopus với đề tài phủ rộng khắp các lĩnh vực. Thông tin này khiến nhiều người ngạc nhiên vì ông H. “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”.

Một số bài trong loạt “Siêu nhân” làm dịch vụ đăng bài báo để tính điểm xét GS, PGS đăng trên Thanh Niên

CHỤP MÀN HÌNH

Đáng chú ý, khi PV Thanh Niên lần theo thông tin về các đồng tác giả của ông H. trên trang Scopus và đối chiếu với danh sách ứng viên xét giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) năm 2020, 2021, đã lộ diện nhiều “khách hàng” của ông H…

Gian dối, sớm muộn cũng bị phơi bày

Phản hồi về loạt bài, bạn đọc (BĐ) Trung Thực viết: “Cảm ơn PV Quý Hiên của Báo Thanh Niên đã lôi ra ánh sáng ngóc ngách của vấn đề. Sau đây hẳn sẽ có một loạt ứng viên tự loại các bài viết chung với “siêu nhân” để làm sạch hồ sơ. Tuy nhiên “vết lưu” vẫn còn đó, và họ cũng sẽ phải trả giá. Với những người nhận thức được “sai lầm” thì sao? Họ sẽ phải có thêm thời gian để có đủ tiêu chuẩn bằng cách đăng trên các tạp chí đàng hoàng, tử tế. Rất mong Hội đồng GS Nhà nước sớm ban hành quy định về liêm chính và hệ thống các tạp chí có uy tín…”.

BĐ Huỳnh Tuấn chia sẻ: “Tôi hiện làm trong một cơ sở giáo dục đại học. Những ngày qua, đồng nghiệp thường xuyên chia sẻ với tôi những bài viết có nội dung phản ánh về dịch vụ đăng bài báo để tính điểm xét GS, PGS mà Báo Thanh Niên đã phanh phui. Trong số đó, có người bày tỏ sự thất vọng, bởi qua thông tin mà báo phản ánh, có nhân vật được đề cập từng là thầy dạy của họ, những người mà họ đã kính trọng. Riêng tôi thấy đây là tín hiệu tích cực bởi khi sự việc được minh bạch, môi trường học thuật, khoa học sẽ lành mạnh hơn; những “con sâu” sẽ sớm được loại bỏ. Và đặc biệt, có tác dụng nhắc nhở những người đang có ý định tương tự (sử dụng những “dịch vụ” như của Đ.T.N.H) rằng, học thuật - khoa học không có chỗ cho sự gian dối. Sớm hay muộn, sự gian dối cũng sẽ bị công luận phơi bày”.

Cần công khai danh tính những người vi phạm

Theo BĐ Phạm Đình Liên, Quyết định 37/2018/QĐ-TTg về việc ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS có nêu rất rõ thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS, PGS. Theo đó, các trường hợp xét hủy bỏ công nhận chức danh GS, PGS là: bị phát hiện và xác định không đủ tiêu chuẩn quy định vào thời điểm được phong hoặc công nhận; sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp, bị thu hồi hoặc bị tước bằng tiến sĩ; bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc; bị tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật.

“Những phát hiện của báo chí cũng nên được ghi nhận như một thực tế phát sinh để cơ quan chức năng xem xét và chấn chỉnh. Cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan để làm rõ sự việc, bảo vệ sự nghiêm túc, khoa học chân chính và loại bỏ những PGS, GS thiếu trung thực, không có năng lực thực sự”, BĐ Phạm Đình Liên đề nghị.

Đồng quan điểm, BĐ Do Anh Tuan “rất hoan nghênh các cơ quan báo chí khi phát hiện vụ việc này”, đồng thời kiến nghị: “Các cơ quan quản lý nhà nước, Hội đồng GS nhà nước nên có những cuộc thanh tra, kiểm tra định kỳ về việc xét duyệt, bổ nhiệm chức danh GS, PGS. Nếu phát hiện các trường hợp gian dối, cần công khai trước công luận”.

* Nghiên cứu thôi đã gian dối, thử hỏi thực sự năng lực của các vị này ra sao? Có đáng được tôn kính? Thậm chí, có những người sau đó còn hướng dẫn các nghiên cứu sinh khác… Chao ôi, nghĩ thế đã rùng mình nếu không nhanh chóng trả lại sự liêm chính trong học thuật.

Nga Vu

* Điều trước mắt mà tôi thấy Hội đồng GS Nhà nước có thể xúc tiến ngay là công bố danh mục các tạp chí uy tín để các nhà khoa học có năng lực nghiên cứu khoa học có thể công bố quốc tế. Một điều quan trọng nữa từng được đề cập rất nhiều lần là phải có “sản phẩm”, tức là bằng sáng chế độc quyền, giải pháp hữu ích cho một lĩnh vực, vấn đề… Suy cho cùng, những nghiên cứu sẽ thực sự hữu ích nếu được ứng dụng trong cuộc sống.

Nguyễn Văn Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.